Giá nhà đất liên tục leo thang

Tích lũy mãi mà không theo kịp giá nhà đất, chị Nguyễn Thị Mai đành ngậm ngùi tiếp tục cảnh đi thuê nhà. Năm 2016, gia đình chị tích góp được gần 800 triệu để mua đất, nhưng lúc đó, các lô đất chị định mua tại quận 9 đều có giá từ 1,4 - 1,8 tỷ. Sợ không thể trả lãi ngân hàng, chị quyết định sẽ chờ 1 năm, gom đủ tiền mới mua. Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, chị Mai gần như mất hết hi vọng mua đất quận 9 vì giá đất tăng lên gần gấp đôi. “Các lô đất 1,3 tỷ ở khu vực tôi dự định mua giờ tăng đến 2,7 - 3 tỷ khiến tôi choáng váng. Tôi cũng biết đất sẽ tăng giá theo thời gian nhưng không ngờ lại tăng quá nhanh như vậy. Giờ tôi đành chuyển sang mua đất gần Đồng Nai vì chỉ có các khu giáp ranh mới có giá 1,5 tỷ đổ lại”, chị Mai chia sẻ.

Cũng giống chị Mai, chị Thu Thủy, một nhân viên văn phòng tại quận 3 cho biết, hiện giờ dù tài chính không ổn định, chị vẫn quyết liều  vay mượn ngân hàng để mua đất an cư vì sợ nếu đợi nữa giá đất sẽ tăng đến mức không mua nổi. Thời điểm 2015 chị có mua được một lô đất đẹp gần 100m2 tại khu vực Nguyễn Cư Trinh giá 1,3 tỷ. Đến giữa năm 2016 do cần tiền, chị bán ra với giá 2 tỷ và có lời. Tuy nhiên, năm 2017 khi các con từ miền Bắc vào sinh sống, chị định quay ra quận 9 mua đất thì giá khu vực trước đó chị bán đã tăng gần gấp đôi, nhiều lô đất có 60m2 mà giá đã đến 2,2 tỷ. Lô đất 100m2 chị bán người mua đã xây nhà và giá hiện giờ lên đến 6 tỷ/căn. Chị Thủy hối hận không kịp vì không ngờ bán đi thì dễ mà lúc muốn mua về thì không còn khả năng. Chị quyết định mua một mảnh đất ở sâu trong khu Trường Lưu với giá 2,2 tỷ vì lo sợ chần chừ không mua, qua năm 2 tỷ cũng không mua nổi lô đất 80m2 ở đây an cư.

Khi được hỏi tại sao không chọn đất tại khu Tây hay khu giáp ranh vùng ven vì giá mềm, nhiều khách hàng cho biết do nhu cầu an cư, họ cần khu vực có cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ phát triển để con em học tập, sinh hoạt thoải mái. Trong khi đó, đất ở ven khu vực ngoại thành không chỉ xa trung tâm mà hạ tầng, dịch vụ đều rất kém. Sự chênh lệch lớn giữa hạ tầng giao thông và dịch vụ khiến người mua nhà dù thấy đất ngoại thành rẻ, hợp túi tiền vẫn không muốn an cư tại đây.

giá đất tăng
Giá đất tăng cao liên tục do thị trường bất động sản
còn nhiều bất ổn. Ảnh minh họa: LNĐ

Không chỉ người mua thực, nhiều nhà đầu tư lâu năm cũng phiền muộn trước thực trạng đất tăng quá nhanh khiến việc tìm sản phẩm đầu tư ngày càng khó. Nếu thời điểm 2015-2016, chỉ cần tầm 3 tỷ là dễ dàng tìm được sản phẩm để đầu tư thì hiện nay, con số này đã tăng từ 5-10 tỷ do giá đất tăng quá mạnh. Các khu vực giá rẻ thì hạ tầng chưa phát triển, nếu đầu tư sẽ phải chờ 5-7 năm, trong khi khẩu vị hiện tại của nhà đầu tư là các sản phẩm sinh lời nhanh từ 1-2 năm. Để tìm được nguồn hàng tốt, nhà đầu tư phải tranh giành rất gay gắt, đôi khi phải chấp nhận trả chênh cả trăm triệu. “Cơn sốt đất nền thời gian gần đây đang làm xoay chuyển tâm lý đầu tư. Xu hướng đánh nhanh thắng nhanh lấn át cùng với sự xuất hiện của dân đầu tư lướt sóng khiến thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Nhà đầu tư rất dễ rơi vào bẫy giá bán, trong đó không ít nhà đầu tư dài hạn gặp khó khăn trong cạnh tranh nguồn hàng”, một chuyên gia bất động sản nhận xét.

Thị trường còn nhiều bất ổn

Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, tính đến cuối năm 2017 giá đất tại Tp.HCM đã biến động rất mạnh, nhất là khu vực ngoại thành. Tại huyện Cần Giờ, giá đất nền tăng bình quân hơn 160% so với đầu năm 2017, thậm chí một số tuyến đường trên địa bàn thị trấn Cần Thạnh như đường Duyên Hải, đường Rừng Sác giá đất tăng hơn 365 - 400% so với đầu năm 2017. Khu vực huyện Bình Chánh, Nhà Bè giá đất nền tăng hơn 65 - 85% so với đầu năm 2017. Quận 9 là nơi có hoạt động giao dịch nhà đất nhộn nhịp nhất, giá đất có nơi tăng 200-250% so với đầu năm, đất quận 2 tăng mạnh ở mức 85-150%. Nhìn chung biên độ tăng giá đất khu Đông rơi vào khoảng từ 130 - 170% so với đầu năm 2017. Giá đất tại Tp.HCM tăng trên diện rộng, mạnh nhất là các quận, huyện vùng ven, thậm chí lan sang cả Bình Dương, Đồng Nai, Long An khi nơi đây được đầu tư hạ tầng mạnh mẽ hơn. Giá đất tại Long An, Đồng Nai nhiều nơi tăng từ 50 - 100% chỉ trong năm 2017.

Nhìn nhận về giá đất hiện tại, ông Phạm Lâm, TGĐ DKRA cho rằng, sau mỗi đợt sốt giá, giá nhà đất thường ít giảm về mức cũ. Nguyên nhân một phần là do lạm phát ở Việt Nam cao khiến giá nhà đất liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng là giá thành các sản phẩm nhà đất thường trở nên đắt đỏ sau mỗi lần sốt giá và tín dụng được bơm vào bất động sản mỗi lúc một lớn. Chính dòng tín dụng này đã giữ cho giá nhà ở mức cao hơn mức hợp lý của nó. Một nguyên nhân quan trọng khác là thành phần tham gia thị trường bất động sản Việt Nam có đến 65 - 70% là dân đầu cơ khiến giá nhà đất không phản ánh đúng giá trị thực tế của nó, gây khó khăn cho người mua thực và những nhà đầu tư lâu năm.

Hiện tại, các chính sách quản lý đất đai vẫn còn nhiều bất cập khiến nguồn cung đất ngày càng khan hiếm. Người mua bất động sản đa phần là khách quen của các doanh nghiệp, họ là nhà đầu tư lớn có khả năng thâu tóm và lũng đoạn giá. Trong khi đó, rất nhiều người lao động, công chức không thể mua được nhà. Đây là một thực tế nhức nhối sẽ còn tiếp diễn trong năm 2018 và những năm tiếp theo nếu không có biện pháp chấn chỉnh hợp lý.

Phương Uyên

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME