Nhiều quận Hà Nội phải làm rõ việc thiếu hạ tầng tại các khu đô thị
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa đề nghị một loạt các quận của Hà Nội như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ... phải kiểm tra tình hình quá tải, thiếu hạ tầng tại các khu đô thị.
Nhiều quận phải làm rõ tình hình thiếu hạ tầng
Cụ thể các khu đô thị phải kiểm tra như: Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), chung cư cao cấp Ecolife (phường Xuân La, quận Tây Hồ), Nam Trung Yên (phường Yên Hòa và Trung Hòa, quận Cầu Giấy)…
Trong đó, đặc biệt cần chú ý đến dự án chung cư cao cấp Ecolife. Ban đại diện cư dân chung cư EcoLife Tây Hồ được đầu tư bởi Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô phản ánh, người dân dọn vào ở khi hạ tầng kết nối của toà nhà chưa đủ như cam kết của chủ đầu tư. Nếu như theo quảng cáo, cư dân sẽ được đi lại trên con đường trải nhựa, thì trên thực tế, 600 cư dân hàng ngày vẫn phải đi chung với hàng trăm xe tải cỡ lớn trên con đường đất có mặt cắt ngang chưa đầy 5m. Khi mưa thì đường lầy lội, trơn trượt còn khi trời nắng thì bụi dày bao phủ.
Tuy nhiên, không chỉ vậy, từ tháng 6/2017, do hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê đã hết hạn nên người dân đã rào một nửa con đường lại. Con đường đi lại hàng ngày của cư dân chỉ rộng khoảng 3m.
Hàng loạt các quận của Hà Nội phải kiểm tra tình hình quá tải, thiếu hạ tầng tại các khu đô thị |
Sở QH-KT được thành phố giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận Hoàng Mai, Tây Hồ, Cầu Giấy tổ chức kiểm tra, thống kê, căn cứ tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn xây dựng để đối chiếu số liệu, thống nhất đề xuất giải pháp, dự thảo văn bản, báo cáo UBND thành phố.
Xây nhà nhanh nhưng trường học, bệnh viện thì "bỏ mặc"
Về việc các khu đô thị Hà Nội bị quá tải, thiếu hạ tầng, trong văn bản VNREA gửi Cục Quản lý thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) góp ý về Đề án “Đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”, đơn vị này cho rằng, việc quy hoạch hiện nay đang xảy ra tình trạng dễ làm, khó bỏ.
Cụ thể, với phân quy hoạch kinh doanh được, việc triển khai thực hiện rất nhanh nhưng việc triển khai các công trình hạ tầng, kỹ thuật rất chậm, thậm chí không triển khai. Điều này khiến nhiều dự án khu đô thị bị bỏ hoang, khu nhà ở mới ở khu ven đô đều thiếu trường học, nhà trẻ, dịch vụ, bệnh viện nên bị bỏ hoang, gây lãng phí.
VNREA kiến nghị phải đầu tư song song công trình nhà ở với các công trình hạ tầng xã hội. Chỉ khi đầu tư xong hạ tầng xã hội, chủ đầu tư mới được phép kinh doanh nhà ở. Đơn vị này cũng kiến nghị cần nghiêm cấm bố trí quy hoạch, công trình hạ tầng xã hội vào khu vực khó GPMB, khu dân cư hiện hữu hoặc nghĩa trang.
Những cảnh báo trên của VNREA thực tế đã tiễn ra lâu nay tại Hà Nội nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý, khiến người dân bức xúc.
Tại nhiều kỳ họp của HĐND thành phố, HĐND TP. Hà Nội đã chỉ ra tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị mới nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Trong đó, các cơ quan quản lý chưa giám sát chặt việc triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 các khu đô thị; chưa chỉ đạo quyết liệt và xử lý các chủ đầu tư không xây trường học và chưa dành đất để xây trường học.
Theo chỉ tiêu giai đoạn 2012-2016, số trường cần xây mới là 633 trường, nhưng đến nay Hà Nội mới xây được 211 trường, đạt 33%. Vị cán bộ nói: “Qua giám sát 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở cho thấy, các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây dựng nhà và các căn hộ để bán và chuyển nhượng mà ít quan tâm xây dựng các công trình xã hội, trong đó có trường học. Chúng tôi cũng chỉ rõ trách nhiệm chủ yếu thuộc thành phố, các Sở chuyên môn như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư và các quận, huyện”.
Đáng nói, nhiều nơi quy hoạch được dịch chuyển khi các khu đất đẹp được điều chỉnh quy hoạch làm nhà ở cao tầng để bán trong khi các khu đất quy hoạch trường học lại bị đẩy vào những khu khó GPMB như ao đình, nghĩa trang…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet