Xin cấp GCN khi nhà đã mất hết giấy tờ “tay” mua bán
Năm 1998 nhà tôi có mua mảnh đất, đã xây dựng nhà và ở đó đến nay. Khi mua chủ sở hữu đã bán cho một người khác chưa sang tên và chưa bàn giao hết tiền. Người chủ cũ có viết giấy tờ bán lại cho người chủ mới và nhà tôi mua lại của chủ mới ngay sau thời điểm đó luôn. Tất cả đều là bản viết tay, giấy được UBND giữ lại.
Sau đó nhà tôi quên không quay lại lấy giấy tờ. Giờ làm thủ tục nhưng nhà tôi không có có giấy tờ gì kể cả giấy viết tay bán đất. UBND thay người, người chủ cũ không liên lạc được. Trường hợp gia đình tôi giờ phải giải quyết như thế nào?
Nguyen Kim Tuyen ([email protected])
- Trả lời:
Tại khoản 6 điều 50 Luật đất đai năm 2003 đã quy định: hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 điều 50 Luật đất đai nhưng đất đã được sử dụng từ ngày 15-10-1993 đến trước1-7-2004, nay được UBND xã (phường) nơi thửa đất tọa lạc xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ.
Theo khoản 4 điều 14 nghị định 84/2007/NĐ-CP thì trường hợp của ông không thuộc diện không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nguồn gốc sử dụng đất không là điều kiện bắt buộc để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, trường hợp của ông/bà nên làm tường trình về nguồn gốc sử dụng đất để Nhà nước xem xét có hay không có tranh chấp tại thời điểm cấp giấy chứng nhận.
Nội dung tờ tường trình về nguồn gốc đất có thể là: chủ gốc chuyển nhượng cho ai vào thời gian nào, chủ mới chuyển nhượng cho ông vào thời gian nào và ông/bà đã sử dụng đất làm nhà ở (xây nhà) từ thời điểm nào. Tờ tường trình cần có người biết sự việc và tổ tưởng tổ tự quản xác nhận.
Thân ái chào ông/bà.
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
(Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật)
Theo Tuoi tre Online
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet