Nếu việc cấp phép xây dựng nhà ở cho người dân phải căn cứ vào quy hoạch thì e rằng toàn thành phố sẽ ách hết, chỉ có trường hợp cấp phép tạm là đủ điều kiện giải quyết. Đây là lo lắng của các quận, huyện về Quyết định 26/2017 “Quy định một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn Tp.HCM” có hiệu lực từ ngày 30/6 do Tp.HCM ban hành.

Cấp phép chính thức phải có quy hoạch 1/500

Quyết định 26 chỉ quy định về trường hợp cấp phép có thời hạn (cấp phép tạm) và việc phối hợp thực hiện của các cơ quan liên quan. Cụ thể, nhà ở thuộc khu vực đã phê duyệt quy hoạch 1/2000 nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, chưa thực hiện quy hoạch thì được cấp phép tạm theo mục đích sử dụng trước đó. Công trình có thời hạn có quy mô không quá 3 tầng.

Về điều kiện để nhà ở của người dân được cấp phép chính thức, Quyết định 26 ghi rõ: "Công tác cấp phép xây dựng thực hiện theo Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn liên quan". Đối chiếu Điều 91, 93 của luật này, nhà ở riêng lẻ để được cấp phép xây dựng cần đáp ứng điều kiện như sau: "Phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng (tức quy hoạch 1/500) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình thuộc tuyến phố khu vực đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp quy chế quản lý quy hoạch hoặc quy chế quản lý kiến trúc đô thị". Theo đó, để được cấp phép xây dựng chính thức, nhà ở của người dân phải có quy hoạch 1/500 hoặc quy chế quản lý quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị để xem xét.

Vấn đề là lâu nay, khi cấp phép xây dựng, toàn bộ các quận, huyện đều căn cứ vào quy hoạch 1/2000. Bởi ở Tp.HCM, khu vực được quy hoạch 1/500 chỉ đếm trên đầu ngón tay và chỉ tập trung cho các dự án. Quy chế quản lý kiến trúc đô thị cũng càng hiếm hoi, toàn thành phố chỉ có vài tuyến đường có quy chế quản lý kiến trúc đô thị như đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp.

cấp phép xây dựng
Người dân làm thủ tục nhà, đất tại trụ sở UBND quận 3, Tp.HCM. Ảnh: Việt Hoa

Hợp lý, đúng luật nhưng…

Ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng cho biết, việc cấp phép xây dựng phải phù hợp với Luật Xây dựng và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Ông Tiến nhấn mạnh: "Về việc cấp phép có thời hạn, Luật Xây dựng có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn của thành phố nên Sở đã xin ý kiến và được Bộ Xây dựng chấp thuận. Vì vậy, Quyết định 26 chỉ hướng dẫn cho trường hợp này, các trường hợp còn lại sẽ thực hiện theo Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn".

Ông Tiến cũng cho rằng, yêu cầu việc cấp phép xây dựng phải căn cứ vào quy hoạch 1/500 hoặc quy chế quản lý kiến trúc đô thị, quy chế quản lý quy hoạch tại Luật Xây dựng là hợp lý. Ông Tiến nhận xét việc căn cứ vào quy hoạch 1/2000 vừa không đủ cơ sở để xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cho công trình được cấp phép vừa không phù hợp quy định pháp luật. Ông Tiến nói: "Quy hoạch này chỉ có ý nghĩa phân định chức năng khu đất mà không cung cấp chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của khu vực đó như mật độ xây dựng, chiều cao". Theo ông Tiến, quy chế quản lý kiến trúc đô thị hay quy hoạch 1/500 mới giải quyết được vấn đề này.

Lo ách tắc cho dân

Các quận, huyện tỏ ra rất băn khoăn trước thông tin này. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Gia Thái Bình cho biết: "Công tác cấp phép xây dựng nhà ở cho người dân sẽ ách tắc nếu thực hiện theo yêu cầu của Luật Xây dựng. Ngoài quận Bình Tân, các quận, huyện khác cũng rất ít khu vực có quy hoạch 1/500, quy chế quản lý kiến trúc đô thị".

Theo ông Bình, yêu cầu đầu tiên để lập quy hoạch 1/500 là quy hoạch 1/2000 phải hoàn thiện, chính xác vì đây là cơ sở để triển khai quy hoạch 1/500. Ông Bình bày tỏ, quận khó làm được quy hoạch 1/500 do một số đồ án quy hoạch 1/2000 đang được điều chỉnh.

Ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết, công tác lập quy hoạch 1/500 còn gặp khó khăn về kinh phí thực hiện do phải thuê đơn vị tư vấn thực hiện. Ông Vượng băn khoăn: "Việc thực hiện quy hoạch quy chế này là cả một quá trình và cần nhiều thời gian. Nếu yêu cầu phải có ngay quy chế quản lý kiến trúc đô thị hay quy hoạch 1/500 để cấp phép thì sẽ rất khó khăn và khiến người dân bị ảnh hưởng".

Ngày 7/7, Sở Xây dựng thành phố sẽ tổ chức buổi triển khai Quyết định 26 để giải đáp, hướng dẫn cụ thể với sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng.

Vẫn có thể căn cứ quy hoạch 1/2000

Theo tôi, để cấp phép xây dựng, các quận, huyện vẫn có thể căn cứ vào quy hoạch 1/2000. Tuy nhiên, quy hoạch này cần kèm theo quy chế quản lý quy hoạch để minh họa cụ thể cho khu vực đó. Chẳng hạn khu vực này có quy hoạch 1/2000 là khu dân cư thì quy chế quản lý quy hoạch kèm theo sẽ mô tả và quy định chỉ tiêu quy hoạch cho khu dân cư này như mật độ xây dựng ra sao, nhà ở được xây tối đa bao nhiêu tầng. Như vậy việc cấp phép xây dựng sẽ không bị ách mà vẫn có cơ sở và đúng Luật Xây dựng.

Tôi cho rằng, việc lập thiết kế đô thị rất cần thiết với một số tuyến phố quan trọng, mang tính điểm nhấn. Với việc lập quy hoạch 1/500 tại các dự án, Nhà nước không nên làm trước mà giao các chủ đầu tư thực hiện dựa trên quy hoạch 1/2000 và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phê duyệt.

TS - kiến trúc sư VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Tp.HCM


Từ năm 2013, thành phố đã phủ kín quy hoạch 1/2000 nhưng để có cơ sở cấp phép xây dựng, công tác quy hoạch phải làm tiếp quy hoạch 1/500 hoặc các quy chế. Như vậy việc cấp phép mới công khai, minh bạch, rõ ràng và thuận tiện cho dân.

Ông TỐNG ĐỨC TIẾN, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng Tp.HCM

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME