Thời của vật liệu chống nóng
Những ngày nắng nóng khắc nghiệt của màu hè này khiến thị trường vật liệu chống nóng càng trở nên sôi động. Nhiều chủng loại vật liệu chống nóng đã được các nhà sản xuất tung ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu giảm nhiệt cho các ngôi nhà.
Thi công lắp đặt sản phẩm vật liệu chống nóng
Vật liệu chống nóng hiện nay có nhiều loại như bông thủy tinh, kính, sơn chống nóng, màng nước chống nóng, xốp chống nóng và ốp trần nhựa chống nóng, nhựa mút mỏng 3 - 5 mm... tuy nhiên thông dụng nhất hiện nay vẫn là tôn và ngói.
Cuộc đua giữa ngói và tôn
Trong đó, tôn chống nóng với những đặc điểm nhẹ, dễ thi công, lắp đặt, bền và tính thẩm mỹ cao nên chiếm thị phần lớn trên thị trường. Với giá thành hợp lý, các loại tôn do VN hoặc liên doanh có giá từ 100.000 - 250.000 đồng/m2, tùy độ dày, mỏng và loại tôn. Nhưng nhược điểm lớn nhất của loại vật liệu chống nóng này là sự hấp thụ nhiệt cao. Khắc phục nhược điểm đó, các nhà sản xuất đã phủ một lớp PU cách nhiệt dày 16 mm bên dưới tấm tôn 5 sóng, cao 30 mm để cách nhiệt và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tôn chống nóng sẽ tiết giảm được điện năng tiêu thụ so với sử dụng tôn thông thường. Ngoài ra, tôn chống nóng còn có khả năng cách âm, ngăn được tiếng mưa rơi, tiếng ồn từ bên ngoài, đặc biệt là khả năng chống cháy.
Không bền như tôn phủ PU, nhưng tấm lợp Onduline, tôn nhựa sợi thủy tinh, tấm PolyCarbonate cũng được nhiều người tiêu dùng khảo giá và chọn mua. Tấm lợp sinh thái Onduline với những đặc tính nổi trội sóng tròn, chế tạo từ sợi hữu cơ tổng hợp và nhựa được xử lý dưới nhiệt độ, áp suất cao nên tính năng cách âm, cách nhiệt rất tốt.
Trọng lượng nhẹ, bền và đẹp và không bị rêu mốc, gỉ sét, ảnh hưởng của sương muối, cách điện, an toàn khi giông bão. Giá thành khoảng 165.000 đồng/m2. Loại tôn nhựa sợi thủy tinh có giá thành cao hơn khoảng 110.000 đồng/tấm. Ngoài khả năng cách âm, cách nhiệt vừa tạo môi trường trong lành vừa làm sáng sủa ngôi nhà.
Tuy nhiên, dù với những ưu điểm của mình nhưng về độ chống nóng tôn vẫn không thể bằng ngói. Theo các chuyên gia, nếu không kể những vật liệu truyền thống như rơm, rạ, gỗ thì ngói là vật liệu hiện đại tốt nhất để chống nóng, sau đó đến tôn, kém nhất là bêtông và fibro xi măng. So với tôn, vật liệu ngói có thể giảm 40 - 50% hơi nóng. Giá thành ngói lợp rẻ nhất khoảng 5.200 đ/viên (22 v/m2), trung bình 11.000 đ/viên, đắt hơn khoảng 17.050 đ/viên.
Tuy chúng là các loại vật liệu không mới nhưng mang lại hiệu quả chống nóng trong mùa hè khá tốt, đặc biệt là các loại vật liệu này tương đối rẻ tiền, phù hợp với đa số người có nhu cầu xây dựng cải tạo nhà ở. Kỹ sư Phan Đình Tuấn - Công ty Tu tạo và Phát triển Nhà Hà Nội tư vấn rằng, với đa số người có nhu cầu sử dụng thì tiêu chí đầu tiên là hạn chế sử dụng các thiết bị dùng năng lượng điện để tiết kiệm chi phí và tạo được sự thoáng mát tự nhiên cần có.
Mới đây, tập đoàn Guocera đã quyết định đầu tư vào thị trường ngói VN. Giám đốc điều hành Tập đoàn Guocera Holdings Sdn Bhd, Richard Ng, cho rằng đầu tư vào thị trường VN sẽ góp phần nâng cao vị thế của công ty trên thị trường gốm thế giới. Richard Ng cho biết Guocera đã liên doanh với Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi) của VN để mua lại công ty sản xuất ngói tại tỉnh Đồng Nai với giá 5,45 triệu USD.
Công ty liên doanh mới với tên đăng ký Guocera Tile Industries, sẽ sản xuất, tiếp thị và cung ứng cho thị trường nhiều loại ngói. Đây được coi là cơ hội tốt cho Guocera mở rộng ngành sản xuất ngói lợp và xúc tiến nhãn hiệu Guocera tại thị trường Việt Nam và cũng là cơ hội lớn cho người tiêu dùng khi liên doanh sẽ đầu tư hơn nữa về công nghệ và vốn, nhằm tăng năng suất và sự linh hoạt trong quá trình sản xuất và nâng cấp chất lượng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Cơ hội cho hàng nội
Với nhu cầu sử dụng ngày càng cao, các sản phẩm vật liệu xây dựng chống nóng, trong đó đặc biệt là ngói đang ngày càng được các DN trong nước đầu tư công nghệ để tung ra thị trường những sản phẩm mới.
Viglacera Thăng Long (TCty Viglacera) mới đây vừa giới thiệu ra thị trường vật liệu xây dựng bộ sản phẩm mới về ngói tráng men cao cấp. Ngói ceramic tráng men Viglacera có nhiều ưu điểm kỹ thuật nổi trội: cường độ chịu uốn của viên ngói lên đến 900 kg/cm2, gấp ba lần cường độ chịu uốn của viên gạch ceramic thông thường... chống nóng, chống ồn, chống rêu mốc cũng như chống thấm tuyệt đối. Hiện tại giá bán buôn đến các đại lý cấp 1 từ 120.000 đ/m2 đến 130.000 đ/m2, rẻ hơn khoảng 20 - 25% so với ngói đất sét nung loại 22 v/m2. Giá bán 1 viên ngói tráng men Viglacera Thăng Long mềm hơn rất nhiều so với loại ngói nhập khẩu từ Trung Quốc (có tính năng kiểu dáng gần như tương đương xuất hiện trên thị trường trước đó chưa lâu) từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/m2...
Lãnh đạo Bộ xây dựng cho biết, việc các DN tăng cường đầu tư vào thị trường vật liệu xây dựng, trong đó có vật liệu chống nóng như ngói là một xu hướng tất yếu. Bởi thực hiện Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/7/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung, những năm qua các địa phương đã tiến hành xem xét đánh giá khả năng đầu tư xây dựng; rà soát quy hoạch đầu tư phát triển gạch ngói đất sét nung ở địa phương mình để hướng dẫn các chủ đầu tư lựa chọn giải pháp công nghệ tiên tiến, tăng cường cơ giới hoá trong quá trình sản xuất bằng các thiết bị sản xuất trong nước, từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động... với chỉ tiêu đến năm 2010 không còn lò thủ công sản xuất gạch ngói đất sét nung tại tất cả các địa phương. Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo các ban ngành xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển VLXD tại địa phương, trong đó có quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất gạch ngói đất sét nung, quy hoạch phát triển vật liệu nung, đặc biệt quan tâm phát triển vật liệu không nung.
Bên cạnh đó, ngày 28/6 vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị 02/CT-BXD về việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước đã sản xuất đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ - cũng được coi là một động lực để các sản phẩm trong nước phát huy lợi thế.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, đối với các sản phẩm gạch ốp lát, ceramic, granit, Cotto..., các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư chiều sâu về công nghệ, đầu tư cho công tác thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ trang trí mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tiếp thị, thông tin thị trường, quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó đặc biệt coi trọng việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp cả ở thị trường trong nước và trên thế giới; tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các đơn vị sản xuất với các hộ tiêu thụ lớn. Mở rộng và đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh để đảm bảo lợi nhuận và thị phần.
Theo DDDN
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet