Phải ngăn chặn nhà siêu méo, siêu mỏng ngay từ quy hoạch
Thông thường vào dịp cuối năm, TP. Hà Nội lại tổ chức các đợt ra quân rầm rộ nhằm chỉnh trang đô thị, chấn chỉnh trật tự xây dựng để chào đón năm mới. Nhưng hàng trăm căn nhà siêu méo, siêu mỏng hiện vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức dư luận.
TP. Hà Nội còn 192 nhà siêu méo, siêu mỏng
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị bức xúc nói: “Rất vô lý là cả con đường mở rộng như vậy mà bị thò thụt, nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện, lỗi này một phần thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước” tại buổi kiểm tra, thị sát trật tự và văn minh đô thị ở quận Đống Đa.
Trước tình trạng nhếch nhác vẫn tồn tại hai bên con đường được xây dựng đẹp, to với chi phí hàng ngàn tỷ đồng trên tuyến đường vành đai 1 - Ô Chợ Dừa vừa đưa vào sử dụng, thật khó để không bức xúc.
Mặc dù xử lý những nhà siêu méo, siêu mỏng đã được đặt ra từ hơn chục năm trước nhưng phải đến năm 2011, TP. Hà Nội mới thể hiện quyết tâm cao khi lập Ban chỉ đạo nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn đó. UBND thành phố vào cuối năm 2012 đã ra chỉ đạo đến hết hết quý I/2013 phải xử lý dứt điểm nhà siêu méo, siêu mỏng. Nhưng sau nhiều lần lỗi hẹn thì các mốc thời gian mới lại được lãnh đạo TP. Hà Nội thiết lập, đó là lùi sang cuối quý IV/2013 và “vắt” sang cả đầu quý I/2014. Thông báo mới nhất cho thấy, trong số hơn 600 công trình siêu méo, siêu mỏng sau một thời gian xử lý, hiện nay, thành phố còn 192 nhà.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là vì phải có phương án thu hồi, tái định cư cho chủ sở hữu một số công trình xây dựng từ năm 2007 (thời điểm này chưa có quy định về các diện tích đất không đáp ứng đủ điều kiện xây dựng). Cụ thể, đối với tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, kinh phí giải phóng mặt bằng đã ngốn hết 700 tỷ đồng trong tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng đầu tư, còn lại 300 tỷ đồng dành cho việc thi công đường. Ngân sách Nhà nước sẽ không đủ nếu thu hồi hết diện tích 2 bên tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu.
Hiện TP. Hà Nội còn 192 nhà trong tổng số 600 công trình siêu méo, siêu mỏng (ảnh: Hoài Nam) |
Theo Phó chủ tịch Hội đồng Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) Trần Trọng Hanh, trong thời gian qua, việc xử lý nhà siêu méo, siêu mỏng của các sở, quận vẫn chưa mang tính thường xuyên, khi nào có cấp trên giục mới ra quân xử lý, vì thế, xử lý không đủ sức răn đe.
Tạo vốn để giải quyết nhà siêu méo, siêu mỏng
Thành phố cần nguồn vốn rất lớn để giải quyết tận gốc những ngôi nhà siêu méo, siêu mỏng. Do đó, cần huy động nguồn lực từ cả Trung ương, địa phương và nhân dân. Nhưng quan trọng nhất để tạo ra một kế hoạch hành động cụ thể cho từng ngành cần phải có sự kết hợp giữa các ngành.
Trao đổi với phòng viên, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho hay, những căn nhà siêu mỏng hình thành vì người dân xây dựng nhà trên phần diện tích đất rất ít ỏi còn lại sau khi đã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Đơn cử như có những phần diện tích đất bề sâu của căn nhà chỉ hơn 1m trong khi bề ngang rộng gần 4m hoặc bề sâu có cạnh 3m, cạnh còn lại chỉ vào khoảng hơn 1m và bề ngang lên đến 5m... Chính vì thế, đã hình thành những căn nhà mỏng, có hình thù tứ giác, tam giác rất quái dị.
Ông Liêm nói: “Theo quy định pháp luật về bất động sản, những mảnh đất có diện tích nhỏ hơn 25m2 ở đô thị sẽ không được xây dựng vì không được cấp sổ đỏ, nhưng những mảnh đất vài m2 ở đường mới mở vẫn xây là phạm luật và lỗi này là do chính quyền sở tại”. Từ đó, ông kiến nghị, cần phải tính đến chuyện này ngay khi lên kế hoạch giải tỏa một dự án. Theo ông Liêm, cần phải học những kinh nghiệm từ các nước. Cụ thể, khi thu hồi đất để mở đường tại một số quốc gia họ đã thu rộng hơn dự án sang hai bên từ 50-100m, sau đó, tổ chức đấu giá để thu hồi vốn.
Đồng tình với quan điểm trên, theo đánh giá của chuyên gia đến từ Viện Môi trường, khi giải tỏa mở đường giao thông, chính cách làm cứng nhắc của các ban, ngành liên quan đã để lại những mảnh đất thừa thẹo, từ đó hình thành những ngôi nhà kỳ dị, méo mó làm mất mỹ quan đô thị. Đáng lý ra, ngay từ khi lập phương án mở đường, những khu đất méo mó, quá nhỏ cần phải được tính toán. Phải được thu hồi những mảnh đất nhỏ đó và có thể tổ chức thành nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc bồn hoa... Nếu làm được như thế sẽ giúp thành phố tiết kiệm một khoản chi phí thu hồi đất khá lớn trong tương lai và không tiếp tục làm xáo trộn trong cuộc sống của nhân dân.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet