Tp.HCM: Xây xong 6 năm, khu tái định cư vẫn chưa có đường đi
Ban Văn Hóa - Xã hội (HĐND Tp.HCM) vừa có chuyến đi thực tế tại khu tái định cư Vĩnh Lộc vào ngày 29/11. Đây là khu tái định cư hoàn thành năm 2010, thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Trong chuyến thực tế, đoàn đại biểu đã thăm hỏi, tìm hiểu đời sống của người dân trong khu tái định cư cũng như nghe báo cáo về đời sống, sinh hoạt của người dân từ cơ quan chức năng.
Phải đi học, đi làm xa 10km
Những người dân sống trong các căn hộ tái định Vĩnh Lộc hầu hết đến từ các quận nội thành trong đó có quận 1, 6, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình…
Cơ quan chức năng địa phương cho biết, trong số các hộ dân sinh sống tại đây, đa phần là hộ nghèo, không đủ điều kiện để bồi thường về nhà ở, đất ở tại các dự án di dời trong khi tiền hỗ trợ, bồi thường của Nhà nước không đủ để họ mua nhà tái định cư ở những nơi khác.
Khi gặp gỡ đoàn giám sát, nhiều hộ dân cho biết con cái của họ vẫn đang học tập tại các trường ở địa phương cũ, người lớn thì quay về chốn cũ tiếp tục công việc vì quanh khu tái định cư không tìm được việc làm phù hợp.
Người dân cho hay, mỗi ngày, họ và con cái phải đến nơi làm việc và đi học cách nhà khoảng 10km. Có những hộ gia đình đông người nhưng được bố trí căn hộ quá nhỏ, không đủ chỗ ở buộc phải đi ở nhà thuê.
Về vấn đề công ăn việc làm của người dân tái định cư tại đây, UBND huyện Bình Chánh đã kiến nghị khi KCN Lê Minh Xuân 3 đi vào hoạt động, huyện sẽ tạo điều kiện để những người dân tái định cư trong khu Vĩnh Lộc B có thể làm việc cho các doanh nghiệp trong khu này, giúp họ có công ăn việc làm ổn định.
Nhiều căn hộ trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B sau hơn 6 năm bỏ trống đã
bắt đầu hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: Ngọc Hà.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Hiền, chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, khu tái định cư có tất cả 477 hộ dân đã nhận nhà nhưng trong số này chỉ có khoảng 40 hộ đã chuyển hộ khẩu về xã, còn lại vẫn giữ hộ khẩu ở địa phương cũ.
Đây cũng là nguyên nhân không có con em của các hộ dân tái định cư theo học tại hai trường mầm non và một trường tiểu học được xây dựng khang trang trong khu tái định cư.
Trong khu tái định cư cũng có siêu thị hoạt động từ khi dự án hoàn thành, tuy nhiên riêng phòng khám đa khoa thì chưa có chủ đầu tư, hiện tại vẫn đang là một bãi đất trống.
Chưa có đường đi
Trong một báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, khu tái định cư Vĩnh Lộc B có diện tích 30ha, quy mô gần 2.000 căn hộ cùng với hàng trăm nền đất. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng từ những năm 2010 nhưng đến nay, đường chính kết nối với bên ngoài vẫn chưa được xây dựng.
Theo quy hoạch được duyệt, khu tái định cư này sẽ có tất cả 4 đường kết nối với bên ngoài ra đường Võ Văn Vân, tỉnh lộ 10…Tuy nhiên sau gần 7 năm đưa vào sử dụng, những con đường này vẫn nằm trên "giấy" còn người dân thì phải đi trên con đường tạm bợ thông ra đường Trần Văn Giàu. Con đường này không có trong quy hoạch.
Theo UBND huyện Bình Chánh, dự kiến đến năm 2018, 4 con đường trong quy hoạch nói trên mới được hoàn thành.
Một con đường khác trong khu dân cư hiện đang được bồi thường giải phóng mặt bằng đất để làm đường nhưng tiến độ ì ạch.
Các đại biểu HĐND Tp.HCM thăm hỏi đời sống của người dân khu tái định
cư Vĩnh Lộc B trong buổi giám sát. Ảnh: Ngọc Hà
Ông Nguyễn Văn Tài, phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết: "UBND huyện đã trình phương án giá bồi thường cho cơ quan chức năng 15 tháng nhưng nay chưa được duyệt giá. Vì vậy nên chưa thể tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng để làm đường sớm cho khu tái định cư."
Cũng trong buổi giám sát, phía công ty Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh bày tỏ nguyện vọng sớm được ứng vốn để lát gạch men cho hồ nước sinh hoạt ngầm của khu dân cư với chi phí dự kiến khoảng 2,8 tỉ đồng.
Trước đó, thiết kế ban đầu của hồ nước này không được lát gạch men nên cơ quan chức năng khuyến cáo có thể nước trong hồ sẽ không bảo đảm vệ sinh cho người dân sử dụng.
Đáng chú ý, trong khi khu tái định cư có quy mô gần 2.000 căn hộ được xây bằng tiền ngân sách nhà nước thì mới chỉ có 477 hộ dân đến sinh sống, số căn hộ còn lại vẫn đang để trống.
Do không có người sử dụng nên sau một thời gian, nhiều căn hộ đã xuống cấp, hư hỏng phải sửa chữa. Trong khi đó, phần lớn các căn hộ đã sắp quá hạn bảo hành (60 tháng) nên thời gian tới phải dùng tiền ngân sách để sửa chữa.
Mới đây, phương án chuyển gần 1.000 căn hộ tái định cư cho Trung tâm phát triển quỹ đất bán đấu giá, thu hồi vốn cũng đã được UBND Tp.HCM chấp thuận, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xong thủ tục bán đấu giá.
Trong buổi thị sát, các đại biểu HĐND đề nghị Sở Xây dựng tính toán để đưa các căn hộ còn trống vào sử dụng như bán cho người dân xung quanh, bán nhà ở xã hội… để có thể thu hồi vốn, tránh lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Hồng Hà nhận định: "Cần rút kinh nghiệm cho những dự án tái định cư sau này. Khi xây dựng thì nhà nước tính toán kết nối hạ tầng theo quy hoạch nhưng việc thực hiện quy hoạch quá chậm khiến cho đời sống của người dân tái định cư gặp nhiều khó khăn".
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet