Nếu được xây dựng thành công, tòa tháp PVN Tower 102 tầng với chiều cao 528m tại Hà Nội sẽ trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam, cao hơn cả tòa nhà Landmark 81 (461m) tại Tp.HCM.

PVN Tower cao 528m

Năm 2010, Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC) và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương tuyên bố sẽ xây dựng tòa nhà cao nhất Việt Nam với quy mô 102 tầng với chiều cao 528m. Khi đó, PVN Tower được quảng cáo sẽ vượt xa Keangnam (336m) để trở thành tòa nhà cao nhất.

Phối cảnh PVN Tower

Phối cảnh PVN Tower

Với vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 tỷ USD, liên doanh PVC và Đại Dương kỳ vọng dự án này sẽ là biểu tượng của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Khi đó, dự án được dự kiến xây dựng tại quận Nam Từ Liêm (2 mặt tiền đường Mễ Trì và Lê Quang Đạo), dự kiến hoàn thành vào năm 2014.

Công trình sẽ bao gồm khu nhà ở, khách sạn cao cấp và văn phòng cho thuê, khu công viên sinh thái và trung tâm văn phòng điều hành tài chính - thương mại và công nghệ quốc tế.

Tháng 3/2011, sau phiên thảo luận về việc tái đầu tư 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC công bố điều chỉnh PVN Tower từ 102 tầng xuống còn 79 tầng. Đến đầu năm 2012, lãnh đạo PVN cho biết PetroVietnam đã rút khỏi tòa tháp PVN Tower, khi thực hiện chủ trương dần rút vốn khỏi lĩnh vực bất động sản.

Sau đó, Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi chủ đầu tư dự án này, giao UBND TP. Hà Nội xem xét, đề xuất để giao cho một chủ đầu tư khác xây dựng chung cư.

Tháp truyền hình VTV

Năm 2015, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đề xuất xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Hà Nội, với chiều cao 636m, cao hơn 2m so với tháp truyền hình đang giữ kỷ lục cao nhất thế giới hiện nay là Tokyo Skytree cao 634m.

Tháp dự kiến đặt tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1,3-1,5 tỷ USD, riêng khối tháp có mức đầu tư 900 triệu USD.


Tháp truyền hình của VTV dự định sẽ "vượt mặt" cả tháp Tokyo Skytree. Ảnh:Telegraph

Công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam cho biết, đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, còn là dự án đa mục tiêu, không chỉ dùng cho kỹ thuật truyền hình mà còn sử dụng ở nhiều mục tiêu khác nhau…

Nhưng cuối tháng 5/2017, VTV đã có công văn đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại liên doanh với SCIC để thực hiện dự án. VTV cho biết, đơn vị này cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình. Hơn nữa, theo báo cáo của VTV thì hiện tại dự án chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.

Sau đó, SCIC cũng thoái vốn tại dự án, do không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn. Cuối cùng, dự án không được thực hiện.

Khách sạn Hoa Sen

Dự án Lotus Hotel (Khách sạn Hoa Sen) được Công ty CP Đầu tư Kinh Bắc (KBC) của ông Đặng Thành Tâm ra mắt năm 2010. Dự án có tổng vốn khoảng 1 tỷ USD, với 2 khối nhà chênh nhau về độ cao từ 50-100m, độ cao lớn nhất không vượt quá 400m.

Đây là công trình phức hợp đa chức năng với kiến trúc cách điệu hình bông lúa, bao gồm trung tâm thương mại, vườn treo và khách sạn 6 sao, được thiết kế bởi hãng Foster + Partners.

Lotus Hotel

Phối cảnh Lotus Hotel

Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành, Lotus Hotel có thể vượt độ cao của Keangnam Landmark Tower - tòa nhà cao nhất Việt Nam khánh thành vào năm 2011. Ban đầu, dự án do tập đoàn Nhật Bản làm chủ đầu tư, nhưng gặp khó khăn về tài chính nên chuyển giao cho KBC.

KBC dự tính xây dựng tòa nhà chọc trời này tại khu "đất vàng" 4ha trên đường Phạm Hùng, gần Trung tâm hội nghị quốc gia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Nhưng từ năm 2011 đến nay, "siêu khách sạn" vẫn chỉ nằm trên giấy. Còn khu "đất vàng" thì bị bỏ hoang và trở thành nơi... trồng rau muống.

Đến năm 2017, Vingroup mua lại một phần khu đất để thực hiện dự án chung cư cao tầng.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME