Tiến độ đường sắt đô thị "chậm hơn rùa"
Các dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) có ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng Thủ đô ngày một văn minh, hiện đại, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các dự án ĐSĐT đều đang chậm tiến độ, gây nên nhiều hệ lụy, đồng thời làm nhem nhuốc thêm bộ mặt của thủ đô.
Vướng mắc chồng vướng mắc
Trên địa bàn Hà Nội đang có 3 dự án ĐSĐT được triển khai xây dựng, trong đó 2 dự án do Ban Quản lý dự án ĐSĐT trực thuộc UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư (tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội và tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); 1 dự án do Cục Đường sắt Việt Nam - Bộ GTVT làm chủ đầu tư (tuyến Cát Linh - Hà Đông). Một trong những nguyên nhân cơ bản làm chậm tiến độ của cả 3 dự án này chính là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).
Điểm nghẽn lớn…
Dự án đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, bao gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm, đi qua địa bàn huyện Từ Liêm và các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1,18 tỷ euro, tương đương gần 33.000 tỷ đồng, được khởi công xây dựng tháng 9/2010 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án ĐSĐT) và Tư vấn Systra (Pháp) tính toán dự án sẽ phải kéo dài đến tháng 11/2018. Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, tại khu vực đường dẫn đề pô trên địa bàn huyện Từ Liêm thuộc gói thầu số 1 - xây dựng đoạn tuyến trên cao, đến nay địa phương mới chỉ phê duyệt được 42/143 phương án do đa số hộ dân chưa đồng tình với phương án GPMB. Tương tự, gói thầu số 4 - xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề pô, các hạng mục còn lại chưa GPMB khoảng 1,3ha (chiếm 13% diện tích).
Với tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), đến nay chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đã hoàn thành công tác sơ tuyển 4 gói thầu xây lắp. Một số công đoạn khác cũng đã hoàn thành như việc thẩm tra thiết kế kỹ thuật đoạn trên cao, khu đề pô, quy hoạch tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên hiện công tác GPMB khu vực đê pô mới chỉ hoàn tất 3,4/15,4ha đất nông nghiệp… Khâu tái định cư ở dự án này đang rất khó khăn.
Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông dài trên 13km bắt đầu thi công từ tháng 4/2010, thời gian thực hiện 65 tháng. Theo kế hoạch ban đầu, ĐSĐT sẽ chạy thử từ tháng 9-2015 và khai thác thương mại từ tháng 12/2015. Tuy nhiên, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đến nay, do các hạng mục GPMB bị chậm từ 3 đến 8 tháng, nên tiến độ tổng thể chung của dự án sẽ phải kéo dài tương ứng. Các khu vực còn vướng mặt bằng gồm: Nhà ga Cát Linh (quận Đống Đa), đoạn tuyến La Thành - Thái Hà - đường Láng - Đại học Quốc gia Hà Nội vướng khu dân cư thuộc phường Thịnh Quang (quận Đống Đa), chợ tạm Ngã Tư Sở và khu dân cư thuộc phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân); đoạn 0,8km cuối tuyến nhánh ra vào khu đề pô vướng đất đai, nhà ở của các hộ dân và nghĩa trang Vân Nội thuộc phường Phú Lương (quận Hà Đông).
… Và những vướng mắc không nhỏ
Với việc dự án chậm tiến độ, như thừa nhận của ông Nguyễn Quang Mạnh-Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐSĐT, không chỉ do khâu GPMB mà còn vì nhiều nguyên nhân khác. Cụ thể là đơn vị tư vấn phải rà soát bổ cập dự án đầu tư mất hơn một năm mới được phê duyệt. Nhiều đơn giá đặc biệt chưa có trong hệ thống đơn giá của Việt Nam, cần có thời gian để xây dựng đơn giá, trình duyệt mới đủ cơ sở thực hiện… Mặc dù các cơ quan của Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án sử dụng vốn ODA, nhưng ĐSĐT là dự án thí điểm lần đầu tiên triển khai, nên chưa lường trước hết các vấn đề.
Cũng cần nói thêm về chuyện tư vấn. Do thời gian thực hiện dự án tuyến Nhổn - ga Hà Nội kéo dài nên đơn vị tư vấn Systra (Pháp) kiến nghị kéo dài thời gian và điều chỉnh giá trị hợp đồng tư vấn, tăng gần 28 triệu euro. Hiện tại, đơn vị tư vấn này đã chấm dứt làm việc từ tháng 11-2013 và chưa ký gia hạn hợp đồng nên việc thi công bị đình trệ. Chưa dừng lại ở đó, phía tư vấn phàn nàn về thủ tục hành chính và cung cách làm việc lề mề của chủ đầu tư. Cũng tại tuyến này, gói thầu số 2 - xây dựng các ga trên cao, đến nay nhà thầu Posco (Hàn Quốc) đã tạm dừng thi công do vướng mắc trong công tác giải ngân. Gói thầu số 5 - các công trình kiến trúc khu đề pô chậm tiến độ do năng lực nhà thầu còn hạn chế.
Với tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), vướng mắc lớn nhất là tiến độ phê duyệt tổng mặt bằng các ga ngầm đang bị chậm. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra dự án điều chỉnh. Tuy nhiên, tiến độ công việc này rất chậm và có thể kéo dài. Nếu không sớm lựa chọn được đơn vị tư vấn, rất có thể tuyến số 2 lại rơi vào tình cảnh tương tự như tuyến số 3.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet