4 chiêu giúp “bắt bài” giấy tờ nhà đất giả
Lợi dụng công nghệ in ấn hiện đại, việc sản xuất giấy tờ nhà đất giả đang ngày càng tinh vi, bằng mắt thường khó có thể nhận biết. Để tránh “dính bẫy” giấy tờ giả khi giao dịch bất động sản, người mua cần lưu ý những điều sau:
1. Xác minh trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước
Kiểm tra hồ sơ nhà đất tại các cơ quan có thẩm quyền như Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường là cách chắc chắn nhất để bạn nhận diện giấy tờ thật giả. Theo quy định tại Điều 2 TTLT 02/2015, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất có nhiệm vụ thực hiện việc đăng ký đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Thực hiện việc cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…. Do đó, cơ quan này nắm rất rõ tình hình đất đai, có thể xác định nội dung trong sổ đất có đúng hay không , từ đó kết luận sổ đất là giả hay thật.
2. Kiểm tra tại văn phòng công chứng uy tín
Nhiều văn phòng công chứng được trang bị máy soi hiện đại, đội ngũ công chứng viên được đào tạo nghiệp vụ bài bản và có kinh nghiệm làm nghề, từ đó có thể giúp bạn xác minh giấy tờ nhà đấy là thật hay giả. Ngoài ra, người mua có thể liên hệ dân cư, tổ dân phố ở xung quanh khu đất đó để tìm hiểu về nguồn gốc, chủ sở hữu đất, đối chiếu với thông tin trong hồ sơ mà người bán cung cấp để phát hiện giấy tờ có bị làm giả không.
Người mua nên lựa chọn văn phòng công chứng uy tín để hỗ trợ xác minh giấy tờ nhà đất.
3. “Soi” chi tiết, nhận diện dấu hiệu bất thường
Khi tiếp nhận giấy tờ nhà đất, người mua cần kiểm tra độ cũ, mới, nếu giấy tờ đã được cấp khá lâu mà nét mực còn mới, chất liệu giấy quá dày hoặc mỏng hơn bình thường, có dấu vết tẩy xóa hoặc cố tình làm bẩn, chữ ký không liền nét (do sử dụng máy để scan bản mẫu)… thì phải xác minh lại ngay. Dấu đỏ cũng không thể tin nếu đường nét bị đứt quãng, kiểu chữ không đúng quy cách, bố cục dòng chữ, hình vẽ không cân đối, các chi tiết như quốc huy, quốc hiệu bị đọng mực, mờ nhòe…
Đặc biệt khi xem sổ đất phải lưu ý, đối với các sổ có trang bổ sung cần kiểm tra phương pháp in (in offset), dấu giáp lai đồng thời kiểm tra xem trang này bị tẩy xóa hay không. Đối với sổ đã thế chấp nhiều lần, cần kiểm tra kỹ dấu, chữ ký của Văn phòng đăng ký nhà đất.
4. Sử dụng kính lúp hoặc đèn pin
Chú ý các chi tiết trên sổ khi kiểm tra bằng kíp lúp hoặc đèn pin. Ảnh minh họa
Khi kiểm tra bằng kính lúp, người mua có thể phát hiện sổ giả nếu thấy các chi tiết in trên sổ có nhiều hạt mực màu sắc khác nhau, không đồng nhất chấm mực màu hồng như sổ thật.
Dùng đèn pin để kiểm tra giấy tờ nhà đất cũng là một cách làm thông dụng. Theo đó, bạn sẽ chiếu xiên một góc 10-20 độ so với mặt giấy, đúng vị trí có đóng dấu xác nhận và mã số hiệu ở mặt trước của sổ đất. Tại vị trí này, mã số hiệu được đóng hoặc in vào chính giữa dấu nổi. Nếu là sổ thật, mã số hiệu sẽ đóng trùng khớp với hình dấu nổi. Nếu là sổ giả, hình dấu được tạo bởi các chi tiết lồi lõm và không rõ nội dung.
Linh Phương (TH)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet