Vỡ mộng vì trót đầu tư theo kiểu "cầm đèn chạy trước ô tô"
Giao dịch liên quan đến việc mua bán đất vườn, đất nông nghiệp... dọc tuyến sông Sài Gòn từ quận 12 đến huyện Củ Chi đang trở nên đìu hiu kể từ khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn phúc đáp, bác bỏ đề xuất vốn cho siêu dự án “Đại lộ ven sông Sài Gòn” thực hiện theo hình thức BT của Tập đoàn Tuần Châu.
Khung cảnh đìu hiu
Theo ghi nhận thực tế, dọc theo sông Sài Gòn là tuyến bờ bao ngăn thủy triều rộng khoảng 5m, mặt đường lầy lội, đi lại rất khó khăn. Hai bên bờ bao cỏ mọc um tùm, xen kẽ có vài ngôi nhà của người dân. Khung cảnh này hoàn toàn trái ngược với cảnh náo nhiệt săn đất như đi hội hồi đầu năm, khi ý tưởng về dự án tỷ đô “Đại lộ ven sông Sài Gòn” được Tập đoàn Tuần Châu đề xuất.
Thời kỳ cao điểm tháng 4 - 5/2017, đất sản xuất nông nghiệp, đất vườn dọc tuyến sông Sài Gòn tại khu vực huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận 12 được đẩy lên rất cao từ 3 - 4 triệu đồng/m2, thậm chí đất thổ vườn còn được đẩy lên 5 - 7 triệu đồng/m2. Khi ấy, người người đi săn đất, nhà nhà làm môi giới, từ tiệm hớt tóc, cửa hàng tạp hóa, quán cơm, quán nước, xe ôm, rồi quán café sân vườn cũng gắn bảng mua bán, ký gửi nhà đất.
Hiện nay, tuy giá đất tại xã Trung An, huyện Củ Chi - nơi dự kiến Đại lộ ven sông đi qua và trung tâm của dự án New Sài Gòn vẫn cao hơn khoảng 15 - 20% so với năm ngoái, song đã giảm so với lúc cao điểm. Đất nông nghiệp ở đây hiện dao động từ 1 - 3 triệu đồng/m2 tùy từng diện tích, vị trí, nhưng người mua đầu tư làm dự án bất động sản rất hiếm, thường chỉ có khách mua để làm nhà vườn, trồng rau.
Đề xuất đầu tư siêu dự án “Đại lộ ven sông Sài Gòn” của Tập đoàn Tuần Châu đã bị bác bỏ |
Tại khu vực Bình Mỹ, huyện Củ Chi từ cầu Rạch Tra đến phà Bình Mỹ, đất thổ vườn giá dao động từ 3,2 - 4 triệu đồng/m2 nhưng không có giao dịch nào trên 1.000m2.
Còn ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, giá đất vườn ven sông Sài Gòn hiện đang dao động ở mức 4 - 5 triệu đồng/m2, cao hơn từ 1-2 triệu đồng/m2 so với đất cùng loại phía sông Vàm Thuật. Khu vực quận 12 và các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, giá đất dao động ở mức 5 - 7 triệu đồng/m2 nhưng rất ít người hỏi mua. So với thời kỳ cao điểm, giá đất vẫn không giảm nhiều, lượng ký gửi cũng không ít nhưng lượng giao dịch rất hiếm hoi.
Vỡ mộng vì trót đón đầu dự án
Theo chia sẻ của một đại diện doanh nghiệp kinh doanh nhà đất tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn bác bỏ đề xuất siêu dự án “Đại lộ ven sông Sài Gòn” của Tập đoàn Tuần Châu, mọi giao dịch mua bán các lô đất dọc tuyến sông Sài Gòn gần như đều bị ngưng trệ, hiếm hoi mới có một vài khách hỏi mua đất thổ, đầu tư hạ tầng phân lô bán nền. Hiện giao dịch của công ty này chủ yếu là đất nền thổ cư nằm trong khu quy hoạch của thành phố.
"Khi nghe tin về siêu dự án “Đại lộ ven sông Sài Gòn”, tôi đã đầu tư 8,5 tỷ đồng mua mảnh đất vườn 1.700 m2 (trong đó có 750m2 thổ cư). Nhưng nay dự án bị bác bỏ, không biết bao giờ mới bán được đất để thu lại vốn làm ăn", anh Hưng, người ký gửi bán lô đất tại bờ bao sông Sài Gòn, thuộc xã Nhị Bình ngậm ngùi cho biết.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tuyến bờ bao sông Sài Gòn đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi có vài hộ xây tường rào trồng cây để đón đầu chờ đền bù khi dự án này thực hiện, nhưng nay phải đóng cửa bỏ hoang. Nhiều bảng hiệu mua bán đất trên tuyến đường Bùi Công Trừng, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 15,... cũng đã được dỡ bỏ.
Cũng tại khu vực này, dự án FDI có tổng vốn đầu tư lên đến 1,2 đô tại huyện Củ Chi sau 10 năm thực hiện đến nay vẫn bỏ hoang. Hay dự án Khu đô thị mới An Phú Hưng của Công ty TNHH một thành viên An Phú có quy mô hơn 610ha tại Hóc Môn, mới đây thành phố đã phải ban hành quyết định thu hồi dự án sau nhiều năm triển khai ì ạch.
Thực tế, rất nhiều nhà đầu tư đã vỡ mộng khi trót đón đầu các siêu dự án như Thành phố mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) hay Happyland (Long An),.... Bởi vậy, bất kỳ nhà đầu tư nào, dù lớn hay nhỏ cũng nên cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố trước khi quyết định chọn dự án để đầu tư.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet