Phát triển bê tông bền vững cho hiện tại và tương lai
Từ ngày 30/10 đến 02/11 tại Hà Nội, Liên đoàn Bê tông châu Á (ACF) và Hội Bê tông Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 7 (ACF 2016) với chủ đề "Phát triển bê tông bền vững cho hiện tại và tương lai". Mục tiêu của ACF 2016 là chia sẻ kinh nghiệm và tiếp tục phát triển bê tông bền vững cho các công trình xây dựng.
Bê tông thường có khối lượng thành phần bao gồm 12% xi măng, 80% cốt liệu cát đá và 8% nước. Điều này có nghĩa là khoảng 4.2 tỷ tấn xi măng, 28 tỷ tấn cát đá và 2.8 tỷ tấn nước được sử dụng hàng năm để chế tạo bê tông. Đây là loại vật liệu xây dựng được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới.
Trong thời gian qua, ngành xây dựng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết: Cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới, các công trình xây dựng tại Việt Nam hiện nay đang sử dụng bê tông làm vật liệ xây dựng (VLXD) là chủ yếu.
Uớc tính hàng năm có khoảng 35 tỷ tấn bê tông được sản xuất trên toàn cầu. Ảnh minh họa
Năm 2015, Việt Nam sản xuất khoảng hơn 75 triệu tấn xi măng (là nguyên liệu chính để sản xuất bê tông). Theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, nhu cầu xi măng của Việt Nam đến năm 2020 là 93 - 95 triệu tấn, đến năm 2030 là 113 - 115 triệu tấn.
Việc tăng sản lượng xi măng để phục vụ nhu cầu xây dựng của Nhà nước và người dân cũng đồng nghĩa với việc gia tăng khai thác đá vôi, đất sét là các nguyên liệu chính sản xuất xi măng, đồng thời gây phát thải khí nhà kính trong quá trình nung nguyên liệu chế tạo clinker và các công đoạn sản xuất khác của xi măng. Sản xuất bê tông không chỉ cần xi măng mà đồng thời cát, đá thiên nhiên cũng được khai thác để làm cốt liệu. Việc khai thác các nguyên liệu từ thiên nhiên thực tế có ảnh hưởng đến môi trường sống và sẽ dẫn đến nghiêm trọng nếu công tác khai thác không được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam và trực tiếp là các Bộ, trong đó có Bộ Xây dựng đã soạn thảo, ban hành các Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Nghị định Quản lý vật liệu xây dựng và một số văn bản quy phạm pháp luật khác để quy định về việc phát triển, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng trong đó có xi măng và bê tông hợp lý, tối ưu nhất, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, đồng thời bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Hội nghị Bê tông châu Á lần thứ 7 với chủ đề “Phát triển bê tông bền vững cho hiện tại và tương lai” là Hội nghị quốc tế có uy tín trên thế giới, là diễn đàn quan trọng để các nhà chuyên môn, các đại diện của các cơ quan Chính phủ, các nhà lập pháp, các nhà lãnh đạo, nhà đầu tư, các nhà thầu xây dựng và các tổ chức nghề nghiệp khác chia sẻ các kết quả nghiên cứu và phát triển, các sáng tạo về công nghệ sản xuất và ứng dụng bê tông theo hướng bền vững và các chính sách, quy định liên quan.
Việc phát triển vật liệu bê tông bền vững cho hiện tại và tương lai chính là giải pháp hữu hiệu để tăng hiệu quả sử dụng của loại vật liệu xây dựng phổ biến nhất này, đồng thời giảm mặt trái và tác động xấu đến môi trường.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet