Anh Trần Nho Tuân mua lại căn hộ 130 m2 tái định cư bằng giấy tờ tay tại chung cư An Cư, phường An Phú, quận 2 vào tháng 11/2007 với giá 19,5 triệu đồng một m2, rẻ hơn nhà thương mại khoảng 3 triệu đồng một m2.

Lo ngay ngáy bị “lật kèo”


Để ở được, anh Tuân phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng để đại tu nội thất. Tuy nhiên, hiện anh chỉ có trong tay mỗi tờ giấy bán nhà viết tay, mà chưa biết mặt mũi chủ quyền nhà như thế nào.

Tương tự, chị Phương Linh năm 2008 theo chồng chuyển công tác từ Hà Nội vào TP HCM và mua một căn hộ cho những người thuộc diện tái định cư của dự án Thủ Thiêm, rộng 129 m2, giá gần 3 tỷ đồng. Chưa ưng ý với thiết kế nội thất cũ, chị Linh đã thay mới từ gạch nền đến sơn phết tường, nhà tắm, nhà vệ sinh… tốn kém gần 500 triệu đồng.
 

 

Chuyển đến căn hộ tái định cư, nhiều người vẫn chưa nhận được giấy chủ quyền nhà.
Ảnh: Lê Hưng.
 


Bỏ ra một "đống tiền" như vậy, song những khách hàng như anh Tuân, chị Phương Linh vẫn lo sốt vó vì chưa biết đến khi nào mới được cấp giấy chủ quyền nhà. "Đến nay giấy chủ quyền nhà đã bị trễ hơn một năm. Tuy nhiên, khi đến Công ty kinh doanh và quản lý nhà quận 2 (đơn vị quản lý căn hộ tái định cư trên địa bàn quận 2) hỏi, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là hãy chờ", chị Linh lo lắng.

Ngoài ra, theo quy định, thành phố chỉ cấp giấy chủ quyền nhà cho hộ tái định cư. Chỉ khi nào giấy tờ này được cấp rồi, hai bên mua - bán mới ra công chứng làm thủ tục sang tên. Điều này khiến nhiều người mua nhà, đất tái định không khỏi lo ngại nguy cơ bị “lật kèo”.

Nhiều tranh chấp

Một cán bộ của Phòng quản lý nhà, Sở Xây dựng TPHCM, ước tính, hiện có cả trăm vụ tranh chấp liên quan đến việc bán suất tái định cư. Đặc biệt, khi TPHCM có chính sách đền bù được bổ sung, trong đó áp dụng cả với những hộ nhận suất tái định cư, những người bán suất tái định cư quay lại đòi khoản đền bù bổ sung, trong khi bên mua cũng không muốn “buông” khoản tiền béo bở này.

Chị Hạnh Thủy, một người mua lại suất tái định cư ở chung cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, cho biết đang điên đầu khi bên bán suất tái định cư một mực đòi phải đưa trước 50 triệu đồng mới chịu ký giấy sang tên, trong khi trong hợp đồng (giấy tay) quy định khi nào sang tên xong bên mua mới đưa nốt số tiền còn lại là 50 triệu đồng. “Biết bị ép, nhưng phải cắn răng đưa tiền để mong sớm có giấy tờ nhà cho yên tâm”, chị Thủy trần tình.

Anh Nguyễn Như Mạnh, nhà ở quận Tân Bình, còn phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi mua một căn nhà tái định cư 50 m2 ở quận 10, TPHCM. Ngoài việc phải đóng hơn 600 triệu đồng, anh phải trả góp khoản nợ ngân hàng hơn 300 triệu đồng, trong vòng 15 năm, chưa kể khoản chênh lệch 100 triệu đồng cho chủ nhà. “Trong khi nhà vẫn đứng tên chủ cũ mà mình phải bỏ ra một đống tiền và ôm một đống nợ”, anh Mạnh ngao ngán.

Theo giám đốc một công ty bất động sản tại TPHCM, thành phố đã cấm bán suất tái định cư, nếu muốn bán phải bán lại cho thành phố. Ngoài ra, tính pháp lý của giấy sang nhượng, giấy ủy quyền viết tay không được pháp luật công nhận. Do đó mọi rủi ro đều đổ lên người mua. “Có nhiều trường hợp do căn hộ đã được sang tay nhiều lần, người đứng tên nhà tái định cư cũng đã đi nơi khác để sinh sống, nên không thể gặp được để sang tên giấy tờ nhà”, vị này cho biết.

Theo ban quản lý cao ốc An Cư - An Khanh, cao ốc An Cư được TPHCM dùng để bố trí tái định cư cho những hộ dân thuộc diện giải tỏa của dự án Khu đô thị Thủ Thiêm nhưng hầu hết đã được bán.

“Những căn hộ ở đây không phải là cao cấp, nhưng những người dân được tái định cư cũng không thể nào ở được vì… không hợp”, bà Vũ Thị Thanh, trưởng ban Quản lý cao ốc An Cư-An Khang cho biết.

Những người bán suất tái định cư cho biết, với thu nhập hiện nay, chỉ riêng việc trang trải các loại phí như gửi xe, an ninh, vệ sinh... đã là một gánh nặng, nên họ buộc phải sang nhượng lại.

Theo Dat Viet

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME