TP. Quy Nhơn sẽ là đô thị trung tâm miền Trung vào năm 2035
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận đến 2035, tầm nhìn 2050.
Theo đó, tới năm 2035, TP. Quy Nhơn trở thành một trong các đô thị trung tâm của vùng Duyên hải miền Trung, nền kinh tế phát triển theo định hướng công nghiệp - cảng biển - dịch vụ - du lịch; tới 2050 sẽ có vị trí đối trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á và sức thu hút đầu tư lớn... xứng đáng là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Nhằm bảo đảm sự hài hoà cả 3 yếu tố: kinh tế - hệ sinh thái tự nhiên - cân bằng xã hội, thành phố sẽ chuyển đổi từ mô hình đô thị độc lập thành mô hình đa trung tâm, gắn kết với các khu vực phụ cận là Khu kinh tế Nhơn Hội, huyện Tuy Phước và một phần của huyện Vân Canh. Đồng thời, hệ thống đa trung tâm liên kết với nhau bởi cầu Thị Nại, đường cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 1A, quốc lộ 19A, 19B, 19C.
Theo quy hoạch, TP. Quy Nhơn sẽ là đô thị trung tâm miền Trung vào năm 2035 (ảnh minh họa) |
Đồ án cho thấy, các hướng phát triển của TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận: Hướng phát triển về phía Bắc - Đông Bắc, huyện Tuy Phước hình thành vùng sinh thái nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển du lịch. Khu kinh tế Nhơn Hội phát triển gắn với du lịch biển đảo cao cấp, công nghiệp lọc hóa dầu và khu đô thị mới.
Về hướng phát triển về phía Đông - Đông Nam: Xây dựng hình ảnh đô thị biển, phát triển du lịch tại trung tâm hiện hữu TP. Quy Nhơn. Đẩy mạnh liên kết du lịch tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu. Hình thành khu phức hợp đô thị - du lịch - hội thảo khoa học tại khu vực Quy Hòa - Ghềnh Ráng.
Về hướng phát triển về phía Tây - Tây Nam: Nâng cấp thị trấn Diều Trì lên thành đô thị trung tâm cửa ngõ phía Tây thành phố, gắn kết với đầu mối giao thông và dịch vụ thương mại hỗn hợp. Hình thành kho vận logistic, khu vực tiền cảng, tại Phước Lộc. Phát triển khu đô thị Long Vân - Long Mỹ gắn với các trung tâm cấp vùng. Khu vực Phước An, Phước Thành xây dựng tuyến QL1 tránh, phát triển nông nghiệp, dự trữ đất phát triển đô thị và an ninh quốc phòng. Hai xã Cam Hiển, Cam Vinh phát triển nông - lâm nghiệp, vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp...
Phạm vi nghiên cứu quy hoạch có tổng diện tích khoảng 677,88km2, phía Bắc giáp huyện Phù Cát (Bình Định), phía Nam giáp thị xã sông Cầu (Phú Yên), phía Đông giáp biển, phía Tây giáp thị xã An Nhơn (Bình Định). Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cùng Công ty Arep Ville là đơn vị tư vấn lập quy hoạch.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet