1. Chọn mặt bàn bếp bền chắc, chịu nước

Quá trình sơ chế thực phẩm, nấu ăn hay dọn rửa đều có thể để lại rất nhiều nước trên mặt bàn bếp. Nếu không được lau sạch kịp thời, bề mặt bàn sẽ hút ẩm, lâu ngày sẽ bị hỏng, đặc biệt là mặt bàn bếp làm bằng vật liệu không có khả năng chịu nước. Vì vậy, không nên vì tiết kiệm mà chọn vật liệu rẻ tiền, nhanh xuống cấp. Thay vào đó, bạn hãy chọn đá cẩm thạch hoặc đá granit vì các loại đá này đều bền chắc, kháng nước, dễ lau chùi, vệ sinh. Về thiết kế, tốt nhất là bồn rửa và mặt bàn bếp phải nằm trên cùng một bề mặt để bạn có thể nhanh chóng, dễ dàng lau sạch nước và chất bẩn bám vào khu vực này.

Nên chọn vật liệu kháng nước, bền chắc làm bàn bếp

2. Ốp tường bếp bằng gạch trơn

Khi nấu nướng, dù cẩn thận đến mấy, chúng ta đều không thể tránh được những vết dầu mỡ hay vụn thức ăn dính vào thành bếp và khu vực xung quanh. Nếu tường bếp ốp gạch có rãnh, nhiều hoa văn, dầu mỡ sẽ bám vào các bề mặt này và rất khó làm sạch. Do đó, sử dụng gạch trơn để ốp tường bếp là một cách khá đơn giản để giảm bớt thời gian, công sức dọn dẹp, vệ sinh phòng bếp. Nếu đã lỡ ốp gạch có rãnh hay hoa văn trên tường bếp, bạn có thể làm thêm 1 lớp bảo vệ bề mặt này bằng kính hay mica để việc dọn dẹp được dễ dàng hơn. 

Ốp gạch trơn hạn chế vết dầu mỡ cứng đầu bám vào tường bếp

3. Đóng tủ sát trần

Khoảng hở giữa mặt trên tủ và trần nhà hầu như không có tác dụng gì ngoài tích tụ bụi bẩn. Trong khi đó, khu vực này thường bị lãng quên, không nhiều người thường xuyên lau chùi, vệ sinh. Vì vậy, hãy đóng tủ sát trần, không để lại khoảng trống nào, bạn sẽ đỡ hẳn một công đoạn khi dọn nhà. Thêm vào đó, thiết kế nội thất sát trần trông rất hiện đại, hợp xu hướng ngày nay.

Đóng tủ bếp sát trần, không để lại khoảng trống

4. Hạn chế dùng kệ mở

Hình ảnh những chiếc kệ mở với rất nhiều món đồ nhỏ xinh bên trong có thể trông khá bắt mắt trên các tạp chí hay trang web về thiết kế, bày trí nhà cửa, nhưng ngoài đời, thiết kế này không thực tế cho lắm. Nhiều chuyên gia thiết kế nội thất cho rằng kệ mở là một ý tưởng "kinh khủng", đặc biệt là trong căn hộ nhỏ. Với cuộc sống bận rộn hiện nay, không phải ai cũng có thời gian sắp xếp, lau chùi những món đồ bày trên kệ mở. Bụi bặm ở khắp nơi, những món đồ lộn xộn, không đẹp mắt sẽ bày ra trước mắt gia chủ cũng như khách ghé thăm. Vì vậy, hãy hạn chế dùng kệ mở để tiết kiệm công sức, thời gian dọn nhà. Trong trường bạn vẫn muốn trưng bày những bộ sưu tập của mình trên kệ mở, hãy dùng cửa kính trong suốt che kín các ô, ngăn đựng đồ để hạn chế bớt bụi bặm và lau chùi thường xuyên hơn để đảm bảo mọi thứ sạch sẽ, ngăn nắp.

Hạn chế dùng kệ mở

5. Chọn tay nắm cửa tủ thiết kế đơn giản

Dù chỉ là những chi tiết nhỏ trong tổng thể ngôi nhà, những chiếc tay nắm cửa tủ thiết kế phức tạp, bề mặt gồ ghề, nhiều hoa văn sẽ là nơi tích tụ cực nhiều bụi bẩn, vi khuẩn. Để không mất nhiều thời gian, công sức làm sạch, ngay từ đầu, bạn hãy chọn những món đồ nội thất có tay cầm kiểu dáng, màu sắc đơn giản, bề mặt trơn nhẵn, ít lưu lại dấu tay và bụi bẩn.

Chọn tay nắm cửa thiết kế đơn giản để không tốn thời gian lau dọn

6. Hạn chế dùng màu đen

Nhiều người nghĩ nội thất màu đen sẽ giúp che giấu vết bẩn, khiến ngôi nhà trông có vẻ sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, sự tương phản sẽ làm bụi bặm hiện rõ trên bề mặt nội thất màu đen, không những không giấu đi vết bẩn mà còn khiến chúng lộ ra rõ hơn. Nếu thích nội thất màu tối, bạn có thể cân nhắc các lựa chọn khác như ghi đậm, nâu đậm,... thay vì màu đen.

Nội thất màu đen dễ làm lộ vết bụi bẩn

7. Sử dụng bếp từ

Nhiều bà nội trợ đồng ý rằng bếp từ dễ rửa hơn nhiều so với bất kỳ bề mặt bếp nấu nào khác. Bếp từ không nóng nên các mẩu thức ăn rơi xuống mặt bếp không bị đốt cháy, không tạo thành những vết bẩn cứng đầu. Sau khi nấu xong, chỉ cần dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng là bếp từ của bạn lại sạch đẹp như mới. 

Dùng bếp từ giúp giảm thời gian vệ sinh, dọn dẹp

8. Bề mặt tường có thể lau chùi

Những mảng tường xung quanh công tắc, ổ cắm dễ bị bẩn do thường xuyên tiếp xúc với tay người và bụi bặm tích tụ. Với nhà có trẻ nhỏ, các bé thích vẽ lên tường hoặc bôi bẩn khắp nơi khi đùa nghịch, khám phá. Vì vậy, bạn hãy chọn loại giấy dán tường hoặc sơn có thể lau chùi được để dễ dàng vệ sinh khi cần. Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm giấy dán tường có phủ 1 lớp vinyl kháng nước nên có thể lau chùi được. Tránh dùng giấy dán có hoa văn phức tạp, bề mặt gồ ghề vì sẽ mất nhiều thời gian làm sạch hơn.  

Tránh dùng giấy dán tường bề mặt gồ ghề, khó lau chùi

9. Dùng bồn cầu treo tường

Không chỉ tiết kiệm không gian trong phòng tắm diện tích nhỏ, các thiết kế bồn cầu treo tường còn giúp giảm bớt thời gian vệ sinh, dọn dẹp. Thiết kế bồn cầu không chạm sàn giúp bạn dễ dàng lau sạch sàn nhà, bể chứa nước xả được giấu kín trong tường nên bạn cũng bớt được một "hạng mục" phải lau chùi thường xuyên. 

Bồn cầu treo tường tiết kiệm không gian, thời gian dọn dẹp

Lan Chi

>> Nhà chưa thể sạch nếu bạn bỏ qua 14 chi tiết này khi dọn dẹp
>> 8 thói quen dọn dẹp nhà cửa bạn vẫn làm mỗi ngày nhưng "sai toét"
>> 10 thói quen nhà bếp vừa gây hại cho đồ dùng, vừa rước bệnh vào người

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME