Tp.HCM: Đất hành lang sông, kênh rạch có thể được xây nhà
Thay vì bị "treo" nhiều quyền lợi như hiện nay, những hộ có nhà đất trong hành lang bảo vệ sông, kênh rạch có thể được sửa sang, xây dựng và cấp chủ quyền.
Dự thảo Quản lý, sử dụng hành lang bảo vệ bờ sông, mương, kênh rạch và hồ công cộng tại Tp.HCM do Sở Giao thông Vận tải thành phố soạn thảo quy định, đất trong phạm vi này có nguồn gốc trước ngày 24/6/2004 sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và cấp phép xây dựng.
Đối với đất có trước thời điểm này nhưng chưa có nhà, nếu không thuộc các dự án chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư cũng được cấp phép xây dựng.
Đối với nhà hiện hữu trên sông, mương, kênh rạch và hồ công cộng (dạng nhà sàn) sẽ được tồn tại, sửa chữa nhưng không được thay đổi kết cấu, quy mô.
Nhà trên sông, rạch có thể được tồn tại và sửa chữa. Ảnh: Duy Trần |
Tương tự, nhà trong hành lang 20m (với hành lang 20-50m) cũng được tồn tại, sửa chữa theo hiện trạng nhà cũ và có thể thay thế mái ngói, tôn, tường gạch. Từ 20m này trở vào đất liền được cấp phép xây dựng nhà 2 tầng (không kể tầng lửng và mái che cầu thang) với chiều cao tối đa 12,2m so với cốt vỉa hè.
Bên cạnh các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự thảo cũng quy định đất trong hành lang kênh được xây các công trình: Khu vui chơi giải trí ngoài trời, khu triển lãm, chợ hoa Tết, biển quảng cáo, quán cà phê và các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch... Những công trình này phải phù hợp quy hoạch và không gian kiến trúc cảnh quan. Chủ đầu tư phải tự tháo dỡ, không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để xây công trình.
Sở GTVT cho biết, quyết định 150 ban hành năm 2004 đã giúp thành phố quản lý chặt hành lang sông, suối, kênh rạch trong nhiều năm qua. Nhưng người dân có nhà, đất trong hành lang bảo vệ thì gặp nhiều khó khăn vì không được hợp thức hóa, xây sửa, chuyển mục đích sử dụng, mua bán nhà đất... Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Sở rà soát việc quản lý, sử dụng quỹ đất này và xây dựng dự thảo mới.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet