Ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Đường sắt VN đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về khả năng triển khai dự án này.

* Thưa ông, nếu triển khai xây dựng dự án này, nguồn vốn sẽ lấy từ đâu?

Về nguồn vốn đầu tư cho thực hiện dự án, hiện nay chúng tôi chưa bàn tới. Nhưng theo quan điểm của chính phủ Việt Nam, mong muốn trước hết sẽ là vay vốn ODA của các nước để đầu tư vì đây là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho xã hội. Khả năng hoàn vốn của dự án sẽ rất dài, do đó nếu được các nước hỗ trợ cho vay ODA là thích hợp nhất. Nếu như nguồn vốn đó không thực hiện được, Việt Nam sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) từ các doanh nghiệp quốc tế.

Về việc thực hiện cụ thể của dự án như: thời hạn, những ưu đãi của chính phủ Việt Nam, tỷ lệ góp vốn của bên Việt Nam… sẽ bàn sau với nhà đầu tư. Theo kinh nghiệm của Đài Loan, phía nhà nước góp vào dự án BOT là 20-25% bằng hình thức đất đai và giải phóng mặt bằng để giúp cho dự án được thực hiện.

* Vậy trong dự án này, theo ông, nước ta có thể kêu gọi từ nguồn vốn trong nhân dân được không?

Chúng tôi cũng mong muốn kêu gọi được cả nguồn vốn từ nhân dân vì thực tế cần số vốn khá lớn. Theo tổng mức nghiên cứu sơ bộ, nếu thực hiện dự án này phải mất rất nhiều tiền. Cho nên, nếu phát hành trái phiếu cũng là hình thức kêu gọi góp vốn từ nhân dân, hay các hình thức huy động khác hoặc từ thị trường chứng khoán.

* Theo ông, khó khăn nhất trong thời điểm hiện tại để triển khai dự án này là gì?

Khó khăn nhất là về chuyển giao công nghệ. Tàu cao tốc là lĩnh vực sử dụng công nghệ cao (tàu cao tốc chạy từ 300km trở lên và sử dụng công nghệ tự động, điện khí hoá), trong khi đó nguồn nhân lực của ta chưa sẵn sàng và phải mất một quá trình để đào tạo và chuẩn bị các điều kiện. Khó khăn thứ hai là để xây dựng đường sắt cao tốc, Việt Nam cần phải có nền công nghiệp tương ứng, ví dụ như đường sắt chế tạo, phương tiện sắt thép cũng như các cơ sở hạ tầng khác. Khó khăn thứ ba là về nguồn vốn. Đầu tư đường sắt cao tốc cần số vốn rất lớn và không dễ dàng huy động ngay được.

Theo tôi, để giải quyết 3 vấn đề trên phải đi liền với nhau. Nếu có vốn mà chưa có được nhân lực để thực thi, cũng không thể triển khai được. Theo kinh nghiệm Hàn Quốc, cần phải mất 5 năm để đào tạo nguồn nhân lực trước khi chuyển giao công nghệ đường sắt đôi điện khí hoá ở nước này.

* Thưa ông, chúng ta sẽ ưu tiên ga bắt đầu của dự án đường sắt cao tốc mới Bắc Nam từ Hà Nội ở vị trí nào?

Theo kinh nghiệm của các nước, nếu ga xuất phát từ một vị trí trung tâm như ở Hà Nội hiện nay là điều lý tưởng nhất, bởi đó nơi thu hút các phương tiện giao thông khác qua lại thuận tiện. Theo tôi, ga xuất phát nên bắt đầu ở trung tâm Hà Nội. Còn ở TP. HCM, nên bắt đầu ở ga Thủ Thiêm hoặc ga Hoà Hưng nằm sâu trong lòng thành phố. Theo kinh nghiệm của các nước, sau khi đưa ga ra xa thành phố, họ lại phải đưa vào trung tâm vì mọi phương tiện đều xuất phát từ trong thành phố. Nếu sân bay chúng ta đã đưa xa trung tâm vài ba chục cây số, bây giờ lại đưa cả đường sắt cao tốc ra xa, như vậy sự thu hút vận chuyển của đường sắt sẽ bị hạn chế.

* Dự kiến khi nào chúng ta có thể tiến hành xây dựng được dự án đường sắt cao tốc mới Bắc Nam khu đoạn Hà Nội - Vinh?

Như các bạn biết, nguồn vốn để xây dựng dự án rất lớn. Chúng tôi được giao trách nhiệm tìm hiểu các kinh nghiệm và sẽ trình lên Chính phủ và Quốc hội thông qua. Còn bao giờ thực hiện là do Chính phủ quyết định.

* Theo mục tiêu của ngành giao thông vận tải đã đề ra để đến năm 2020, Việt Nam sẽ có đường sắt cao tốc, vậy việc này sẽ được thực hiện như thế nào?

Trong chiến lược phát triển của ngành GTVT, mong muốn đến năm 2020 chúng ta có được một phần đường sắt cao tốc, nghĩa là có thể có từng đoạn. Còn để thực hiện cụ thể, phải cân đối giữa tiềm năng kinh tế và quyết định cuối cùng của nhà nước Việt Nam.

* Hiện nay phía Nhật Bản cũng đang hỗ trợ Việt Nam làm đường sắt cao tốc, bây giờ phía Koica  Hàn Quốc cũng hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu vấn đề này. Vậy ở đây liệu có sự chồng chéo hay không?

Tôi nghĩ rằng đây là hỗ trợ kỹ thuật, chúng ta có thể kêu gọi sự giúp đỡ đến từ nhiều nước. Không chỉ có Hàn Quốc, Nhật Bản, tới đây còn có thể là Pháp hay Đức... Cho dù sự giúp đỡ này đến từ phía nào, chúng tôi cũng đều rất hoan nghênh, bởi việc giúp đỡ này chủ yếu là chuyển giao công nghệ. Còn quyết định lựa chọn đối tác cuối cùng là do Chính phủ quyết định dựa trên hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Mặt khác, ở đây không có sự chồng chéo bởi đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi. Chỉ khi nào có quyết định đầu tư mà lại có hai quyết định giống nhau, mới gọi là chồng chéo.

Theo Hà Nội Mới

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME