Vật lộn 2 năm trong nghề môi giới, tôi đã vỡ ra được nhiều điều
Cứ nghĩ làm môi giới nhà đất là lúc nào cũng quần là áo lượt, trở thành “soái ca” sơ mi trắng, khoác áo vest, thời gian làm việc linh hoạt, lương lãi rủng rỉnh nên tôi bỏ ngang công việc hiện tại để thử sức. Sau 2 năm làm nghề, dù thực tế khá khác so với những gì tôi tưởng tượng nhưng tôi đã kịp "bỏ túi" được rất nhiều điều.
Đó là tâm sự của anh Nguyễn Viết Hòa khi kể lại câu chuyện lấn sân sang nghề môi giới của mình. Anh Hòa kể, trước đây anh học chuyên ngành Địa chính trường Đại học Mỏ - Địa chất. Sau khi ra trường vài tháng, anh xin được việc đúng chuyên ngành tại một công ty tư nhân. Công việc của anh chủ yếu ngồi ở văn phòng, lương tháng chỉ 6 triệu đồng, không có nguồn thu nhập thêm. Sau 7 tháng làm việc, cảm thấy quá nhàm chán và không có tương lai nếu cứ chôn chân tại đây, anh Hòa bắt đầu nghĩ đến chuyện chuyển việc. Anh Hòa nhớ lại có lần được một người chị họ kể chuyện bạn của chị làm môi giới có tháng khoe bán được hai căn biệt thự nhận hoa hồng vài trăm triệu đồng. Chị nói không biết thu nhập cả năm của bạn chị khoảng bao nhiêu nhưng chỉ thấy thường xuyên đi du lịch trong nước, ngoài nước, mỗi lần về lại mua quà cáp đắt tiền tặng đồng nghiệp, người thân, bạn bè.
Nghĩ đến hình ảnh bóng bẩy của những môi giới mà anh từng thấy, lại muốn tìm cách làm giàu nhanh mà không cần vốn, giờ giấc làm việc thoải mái nên anh Hòa quyết định bỏ công việc hiện tại để thử sức làm môi giới nhà đất. Lúc đó, anh cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu người đau ốm cần gặp bác sĩ thì người mua nhà chắc chắn sẽ cần gặp môi giới mà số lượng người cần mua nhà không phải là ít, người ít tiền cần có nhà ở còn người nhiều tiền lại muốn mua đầu tư, thế nào chẳng kiếm được khách. Bố mẹ anh biết chuyện thậm chí còn phản đối vì mọi người ở quê nghe nói có nhiều “cò đất” lừa đảo, suốt ngày gọi điện chào mời nên không có thiện cảm với nghề này.
Người môi giới bất động sản ngoài việc phải nắm rõ mọi thông tin về sản phẩm còn cần kiến thức
về nhiều lĩnh vực khác như thị trường, phong thủy, luật pháp, kiến trúc…
Vì tay ngang vào nghề, chưa có bất cứ một kinh nghiệm gì nên thời gian đầu, anh Hòa cảm thấy khá “sốc”. Dù trước đó đã chuẩn bị tâm lý, xác định phải thật kiên trì, thậm chí đeo bám khách nhưng khi trực tiếp làm, hàng ngày phải gọi gần 200 cuộc điện thoại mà phần lớn bị từ chối, thậm chí bị chửi nên anh vẫn không tránh khỏi áp lực. Thời gian đầu, nhận được điện thoại của khách đã là quá mừng nên ai hẹn anh cũng sẵn sàng đi gặp ngay, không cần đánh giá khách có tiềm năng hay không. Có lần khách hẹn anh đến tư vấn giữa trưa nắng, anh đi gần 17km nhưng khi đến địa điểm hẹn gọi cho khách thì chỉ nghe “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…”.
Sau 3 tháng chật vật và đã dần nản chí, “vỡ mộng” với những gì mình từng tưởng tượng thì bất ngờ chỉ trong một tháng, anh ký được hai hợp đồng căn hộ chung cư. Anh mừng quýnh và nghĩ những cố gắng trước đó của mình cuối cùng cũng được đền đáp. Niềm vui chẳng bao lâu thì sau đó, anh lại triền miên chuỗi ngày tháng đi sớm về hôm nhưng không có hợp đồng. Có lần anh vừa bước vào quán ăn trưa, gọi đồ xong chưa kịp ăn thì khách gọi nói ra ngay công trường dự án để tư vấn. Anh lại vội vàng xin hộp gói đồ ăn rồi lên xe máy đi ngay.
Gần một năm sau đó, anh gần như dậm chân tại chỗ khi không bán thêm được sản phẩm nào dù anh đã thử nhiều cách tiếp cận khách hàng khác nhau như chạy quảng cáo, học hỏi kinh nghiệm từ những người lâu năm trong nghề. Quá mệt mỏi và nghĩ mình không có duyên bán hàng, không thể gắn bó lâu dài nên anh từ bỏ công việc môi giới. Anh Hòa nói: “Không thể phủ nhận sau 2 năm làm nghề môi giới, tôi học được rất nhiều thứ, rèn luyện được khả năng giao tiếp, sự tự tin, tính kiên trì và cả con mắt nhìn đời. Nhưng có lẽ ngay từ khi bắt đầu, tôi đã định hướng sai và chưa có chiến lược cụ thể cho mình. Đúng là chỉ khi bắt tay vào làm thì mới hiểu hết cái khó của nghề”.
Xem thêm:
- Mách nước 6 chiến lược giúp kiếm bội tiền từ nghề môi giới
- 10 kỹ năng không thể thiếu trong nghề môi giới bất động sản
Trên thị trường bất động sản, số lượng môi giới ngày càng tăng lên, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường nóng sốt. Bộ Xây dựng thống kê, có khoảng 80% giao dịch bất động sản thành công là thông qua môi giới. Nghề môi giới là nghề có sức hút lớn, đặc biệt với những người trẻ.
Giám đốc một công ty môi giới tại quận 9, TP.HCM cho biết, tại các doanh nghiệp môi giới hiện nay, có đến 80% nhân sự là người dưới 30 tuổi. Tuy nhiên, thực tế phần lớn những người trẻ vào nghề đều là vì chưa xin được việc đúng chuyên ngành nên muốn làm tạm bợ mà không có mục tiêu cụ thể, cộng thêm việc không có người hướng dẫn nên khi bị khách hàng từ chối thì càng dễ bỏ cuộc. Theo vị giám đốc này, môi giới là nghề nhiều áp lực, có mức độ đào thải rất khắc nghiệt và nhanh chóng, đòi hỏi sự năng động và phù hợp với những người chưa vướng bận về gia đình. Người môi giới muốn gắn bó với nghề và đạt được thành công cần đưa ra quá trình thăng tiến cụ thể, nếu chỉ loanh quanh làm môi giới hết năm này sang năm khác thì rất khó để tồn tại.
Do đặc thù của ngành bất động sản, người môi giới ngoài việc phải nắm rõ mọi thông tin về sản phẩm còn cần có kiến thức về thị trường, phong thủy, luật pháp, kiến trúc… để tư vấn cho khách hàng. Ngoài kiến thức, môi giới cũng nên trang bị một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng sử dụng công nghệ, marketing/PR trên mạng xã hội…
Ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Founder - Chủ tịch HĐQT Công ty CP King Broker từng chia sẻ, môi giới bất động sản muốn thành công phải vượt qua khó khăn trong 2 năm đầu tiên và phải theo đuổi ít nhất 5 năm. Ngoài ra, nếu muốn thành công, môi giới cần xây dựng cho mình 6 chiến lược gồm: chiến lược định vị theo công thức Thị trường = Phân khúc + Địa bàn; cập nhật xu hướng công nghệ; xây dựng nhân hiệu; xây dựng và quản trị tập khách hàng; xây dựng đội nhóm bán hàng và định hướng phát triển thành nhà môi giới toàn cầu.
Phùng Dung
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet