Tp.HCM sẽ xóa sổ gần 10.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch
Tại ngày làm việc thứ 2 của Đại hội đại biểu Đảng bộ Tp.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 vào sáng 15/10, ông Trần Trọng Tuấn, Thành ủy viên khóa IX, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, gần 10.000 căn nhà trên và ven sông sẽ bị xóa sổ.
Báo cáo về Chương trình đột phá Chỉnh trang và phát triển đô thị sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020, ông Tuấn cho biết, đến năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh rạch. Trong giai đoạn 2015-2020, sẽ tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn.
Ông Trần Trọng Tuấn, Thành ủy viên khóa IX, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM |
Theo ông Tuấn, dự kiến đến năm 2020, Tp.HCM cơ bản giải quyết việc xây dựng mới thay thế các chung cư bị hư hỏng nặng đã được kiểm định theo quy định, đồng thời kết hợp chỉnh trang đô thị nhằm tạo ra các khu nhà ở mới có chất lượng tốt, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, sẽ có 120 nghìn m2 sàn chung cư hư hỏng nặng bị tháo gỡ và xây mới 240 nghìn m2 sàn các chung cư mới.
Nếu muốn làm được điều này, theo ông Tuấn, phải đa dạng hóa và khuyến khích hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị có khả năng thu hồi vốn thấp như xử lý nước thải, cấp nước thoát nước. Ngoài ra, phải chuyển đổi một phần nhà tái định cư không còn nhu cầu sử dụng sang nhà ở xã hội và dùng quỹ nhà xã hội này để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng không đủ điều kiện mua nhà ở thương mại, nhằm giảm bớt áp lực về vốn ngân sách phải bồi thường cho các hộ dân phải di dời.
Về nguyên nhân tình trạng nhà ở lấn chiếm, hình thành các khu dân cư tự phát, ông Tuấn cho rằng, nguyên nhân một phần là do lịch sử để lại từ trước năm 1975, phần khác do bồi lắng tự nhiên khiến cho dòng kênh rạch vốn nhỏ nay càng hẹp hơn, đặc biệt cũng có một phần do công tác quản lý chưa được quan tâm trong thời gian dài.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, trong 5 năm tới TP sẽ di dời gần 10.000 nhà trên và ven sông |
Ông Tuấn cho hay, với đặc thù đó, yêu cầu của quá trình phát triển đô thị TP là vừa phát triển các khu đô thị mới vừa tập trung chỉnh trang đô thị ở khu vực nội thành, nhất là việc di dời nhà ở và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.
Được biết, trong hơn 20 năm qua (từ năm 1993), Tp.HCM đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 36 nghìn hộ sinh sống trên và ven kênh rạch, nhằm góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân và chỉnh trang đô thị. Tập trung vào 5 tuyến kênh rạch chính là Tàu Hũ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Đôi - Tẻ, Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Dọc theo các tuyến kênh đó, bộ mặt đô thị đã gần như “lột xác”. Do đó, thực hiện Chương trình đột phá Chỉnh trang và phát triển đô thị tức là chăm lo và giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là đối với người nghèo, người thu nhập thấp tại đô thị, giúp họ có cuộc sống ngày càng tốt hơn; đồng thời, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet