Kết thúc việc học tại Seattle, Jon Call chuyển tới New York để lập nghiệp và anh được nhận vào làm tại hãng thiết kế lừng danh Diamond Baratta, nơi mà anh gọi là trường học quan trọng nhất của mình. Sau mấy năm làm việc tại đây, năm 2010 Jon Call chính thức thành lập công ty riêng của mình lấy tên là Mr. Call Designs.

  

Tới nay, Mr. Call Designs đã có rất nhiều công trình và khách hàng trên khắp nước Mỹ. Những công trình nổi bật của Jon Call phải kể tới Chelsea Residence, West Village Residence hay Greenwich Village Residence… Điểm đặc biệt trong phong cách thiết kế của anh là mở ra lối tư duy mới về sang trọng. “Tôi quan niệm sự sang trọng không phải vấn đề giá trị bằng tiền của món đồ như thế nào mà là giá trị trân quý của người sở hữu với món đồ. Trong những thiết kế của tôi, tôi tập trung vào thứ mà khách hàng trân quý để khiến cuộc sống của họ trở nên sang trọng hơn”.

Với tư duy đó, cách xử lý không gian của Jon Call rất đa dạng. Anh sẵn sàng nhận những không gian lớn cũng như những căn hộ với diện tích khiêm tốn. Khách hàng của Jon từ độ tuổi 30 – 40 và chủ yếu là những người học và gu thẩm mỹ hiện đại. “Họ thích cách làm việc của tôi vì tôi luôn khiến họ cảm thấy mình chính là tác giả của ngôi nhà sau khi được thiết kế. Nhưng thực sự thì nếu bạn biết hoà hợp giữa nhà thiết kế với những khách hàng thông minh và tinh tế đó, bạn sẽ có những sản phẩm tuyệt vời!” Hãy thử nhìn vào công trình West Village Residence. Đây là một căn hộ với các không gian liên hoàn từ phòng khách sang phòng ngủ và không gian làm việc. Những món đồ nội thất hiện đại nhưng không quá phá cách với lựa chọn màu gam trầm khiến không gian trở nên ấm cúng, sang trọng nhưng vẫn đảm bảo các công năng một cách dễ chịu cho người dùng.

  

Trong thiết kế của Jon Call luôn có sự kết hợp những giá trị cũ – mới, Đông – Tây. “Giờ đây chuyện bạn đang ở New York mà tìm được những món đồ của châu Âu thế kỷ 19 hay một bức tượng Phật đẹp. Những sự giao thoa hợp lý và có chủ đích sẽ tạo ra cho không gian sự thú vị”. Chính đối tượng khách hàng trí thức với quan niệm văn hoá hiện đại và sâu sắc đã khiến Jon Call mạnh dạn đưa ra các thử nghiệm kết hợp táo bạo của mình ngay từ ngày đầu ra mắt công ty Mr. Call Designs. Và thực tế từ sự hài lòng của khách hàng và những hợp đồng liên tục đã chứng minh rằng nhà thiết kế trẻ này đã chọn đúng con đường tạo ra cái riêng của mình.

Triết lý thiết kế của Jon Call rất đơn giản: “Thiết kế là sự cân bằng”. Sự cân bằng của những giá trị quá khứ và đương đại. Sự cân bằng của cuộc sống bên ngoài sôi động và ngôi nhà ấm cúng, bình yên. Sự cân bằng giữa giá trị sử dụng và những nét tinh tế của một không gian đẹp.

West Village Residence

Đây là một không gian liên hoàn với diện tích nhỏ. Nhưng cách thức bố trí và khai thác tối đa sự liên hoàn của nhà thiết kế khiến không gian không chật chội mà vẫn toát lên vẻ sang trọng, phong thái học thức của gia chủ. Cách phối màu của Jon Call rất đặc trưng. Anh không để màu sắc đi quá giới hạn hay đòi hỏi người sử dụng hoặc vị khách bước vào nhà bị đập vào mắt bởi một điểm nhìn nào đó. Mỗi công trình của Jon Call là một sự tổng hoà không gian hoàn hảo. Ở đây tiểu tiết là rất quan trọng. Lựa chọn khắt khe từng món đồ, từ chiếc đồng hồ, cái lọ cho tới bức tranh, chiếc đèn hay bức tượng khiến không gian có một cá tính riêng của nó.

Không gian phòng khách này được tổ chức với một tông màu nam tính và tinh tế. Những món đồ cổ điển được kết hợp với lối sắp đặt hiện đại tạo nên sự hài hoà mang đậm dấu ấn phong cách Jon Call. Hãy chú ý tới chi tiết chiếc gương lớn theo phong cách Baroque được kết hợp với chiếc ghế sofa dài màu sáng hiện đại.

 
 


 

Greenwich Village Residence

Điểm nhấn của căn phòng là bức tranh ghép phá cách ôm cả khoảng tường lớn. Bức tranh điều tiết toàn bộ cái nền trầm của căn phòng và tạo cảm hứng cho người sử dụng.

  


Chelsea Residence

Bản thân căn phòng lại được chia thành những không gian nhỏ như bàn trà này. Nó vừa tạo nên sự gần gũi với nhu cầu đối thoại, trao đổi ít người vừa có gì đó rất nghệ thuật trong cách xử lý chậu hoa nhỏ và những chiếc chén theo phong cách Á Đông.

Jon Call – Sinh ra và lớn lên tại Seattle ở vào thời kỳ mà vùng đất này đang hồi sinh sau thời kỳ suy thoái. “Đó là thời kỳ Microsoft, Amazon và Starbucks bắt đầu xuất hiện. Trên radio luôn bật nhạc grunge và thời trang grunge thì sải bước trên sàn catwalk tận Paris. Chỉ sau một đêm tỉnh dậy, Seattle biến đổi từ một thành phố mê ngủ trở thành một nền kinh tế toàn cầu mới”, nhà thiết kế miêu tả.

Theo học ngành thiết kế tại học viện Nghệ thuật Cornish, ngay từ khi còn là sinh viên Jon Call đã xin vào làm việc tại các công ty thiết kế có uy tín với tham vọng một ngày nào đó có thể lập ra công ty riêng của mình. “Từ thời điểm đó tôi bắt đầu nhìn thấy những cơ hội để phát triển nghề thiết kế nội thất. Ở Seattle bắt đầu xuất hiện một thế hệ người giàu mới với những ý tưởng mới về sự sang trọng. Có một lối sống mới được hình thành hoà trộn giữa lối sống Seattle thoải mái và sự nâng cấp về độ tinh tế trong vấn đề không gian sống”.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME