9 lỗi thiết kế bếp gây nguy hiểm và bất tiện
Căn bếp là một trong những phòng ấm cúng nhất, có tần suất sử dụng cao nhất trong nhà. Chúng ta dành rất nhiều thời gian ở đây để nấu nướng, ăn uống và chuyện trò. Vì lẽ đó, thiết kế bếp phải thật tiện lợi và đa chức năng.
Có những lỗi thiết kế bếp gây bất tiện, thậm chí là nguy hiểm trong quá trình sử dụng...
Bố trí các thiết bị bếp không hợp lý
Các thiết bị bếp không nên đặt quá thấp nhưng cũng không quá cao. Vị trí đặt thiết bị bếp nên dựa trên chiều cao của người sử dụng bếp. Lý tưởng nhất, các thiết bị nên được đặt ở độ cao ngang eo. Chẳng hạn, sẽ tốt hơn khi đưa lò nướng ra khỏi mặt sàn để bạn không bị bỏng mỗi khi lấy đồ ăn ra khỏi lò.
Lò nướng nên được đặt ở độ cao ngang eo người sử dụng.
Gắn tủ, ngăn kéo nặng nề trên tường thạch cao
Hãy lắp đặt kệ, ngăn kéo lên các bức tường chịu lực bởi tường thạch cao không chịu được tải trọng lớn và có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Lựa chọn vị trí lắp đặt tủ bếp, tủ kệ và ngăn kéo cho phù hợp với kết cấu chịu lực trong bếp.
Bồn rửa bất tiện
Tiêu chí quan trọng nhất khi bố trí bồn rửa là sự thuận tiện và hữu dụng. Nếu bạn thích kiểu bồn tròn thì tất nhiên không nên mua bồn vuông vì nó sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu mỗi khi sử dụng. Khu vực bồn rửa nên rộng rãi và được làm từ vật liệu chịu nhiệt. Mặt khác, kích thước bồn rửa cũng rất quan trọng. Theo các chuyên gia, độ sâu bồn lý tưởng nhất là khoảng 18cm.
Bồn rửa nên có độ sâu từ 15-18cm để đảm bảo thoải mái trong khi sử dụng.
Không tận dụng góc trống
Điều quan trọng là tận dụng mọi ngóc ngách trong bếp, đặc biệt nếu không gian nấu nướng quá chật chội. Khay xoay có thể dễ dàng thay thế cho các ngăn kéo vô dụng. Cửa xếp tuy đắt đỏ nhưng lại là trợ thủ đắc lực cho gian bếp nhỏ bởi nó cho phép bạn sử dụng toàn bộ không gian bên trong.
Ngăn kéo góc luôn là giải pháp tuyệt vời cho phòng bếp. Bạn thậm chí có thể đặt lò nướng hay bồn rửa vào trong đó nhưng đừng quên sử dụng đèn chiếu sáng loại tốt.
Khay xoay giúp tận dụng tối đa từng góc chết trong tủ bếp.
Ghép các tấm kính ngắn để ốp bếp
Một tấm backsplash bằng kính cường lực trông rất đẹp mắt và hiện đại nên được nhiều gia đình lựa chọn. Tuy nhiên đừng quên rằng bụi bẩn sẽ tích tụ phía sau tấm kính. Thêm vào đó, những loại kính giá rẻ thường dễ trầy xước và nứt vỡ. Kết quả là căn bếp trông càng trở nên tệ hại hơn.
Nếu bạn vẫn muốn sử dụng kính ốp bếp, hãy đo đạc kích thước bếp cẩn thận và đặt nhà sản xuất cắt theo đúng kích thước đó. Không nên sử dụng các tấm kính nhỏ ghép lại với nhau.
Tránh sử dụng các tấm kính nhỏ ghép lại với nhau để ốp bếp.
Vật liệu backsplash an toàn và bền bỉ nhất là kính cường lực. Đừng tiếc tiền cho vật liệu tốt.
Thiếu ánh sáng
Ánh sáng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Những căn bếp sáng thoáng trông thường rộng rãi hơn so với diện tích thực tế. Tuy nhiên, nếu các ngăn kéo có tông màu tối, đừng quên lắp đặt thêm đèn chiếu sáng. Lời khuyên là sử dụng các loại đèn khác nhau: đèn chiếu sáng chung ở trên trần nhà, đèn tác vụ ở ngay phía trên bồn rửa và bếp nấu, đèn trang trí phía trên bàn ăn.
Bên cạnh đó, việc bố trí ổ cắm ra sao cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự thuận tiện khi nấu nướng.
Căn bếp đủ sáng trông sang trọng và hỗ trợ người đứng nấu tốt hơn.
Tủ bếp không đế
Khi sử dụng tủ bếp có chân đế, bạn sẽ không phải tốn công sức lau chùi phía dưới tủ bếp để loại bỏ bụi bẩn và những món đồ lặt vặt rơi rớt nơi đây. Hơn nữa, căn bếp trông sẽ gọn gàng hơn nhờ tấm đế dày 10cm này.
Tủ bếp có chân đế giúp tiết kiệm thời gian dọn dẹp, vệ sinh cho người nội trợ.
Bố trí các thiết bị bếp quá sát nhau
Vùng đệm là khu vực giữa tủ lạnh, bồn rửa và bếp điện. Khoảng đệm này bắt buộc phải có để người nội trợ có thể dễ dàng lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh, làm sạch và sơ chế, sau đó cho lên bếp nấu.
Không nên đặt lò nướng ngay cạnh tủ lạnh để tránh làm giảm tuổi thọ của tủ. Bởi khi lò nướng tỏa nhiệt, tủ lạnh sẽ phải hoạt động hết công suất để duy trì nhiệt độ lạnh bên trong tủ. Để giữ bếp nấu cách xa nguồn nước, đừng bố trí bếp cạnh bồn rửa.
Các thiết bị bếp nên được đặt cách nhau một khoảng nhất định.
Vật liệu lát sàn không phù hợp
Mặc dù ván sàn laminate cực kỳ phổ biến nhưng đừng sử dụng vật liệu này cho phòng bếp bởi nó sẽ bị cong vênh trong môi trường có độ ẩm cao. Nếu sử dụng gạch men lát sàn bếp, đôi chân sẽ dễ bị lạnh khi bạn đứng bếp, đồng thời bát, đĩa cũng dễ vỡ hơn khi rơi xuống sàn. Theo các chuyên gia, nên sử dụng kết hợp cả gạch men và gỗ gia nhiệt để giải quyết vấn đề này. Lát gạch men ở khu vực gần tủ bếp, trong khi lát ván gỗ gia nhiệt ở khu vực ăn uống.
Kết hợp các vật liệu lát sàn khác nhau trong phòng bếp.
Minh Châu
http://thanhnienviet.vn/2020/02/05/9-loi-thiet-ke-bep-gay-nguy-hiem-va-bat-tien
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet