Tìm giải pháp xử lý “nợ khó đòi” của các dự án xây dựng
Qua rà soát, Tp.HCM đã phát hiện nhiều dự án về hạ tầng giao thông, dự án đô thị mới, các cao ốc, trung tâm thương mại có khả năng sẽ không thể thanh toán các khoản nợ vay đúng hạn.
Cầu Phú Mỹ - một biểu tượng hạ tầng của Tp.HCM nhưng vẫn còn những món nợ lớn
Dự án BOT cầu Phú Mỹ đang được Tổ Công tác liên ngành thành phố tham gia giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc thanh toán nợ vay theo đúng lịch trả nợ cho Ngân hàng SG (Pháp). Theo Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoàng Quân, trong trường hợp Công ty cầu Phú Mỹ (PMC) không có khả năng thanh toán các khoản nợ thì thành phố sẽ lựa chọn đơn vị có năng lực tài chính tiếp nhận dự án theo đúng quy định và chậm nhất là phải giải quyết dứt điểm nợ vay tại dự án này trong tháng 3-2014.
Thông tin từ PMC cho biết, trong tổng số vốn của dự án là hơn 1.806 tỷ đồng thì có khoảng 30% vốn tự có của PMC (khoảng 542 tỷ), còn lại 70% vốn vay (1.264 tỷ). Trong đó, riêng vốn vay từ Ngân hàng SG là 93 triệu USD. Được biết, UBND TP đã giao cho ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP trực tiếp theo dõi, chỉ đạo sát sao dự án, tránh trường hợp để xảy ra nợ đọng vốn ngân sách.
Tình trạng nợ vốn vay ngân sách không chỉ tại dự án BOT cầu Phú Mỹ, hiện nay UBND Tp.HCM cũng đã "bật đèn đỏ" đối với dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2). Dự án này đến này đã "cạn vốn" và khó có khả năng trả nợ đúng hạn. Cực chẳng đã, TP đã phải chấp thuận cho Ban quản lý Đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm được tiếp tục vay vốn Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, với số tiền lên đến 4.000 tỷ đồng. Đây là khoản vay mới với hi vọng chủ đầu tư dự án cơ cấu lại các khoản nợ và chi bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại với khoản vay mới chưa chắc Ban quản lý Đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm kịp trả đúng hạn nợ vay vì khoản nợ phải trả cho Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam đến tháng 7 năm nay là quá lớn (2.108 tỷ đồng).
Tại nhiều dự án về hạ tầng đô thị khác cũng đang được Tổ công tác liên ngành của Sở Tài chính, Sở TN-MT và Sở Xây dựng TP tiến hành rà soát lại tình hình sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các dự án hoàn trả chậm vốn vay, thậm chí nợ mới chồng nợ cũ là do bối cảnh kinh tế khó khăn chung và đặc biệt là các dự án cạn kiệt nguồn vốn để cơ cấu lại các khoản nợ và chi bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng,…
Tại cuộc họp với các Sở, Ban ngành Tp.HCM mới đây, Chủ tịch TP công bố thông tin: sẽ phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương năm 2014 và vay lại khoản tạm ứng vốn nhàn rỗi Kho bạc nhà nước là 2.000 tỷ đồng để chi cho đầu tư phát triển.
Cùng đó, TP cũng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ vốn, đặc biệt là chính sách giảm lãi suất và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông Đỗ Tấn Trúc, Trưởng Phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp (Quỹ Bảo lãnh Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP), hiện quỹ đã chi khoản vốn vay khoảng 350 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Tính đến nay, riêng quỹ này đã bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay hơn 900 tỷ đồng để đầu tư vào ổn định sản xuất và đầu tư phát triển. Đối với nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, công nghiệp-xây dựng, thương mại và dịch vụ cũng được UBND Tp.HCM giải quyết thông thoáng các thủ tục bảo lãnh tài sản để có cơ hội tiếp cận đnguồn vốn từ các ngân hàng nhà nước. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tổ chức chương trình kích cầu (QĐ số 33 và 38) về giảm lãi suất vay, trong đó có nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ 100% lãi suất.
Đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư về hạ tầng giao thông, đô thị tại Tp.HCM đang "ấm dần", tuy rằng còn nhiều vấn đề phải nỗ lực giải quyết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet