Tổng hợp kinh nghiệm thiết kế vườn trên mái cho dân phố thị
Tận dụng không gian sân thượng để thiết kế vườn trên mái là giải pháp tuyệt vời tạo ra khoảng xanh cho ngôi nhà, đồng thời mang tới nhiều lợi ích đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
Thiết kế vườn trên mái có rất nhiều điểm khác biệt so với những khu vườn truyền thống ở mặt đất mà nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng, gia chủ có thể lâm vào cảnh tiền mất, tật mang, chưa kể phần mái nhà có thể bị thấm, ngấm và hư hại. Do vậy, trước khi có ý định làm vườn trên mái, việc trang bị những kiến thức, kinh nghiệm cơ bản là điều rất quan trọng.
>> Xem thêm: KTS Võ Trọng Nghĩa trồng cây xanh trên mái nhà
Lợi ích của vườn trên mái
Cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình
Làm vườn trên mái nhà đã trở thành xu hướng được người dân ở các thành phố lớn đón nhận. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà có đặt các thùng xốp, chậu cây, thùng nhựa ở ban công hay sân thượng để trồng rau, trồng hoa. Điều này cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân trước thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay. Với vườn trên mái, các hộ gia đình đô thị có thể tự cung cấp các loại rau củ quả sạch, chất lượng cho bữa ăn thường ngày, đồng thời tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ cho việc mua sắm thực phẩm.
Gia đình ở Quảng Ngãi không cần đi đâu xa vẫn có rau sạch vào mỗi bữa cơm, ngôi nhà luôn mát mẻ quanh năm nhờ vườn rau trên mái. |
Làm mát nhà, bảo vệ kết cấu mái
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm. Vì thế, khi thiết kế nhà, người ta luôn phải lưu ý đến các giải pháp chống nóng, nhất là mái nhà, nơi có tần suất tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cao nhất. Thảm thực vật xanh trên mái nhà hoạt động như một lớp cách nhiệt, hấp thụ ánh nắng, giữ cho trong nhà luôn mát mẻ.
Lớp đất ẩm cùng cây xanh trên mái còn ngăn cản bức xạ nhiệt xuống bề mặt mái bê tông, từ đó hạn chế tình trạng co ngót gây nứt bề mặt trần, nguyên nhân gây thấm dột nhà.
Tận hưởng khoảng xanh
Khi áp lực công việc đè nặng lên đôi vai, con người có xu hướng tìm về những khoảng xanh thiên nhiên để giải tỏa căng thẳng, tái tạo lại năng lượng bởi nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng cây xanh có tác động tích cực đến con người cả về thể chất và tâm lý. Tuy nhiên, không phải chỗ nào cũng có thể trồng cây, nhất là tại các đô thị đông người. Thông thường, với những ngôi nhà phố, nhà ống, tầng trên cùng thường là khoảng sân trống, hoặc để phơi đồ. Đây cũng là nơi thích hợp để tạo nên khoảng xanh thư giãn cho gia đình. Nếu như trước kia, chủ nhà thường có thói quen đặt những chậu cây, chậu hoa để trang trí sân thượng thì nay nhờ các giải pháp, vật liệu chống thấm, chúng ta có thể tạo nên một khu vườn xanh đúng nghĩa ngay trên sân thượng.
Vườn cây xanh trên mái ngoài tác dụng giảm nền nhiệt độ chung của đô thị còn giúp thanh lọc không khí, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, trồng rau trên mái cũng tạo thói quen vận động chân tay, hình thành nên lối sống gần gũi với thiên nhiên và gắn kết các thành viên trong gia đình, những điều tưởng chừng như “xa xỉ” giữa cuộc sống xô bồ như hiện nay.
Kinh nghiệm thiết kế vườn trên mái
Xác định khả năng chịu tải và chống thấm của mái nhà
Không phải nhà nào cũng có thiết kế sân thượng hợp lý ngay từ đầu để trồng rau, trồng hoa. Do vậy, bạn cần đánh giá cấu trúc của ngôi nhà, khả năng chịu lực của trần, bao gồm tải trọng của cây, chậu cây, thùng trồng cây, đất trồng, nước tưới, các thiết bị tưới tiêu, lượng khách ghé thăm vườn… Theo TCVN 2737 về tải trọng và tác động, tải trọng mái và sàn sân thượng khi đã hoàn thiện được tính khoảng 150kg/m2. Bạn có thể căn cứ vào mức tiêu chuẩn an toàn này để ước tính số lượng chậu trồng, khối lượng đất và loại cây cho phù hợp. Tốt hơn hết, hãy liên hệ với kỹ sư kết cấu để thảo luận kỹ lưỡng về ý tưởng thiết kế vườn trên mái cũng như khả năng chịu tải của mái nhà.
Vì trồng cây trên mái nên sân thượng thường ẩm ướt và phải được phủ lớp chống thấm chuyên dụng để tránh nước ứ đọng, thấm xuống dưới làm hư hại cấu trúc nhà. Với những trường hợp làm vườn đơn giản bằng cách trồng cây trong khay, chậu, thùng thì vẫn cần lót một tấm bạt phía dưới, đồng thời kê cao khay trồng cây lên và chỉ tưới một lượng nước vừa phải để tránh nước tràn xuống sân thượng.
Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra các quy định về xây dựng như chiều cao công trình, phòng cháy chữa cháy để tránh gặp rắc rối không đáng có về sau.
Xác định hướng nắng
Xác định xem sân thượng nhà bạn có độ thoáng rộng, có đủ ánh sáng để cây quang hợp và không gian cần thiết để cây phát triển không? Mặt khác, tần suất tiếp xúc với ánh sáng cao có thể khiến cây bị héo, cháy. Do vậy, cần tính toán thật kỹ để lựa chọn loại cây phù hợp và có phương án chống nắng nếu cần.
Tùy thuộc vào loại cây trồng mà khu vườn trên mái sẽ cần được chiếu sáng từ 6 đến 8 giờ mỗi ngày. Quan sát cường độ nắng trong khoảng 1 đến 2 tuần để xác định liệu sân thượng có bị che khuất bởi những tòa nhà cao tầng lân cận hay không. Lưu ý, nên theo dõi lượng nắng vào các thời điểm khác nhau trong ngày - buổi sáng, giữa trưa và xế chiều - để cảm nhận chính xác hơn về mức độ tiếp xúc với nắng thay đổi ra sao trong suốt cả ngày.
Cường độ gió
Gió ở tầng trên cùng thường mạnh hơn, nhất là khi ngôi nhà có độ cao tương đối. Gió quá mạnh có thể táp vào vườn cây, khiến cây dập nát, bật gốc. Với trường hợp này, bạn có thể chọn giải pháp buộc căng 4 góc bạt ở phía hướng gió thổi mạnh (cần để lại một khoảng trống nhỏ để gió dễ dàng lưu thông). Mặt khác, cần phải tưới nước nhiều hơn vào những ngày nắng nóng, khô hanh, có gió thổi mạnh vì khi đó, độ ẩm không khí giảm, nước trong đất dễ bốc hơi.
Các loại vật liệu cho thi công vườn trên mái
Khu vườn trên mái sử dụng các loại vật liệu riêng biệt để đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật về chống ẩm, chống thấm nước, chịu tải… Cụ thể, vườn trên mái thường gồm 7 lớp tương ứng với những vật liệu khác nhau và đảm nhiệm các chức năng khác nhau.
Các lớp của vườn trên mái.
- Lớp bê tông sàn mái: Đây là lớp bê tông cốt thép, có độ cứng và vững chắc để có thể chịu được sức nặng của kết cấu vườn trên mái.
- Lớp sơn chống thấm: Có nhiệm vụ chống thấm chính cho hệ mái. Tùy thuộc vào kiến trúc của ngôi nhà mà mặt trần có thể chưa hoặc đã được xử lý chống thấm. Do vậy, trước khi thi công vườn trên mái, bạn nên sơn một lớp sơn chống thấm ở cả mặt sàn và chân tường. Nếu cẩn thận hơn, bạn nên thi công thêm một lớp vữa ngay trên lớp sơn chống thấm để tránh sự phá hủy của nước cũng như các vi sinh vật trong đất và hạn chế rễ cây lan tỏa làm hỏng trần nhà.
- Lớp lưu thông thoát nước: Thực chất đây là những tấm thoát nước thông minh bằng nhựa có khả năng chịu tải, ruột thoáng, thoát nước tối ưu.
- Lớp vải địa: Vật liệu này có sức chịu kéo, độ dãn bền cao, được chế tạo từ các phụ phẩm của dầu mỏ, có nhiệm vụ phân cách, lọc bảo vệ và tăng cường thoát nước. Lớp vải địa cũng giúp ngăn đất cát phía trên không lọt xuống các tấm thoát nước gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
- Lớp cát: Lớp cát dày khoảng 3-5cm giúp lớp đất trồng phía trên thêm tơi xốp, đồng hỗ trợ quá trình thoát nước diễn ra nhanh hơn. Các chuyên gia khuyên rằng nên sử dụng cát sông đã lọc sạch đất sét để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Lớp đất dinh dưỡng: Lớp đất có nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng và cố định cây trồng. Hãy lựa chọn loại đất chất lượng cao để tạo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển. Công thức phổ biến của lớp đất này thường gồm 2 phần đất, 2 phần cát sông và 1 phần hỗn hợp tro trấu, xơ dừa đã hoại mục.
- Lớp cây cỏ: Cây xanh là lớp cuối cùng được phủ lên vườn trên mái. Hãy trồng những loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, nhiệt độ, ánh sáng và sở thích của bạn.
Cuối cùng, đừng quên lắp đặt hệ thống ống dẫn và thoát nước bởi bạn không thể xách từng xô nước lên tưới cho cây và để nước thừa chảy lênh láng trên bề mặt sân.
Lựa chọn cây trồng
Một khu vườn trên mái đẹp khi có sự hài hòa giữa thảm cỏ, cây hoa, cây bụi nhỏ. Vậy những loại cây nào có thể trồng trên sân thượng? Trước hết, nên ưu tiên chọn những loại cây dễ trồng, không đòi hỏi tưới tiêu thường xuyên và không vươn quá cao. Tránh chọn cây thân gỗ có rễ cọc vì rễ có thể ăn sâu xuống dưới, làm hư hại kết cấu bê tông.
Thời gian sinh trưởng ngắn, có thể cho thu hoạch sau hơn 1 tháng, củ cải đỏ rất thích hợp để trồng trên mái.
Một số loại cây mà bạn có thể tham khảo bao gồm:
- Khi nói đến làm vườn trên sân thượng, có lẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua những loại cây cảnh có độ cao vừa phải như trúc Nhật, cau Hawai, cọ, hoa giấy, si, đa…
- Các loại cây ăn quả phù hợp để trồng trên sân thượng như táo đỏ, táo xanh, khế, cóc, ổi, chanh, xoài, lựu...
- Với những ai yêu thích sự lãng mạn, chắc hẳn sẽ thích những loại cây leo, dễ trồng và nhanh phát triển như: cát đằng, tầm xuân, tigon, thiên lý, chanh dây, huỳnh anh, lý Thái Lan…
- Vườn phong lan trên cao cũng là lựa chọn của rất nhiều gia chủ. Tuy nhiên, bạn sẽ cần mua lưới bọc xung quanh 4 bên để hạn chế nắng, gió và đầu tư thêm giàn phun tưới tự động.
- Nếu là người tỉ mỉ, có nhiều thời gian để chăm chút cây, đừng bỏ qua cây bonsai.
- Rau có lẽ là loại cây dễ trồng và thiết thực nhất. Những luống rau xanh tươi mơn mởn lớn lên từng ngày không chỉ cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình bạn hàng ngày mà còn là một giải pháp tiết kiệm chi phí rất hiệu quả. Những loại rau có khả năng chịu hạn, ít sâu bệnh, dễ trồng và thời gian thu hoạch nhanh như: rau dền, rau cải, rau muống, rau thơm, rau ngót, cà rốt, củ dền, củ cải, bầu, bí đỏ, dưa leo, cà chua, ớt, đậu đũa, hành lá, thì là, diếp cá…
Một phương pháp trồng cây trên sân thượng khá hay ho được nhiều gia chủ áp dụng đó là trồng xen kẽ các loài cây. Bạn có thể trồng xương rồng, các cây hoa, rau bên dưới và làm giàn để trồng thêm các cây leo phía trên.
Bón phân định kỳ
Ngoài không gian, ánh sáng và nước, cây còn cần có nguồn thức ăn thường xuyên. Vì thế, hãy bón phân định kỳ theo nhu cầu của từng loại cây, thông thường là 1-2 lần trong tháng.
Đầu tư dụng cụ, vật tư làm vườn
Công việc chăm sóc vườn trên mái đòi hỏi các dụng cụ như bình xịt nước, kéo cắt tỉa, xẻng nhỏ, cào xới đất, cây ba chia... để việc chăm sóc cây được nhanh chóng và đạt hiệu quả cao. Bạn nên chuẩn bị sẵn những dụng cụ thường dùng để có thể chăm sóc khu vườn của mình bất cứ khi nào.
Lưu ý quá trình sinh trưởng của cây
Với cây trồng trong chậu, khi cây quá lớn, bộ rễ cần nhiều đất hơn để phát triển thì nên thay chậu lớn hơn cho cây. Nếu không gian quá chật hẹp không đủ để đặt chậu cây lớn thì bạn cần cắt bỏ bớt rễ, thu gọn tán cây và thay mới đất trồng để cây mau phục hồi.
Phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa cây
Khi trồng cây trên sân thượng, bạn cần lưu ý đến khâu phòng trừ sâu bệnh. Nhiều loại côn trùng, sâu bệnh sẽ xâm nhập vào cây từ đất. Do đó, nên ưu tiên dùng những biện pháp hữu cơ để đánh lạc hướng côn trùng, đồng thời có thể cải tạo, xử lý đất trồng bằng vôi từ trước đó. Khi phát hiện cây có dấu hiệu bị sâu bệnh, hãy dành thời gian bắt sâu bệnh, dọn sạch cỏ dại để làm tăng năng suất cây trồng và hạn chế sâu bệnh lây lan.
Nếu cây trồng trên sân thượng trở nên xum xuê, phát triển nhiều nhánh, bạn cũng cần cắt tỉa các nhánh cây vươn dài, mọc lộn xộn để thu gọn tán cây. Dùng dây buộc cố định nhánh cây vào giàn phòng trường hợp gió lớn, mưa to làm gãy nhánh cây.
Thiết kế vườn trên mái phần nào xua tan nỗi lo của người dân về tình trạng rau củ quả nhiễm hóa chất trừ sâu, thuốc tăng trưởng hay vấn đề thiếu hụt không gian xanh ở các thành phố lớn. Những kinh nghiệm làm vườn trên sân thượng trên đây không quá khó để áp dụng mà những lợi ích mang lại cực kỳ thiết thực. Hãy dành chút thời gian, công sức chỉnh trang lại sân thượng nhà mình để hô biến không gian này thành khu vườn trồng đủ loại hoa, cây cảnh, rau, củ, quả phục vụ cho nhu cầu của gia đình.
Minh Châu (T.H)
Link báo gốc: http://thanhnienviet.vn/2020/01/08/tong-hop-kinh-nghiem-thiet-ke-vuon-tren-mai-cho-dan-pho-thi
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet