Sử dụng vật liệu, từ bản vẽ ra công trường
Nghề kiến trúc – xây dựng luôn phải đụng chạm, chung sống, phải "chơi" với đủ loại vật liệu xây dựng. "Chọn bạn mà chơi" thế nào thì chọn vật liệu xây dựng cũng gần như thế. Nhưng khác biệt ở chỗ, không thích bạn thì có thể lánh xa, nhưng vật liệu xây dựng thì dù thích hay không vẫn phải tiếp xúc.
Có nhiều gia chủ hay nói đùa (mà thật) với kiến trúc sư rằng: sao cái gì mấy anh chọn lựa cũng toàn đắt tiền không vậy? Và các nhà chuyên môn cũng hay giải thích theo kiểu nửa đùa nửa thật “thì tiền nào của nấy mà”! Bài viết này không đi sâu phân tích tính năng hay hiệu quả đẹp xấu của vật liệu xây dựng, mà thử làm chút tổng kết về các kiểu ứng xử giữa nhà chuyên môn và gia chủ khi chọn lựa vật liệu để từ đó giúp các bên xác định phương thức nào là phù hợp, là hiệu quả. Về cơ bản thực tế có ba tình huống ứng xử như sau:
Hồn ai nấy giữ: Kiến trúc sư có thể là người trẻ tuổi chưa nhiều kinh nghiệm, có thể là người đứng tuổi bận bịu quá nhiều công trình, có thể không thường xuyên giám sát thực tế... nên chọn cách làm việc chủ yếu chỉ định vật liệu trên bản vẽ, sao cho thiết kế đúng quy chuẩn, đạt yêu cầu bền chắc, nhà thoáng mát, an toàn... là có thể thở phào. Đồng thời gia chủ cũng quen nếp tự biên tự diễn, chỉ cần bản vẽ ổn thì khi xây thích tự mình mày mò mua sắm chứ không cần nhờ nhà chuyên môn. Lúc đó gia chủ ưa gạch A, sơn B, kính C, ngói D gì gì thì tuỳ, nhà họ ở mà, chọn không vừa ý họ sau này nhức đầu lắm. Một số kiến trúc sư nghĩ vậy và kết quả là nhiều ngôi nhà có thiết kế khá tốt nhưng phần hoàn thiện không đạt bởi vật liệu và vật dụng chỉ thuộc dạng chung chung, trăm hoa đua nở, góp nhặt nhiều thứ theo ý thích riêng gia chủ.
Đôi khi vật liệu dùng cho “mặt tiền” chỉ là những mảng xanh đặt để khéo léo. |
Đi chợ cùng nhau: Một số “cặp đôi hoàn hảo” gia chủ – kiến trúc sư hay hẹn nhau đi chợ theo kiểu “dung dăng dung dẻ” khá thú vị và cũng khá mất thời gian, nên phải tuỳ vào quan hệ giữa hai bên. Thông thường với kinh nghiệm và hiểu biết đã có khi làm công trình khác giúp kiến trúc sư định vị được nên chọn lựa vật liệu ở đâu, loại gì là phù hợp, trên tinh thần “Em thấy cái này được, cái kia hay, nhưng quyết định sau cùng là anh chị đấy nhé!”. Cách làm này tuy có sự tôn trọng đôi bên nhưng cũng có biên độ dao động khá lớn giữa cái kiến trúc sư chỉ và cái gia chủ mua sắm, bởi giá cả, bởi người nhà góp ý ra vào, bởi đội thi công chê bai vài tính năng kỹ thuật nào đó... Thậm chí có gia chủ kêu kiến trúc sư đi chọn lựa để biết được thêm ý đồ thiết kế, để có được quá trình giám sát tác giả, để khảo giá so sánh thêm, chứ không hẳn là vì tin tưởng hoàn toàn vào ý kiến chuyên môn.
Cá tính và thoả hiệp: Một số kiến trúc sư dày kinh nghiệm hay gợi ý vật liệu ngay từ các bản vẽ sơ khởi, hoặc khống chế ý tưởng dùng vật liệu gì một cách rất cá tính, kiểu như những công trình bằng tre, bằng đá, hay bêtông trần xuất hiện thời gian gần đây. Trên thế giới cũng vậy, cách dùng vật liệu thường đi theo giải pháp kiến trúc, làm nên cá tính riêng cho công trình, kiểu như Tadao Ando hay dùng bêtông trần, hoặc F. O’Ghery hay bọc tấm titannium bên ngoài công trình của mình. Nhưng đa phần các kiến trúc sư Việt Nam thường than rằng: đâu dễ gặp được gia chủ chịu cho mình làm nhà với loại vật liệu mà mình ưng ý theo đuổi! Do đó vẫn phải có tỷ lệ “thoả hiệp” nhất định trong phần sử dụng vật liệu (nhất là phần hoàn thiện) đối với nhà ở tư nhân. Một số ngôi nhà thậm chí kiến trúc sư phải... chụp ảnh luôn khi mới hoàn thiện sơ bộ, bởi để thêm một thời gian nữa thì sẽ không còn nhận ra “đứa con tinh thần” của mình sẽ biến đổi theo kiểu gì khi gia chủ với sự trợ giúp của nhà thầu lao vào cuộc “chạy đua” ốp lát, tô vẽ, son phấn, sắm đồ đạc... khác với quan niệm hoàn thiện ban đầu của kiến trúc sư.
Những hàng rào bằng vật liệu đơn giản bền chắc nhưng vẫn không quá ngăn cách xa lạ. |
Vấn đề nổi cộm hay gây bức xúc cho gia chủ và kiến trúc sư đó là thi công sao cho ít lãng phí, đạt chuẩn mực và có hiệu quả. Nhiều gia chủ xót xa khi thấy gạch đắt tiền của mình bị cưa cắt vụn ra, hoặc PU cửa gỗ sau khi thổi dính đầy vào kính vào tường rất khó chùi sạch.
Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi được nghe các thầy thế hệ kiến trúc đi trước kể rằng: chỉ có mấy nghề đươc gọi là sư (thầy) như luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, bởi vai trò chỉ dẫn, định hướng, bao quát của nghề nghiệp. Khi một kiến trúc sư chủ trì xuống kiểm tra công trình nào đó thì tất cả thợ thuyền đều dừng tay, ông cai đi theo, đứng bên cạnh, nín thở theo dõi, lắng nghe kiến trúc sư nhận xét, chỉ dẫn. Chỗ này đá cắt không đẹp, đoạn kia màu sơn chưa đúng ý, mảng nọ lát gạch xấu… là cứ thế đục ra làm lại, khỏi nói nhiều! Đám sinh viên kiến trúc nghe thầy kể khoái lắm, vì thấy tương lai mình chắc đầy vẻ oai phong lẫm liệt, “hét ra lửa” bao người răm rắp! Nào ngờ thầy kết luận cái rụp: bởi vậy từ lúc đi học đến khi đi làm nếu không biết tìm tòi từng loại vật liệu được sản xuất, thi công thế nào, sử dụng ra sao, thì xuống công trường biết gì mà coi mà nói, hoặc nói trật ai nghe, thợ sẽ cười chê, không làm theo thì có mà húp cháo, từ bản vẽ đến thực tế còn nhiều bước nữa đấy!
Thế nên mỗi khi đứng trước “rừng” vật liệu xây dựng đa dạng hiện nay, bài học năm xưa lại vọng về như lời nhắc đến một trách nhiệm của các kiến trúc sư: sử dụng vật liệu cho công trình sao cho vừa cho khéo cho đúng cho đẹp là điều không đơn giản và hầu như luôn phải cập nhật liên tục. Nhưng dĩ nhiên không phải cập nhật theo kiểu… lên mạng suốt ngày, mà nói như đại sư Tadao Ando trong lần gặp gỡ giới làm kiến trúc Việt Nam hồi năm 2008: hãy rời máy tính để đi thực tế công trình! Quả là đáng để suy ngẫm vậy.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet