Cấp GCN quyền sở hữu cho người đang quản lý, sử dụng nhà
Hỏi: Trước đây, tôi ở cùng với ba mẹ trong một căn nhà nhỏ dưới quê. Hiện tại ba mẹ tôi vẫn còn ở trong nhà đó. Căn nhà có nguồn gốc từ ông nội tôi mướn của một địa chủ từ thời Pháp. Ông nội qua đời và ba mẹ tôi ở cho đến nay nhưng không có chủ quyền nhà dù hộ khẩu do ba tôi đứng tên.
Hiện tại, con cháu của người địa chủ không biết ở đâu, cũng không biết là họ có chủ quyền cũ của căn nhà hay không nhưng hằng năm chính quyền địa phương có thu thuế nhà đất (những chứng từ đó chúng tôi vẫn còn giữ).
Phía sau nhà tôi có một khoảng đất trống (sân) và láng giềng đâu lưng phía sau nhà tôi nói là đất của họ, nhưng ba tôi nói là khu đất trống đó liền với căn nhà có từ khi ông nội tôi đến ở. Hiện chúng tôi đang ở trong căn nhà và cả trên khu đất đó.
Do không có chủ quyền đất nên chúng tôi không tranh cãi với họ, nhưng sau này nếu muốn xây dựng lại nhà cùng với miếng đất trống đấy thì phải làm sao? Chúng tôi cần làm giấy tờ, thủ tục gì trước khi xây lại nhà (lên khoảng 4 tầng lầu). Xác nhận chủ quyền đất, xin sổ đỏ như thế nào?
([email protected]...)
- Trả lời của luật sư Huỳnh Văn Nông:
Theo thư của ông thì tôi hiểu căn nhà do cha và mẹ của ông đang quản lý và sử dụng từ thời Pháp cho đến nay, và từ đó đến nay cũng không có tin tức gì về chủ sở hữu căn nhà. Phía sau căn nhà có một mảnh đất do gia đình ông sử dụng từ thời điểm đó đến giờ.
Theo tôi, gia đình ông nên giải quyết tranh chấp khoảng đất trống với láng giềng, sau khi có kết quả giải quyết tranh chấp ông có thể tiến hành hợp thức hóa nhà ở và đất ở.
Do khoảng đất trống chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên gia đình ông có thể làm đơn đề nghị ủy ban nhân dân phường (xã) nơi có tiến hành hòa giải tranh chấp đất giữa gia đình ông và láng giềng.
Nếu hòa giải không thành hoặc không hòa giải được, gia đình ông có thể làm đơn đề nghị chủ tịch UBND quận (huyện) nơi có đất để yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai (điều 159 và điều 160 của nghị định 181/2004/NĐ-CP).
Sau khi có quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc biên bản hòa giải thành công, cha, mẹ ông có thể đề nghị UBND huyện (quận) cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Căn nhà mà cha, mẹ ông đang ở có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nếu có đủ các điều kiện: chủ sở hữu trước đây đã đi vắng; cha và mẹ ông là người đang quản lý, sử dụng căn nhà này liên tục được ít nhất là 30 năm kể từ ngày thực tế quản lý sử dụng cho đến ngày 1-1-1999.
Trường hợp tính đến ngày 1-1-1999, cha, mẹ ông quản lý chưa được 30 năm thì căn nhà này thuộc sở hữu nhà nước và cha, mẹ ông được quyền thuê hoặc ưu tiên mua căn nhà này (khoản 3 điều 10 của nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10).
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet