Tôi lãng phí bể bơi 300 triệu sau 2 năm xây dựng
Sau khi bỏ ra số tiền lớn để xây bể bơi, anh Việt (Long Biên, Hà Nội) còn phải trả mỗi tháng thêm 4 triệu tiền điện, nước, vệ sinh, hóa chất... dù gia đình anh chỉ chủ yếu sử dụng trong 2 tháng hè.
Anh Việt chia sẻ về câu chuyện của mình:
Tôi có mảnh đất rộng 250m2 ở vùng ven Hà Nội. Khi lên kế hoạch xây nhà, tôi dự định chỉ dành 90m2 để làm nhà, còn lại để làm sân vườn. Nhà tôi có 4 người (2 người lớn, 2 trẻ nhỏ) đều biết bơi mà xung quanh lại không có bể bơi công cộng. Vì vậy, tôi quyết định sẽ xây một bể bơi 40m2 trong khuôn viên.
Vì xác định làm nhà ở lâu dài nên tôi đầu tư nguyên vật liệu tốt. Trước khi xây bể, tôi đã gọi cho nhiều công ty khác nhau để hỏi. Ban đầu, tôi nghĩ đơn giản chỉ cần đào bể, ốp gạch, lắp thiết bị lọc là đã có một bể bơi. Nhưng khi đi tham khảo, tôi mới biết còn rất nhiều thiết bị khác với giá tiền chênh nhau rất nhiều.
Các công ty báo giá thi công lên đến 12 triệu/m2, tính ra, bể bơi nhà tôi phải mất 480 triệu đồng. Tôi đành từ chối dù họ có quảng cáo thiết bị lọc được bảo hành 3 năm, dùng gạch mosaic nhập khẩu...
Sau đó, tôi chọn một công ty có giá rẻ hơn nhiều lần. Họ báo tiền thi công bể là 5 triệu đồng/m2, tính cả bể hết 200 triệu. Còn tiền mua gói thiết bị lọc, đèn led, máy bơm, máy massage... hết gần 100 triệu. Tổng chi phí hết 300 triệu.
Bể bơi làm xong đúng vào dịp hè nên mỗi sáng, cả nhà thường xuyên dậy sớm bơi lội rồi ăn sáng. Chúng tôi còn hào hứng giới thiệu với người quen về công trình này.
Mỗi tháng, gia đình tôi tốn khoảng 4 triệu tiền điện chạy máy bơm, tiền hóa chất khử trùng, tiền nước xả, tiền nhân công vệ sinh. Khoản tiền này không hề nhỏ nhưng thấy cả nhà đều vui vẻ nên tôi vẫn chấp nhận.
Bể bơi rất dễ bị tảo, rêu mốc nếu không được vệ sinh định kỳ. Ảnh minh họa: SPT
Sau 2 tháng hè, các cháu đi học nên chỉ bơi vào cuối tuần. Vợ tôi bận chuẩn bị đồ ăn sáng cho các con và kêu tóc bị khô đi nên cũng ít ra bể hơn.
Sang mùa đông, cả gia đình hầu như không bơi lội nữa nhưng vẫn phải lọc nước, vệ sinh và bảo dưỡng các thiết bị. Không dùng đến bể mà vẫn phải trả tiền nên tôi thấy rất xót ruột.
Hơn nữa, quanh bể bơi nhà tôi còn có nhiều cây cối nên lúc nào cũng có lá rụng. Khi ấy, gia đình tôi thuê thợ làm vệ sinh 3 ngày một lần mà vẫn không xuể. Tôi và vợ phải luân phiên nhau đi vớt lá.
Tôi nghĩ, tại sao lại phải bỏ gần 40 triệu cho 9 tháng để không trong khi chỉ một năm chỉ dùng bể bơi 2-3 tháng? Vì vậy, tôi quyết định dừng hệ thống bơm lọc trong khoảng thời gian đó. Tôi rút nước để bể cạn. Cứ vài ngày, hai vợ chồng lại phải xuống quét dọn lá trong bể.
Bể bơi cần thường xuyên được vệ sinh, nhất là khi xung quanh có nhiều cây. Ảnh minh họa: DST
Sau 2 năm làm bể bơi, gia đình tôi chủ yếu sử dụng vào những ngày mới lắp đặt. Sang mùa hè năm sau, số lần bơi cũng không có nhiều. Tâm lý có bể bơi, dùng lúc nào cũng được nên chúng tôi chủ yếu đi chơi bên ngoài hoặc dành thời gian để ngủ.
Bể bơi bị bỏ không lâu nên cũng gặp một số trục trặc như máy bơm kêu ầm ầm hay cấp nước vào bể bị chậm... Tôi lại phải tốn thêm tiền để bảo trì. Tốn tiền làm hạng mục không hiệu quả, tôi tính đến chuyện thuê thợ về để sửa thành hồ cá tiểu cảnh.
Theo KTS Nguyễn Văn Hoàng, hiện có nhiều gia đình làm bể bơi tại nhà. Đây là hạng mục tốn kém nhưng thường bị bỏ phí nhất tại Việt Nam, đặc biệt là phía Bắc. Chi phí cho một bể bơi nhỏ khoảng 30-40m2 rơi vào khoảng 200 triệu, hoặc có thể lên đến 500-600 triệu nếu dùng nguyên vật liệu xịn. Hơn nữa, hàng tháng, bạn còn phải trả thêm tiền điện, nước, vệ sinh, hóa chất... Nếu làm bể bơi trong nhà hoặc trên sân thượng, chủ nhà còn cần tính đến kết cấu của cả ngôi nhà để đảm bảo an toàn. Quan trọng nhất, gia chủ cần tính đến tần suất sử dụng bể. Nếu mỗi năm, bể chỉ được sử dụng một vài tháng thì không nên thực hiện hạng mục này, đặc biệt là những gia đình ở miền Bắc có mùa đông kéo dài. Trước khi xây, các chủ nhà nên tìm hiểu, tham khảo bể bơi của một vài hộ khác. Nếu vẫn muốn làm hạng mục này, chủ nhà nên tính đến phương án làm mái che, sử dụng thiết bị làm nóng nước... |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet