Nhà siêu mỏng, siêu méo "tái xuất" theo đường mới mở giữa Thủ đô
Những tuyến đường xây dựng mới của Thủ đô lại xuất hiện thêm hơn 60 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo.
Nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện ồ ạt sau dự án mở rộng đường
Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, sau khi TP. Hà Nội đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo được mọc lên rất nhiều trên trục đường cửa ngõ này. Quan sát, chỉ chưa đầy 1km, có đến gần chục ngôi nhà thuộc các cụm số: 689, 521, 413, 224, 268,… mọc lên với những hình thù kỳ dị. Thậm chí, có những ngôi nhà diện tích nền chưa đến 15m2, chiều sâu chưa đầy 2m, xập xệ, vá víu vẫn được sử dụng để kinh doanh nhìn rất phản cảm.
Cách đó không xa, tuyến phố Khúc Thừa Dụ (quận Cầu Giấy) cũng đang trở nên lộn xộn với những ngôi nhà biến dạng, méo mó thuộc các cụm số nhà: 27, 89, 65,… Ngoài ra, tình trạng nhà biến dạng còn xuất hiện nhan nhản nhiều năm nay trên các tuyến đường của Hà Nội như: Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Võ Chí Công,…
TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, nhà siêu mỏng, siêu méo là một hiện tượng kéo dài quá nhiều năm. Từ những năm 2000, người ta đã thấy đây là yếu tố tạo sự phản cảm đối với mỹ quan của thành phố.
Vì vậy, trong Bộ luật Xây dựng 2003 đã có quy định không được phép quy định xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo. Đến năm 2005, Thủ tướng Chính phủ có Nghị định hướng dẫn rất cụ thể, nói rõ thế nào là nhà siêu mỏng, siêu méo như: Công trình có diện tích dưới 15m2 hoặc công trình có chiều sâu dưới 3m, có hình dáng không hợp lệ thì không được đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, trải qua 15, 16 năm, TP. Hà Nội vẫn tồn đọng khoảng 130 trường hợp của lịch sử để lại. Bên cạnh đó, những tuyến đường xây dựng mới của thủ đô lại xuất hiện thêm hơn 60 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo.
Một ngôi nhà có hình dáng kỳ lạ trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Tuyết Nga
“Thực tế, cơ quan chức năng có thể phát hiện ngay được hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo khi lập quy hoạch, xác định chỉ giới các tuyến đường mới mở, nhưng giải pháp để xử lý thì còn rất lúng túng.
Hà Nội có Luật Thủ đô 2003, trong đó quy định, khi mở các tuyến đường mới, phải thu hồi hai bên đường 50m tính từ chỉ giới để GPMB theo quy định của pháp luật. Sau đó, sẽ khai thác sử dụng nhưng vấn đề này khó thực hiện do không bố trí được nguồn kinh phí”, ông Nghiêm nói.
Vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Công văn số 3373 gửi UBND các quận, huyện, thị xã về xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) khi thực hiện mở đường theo quy hoạch. Tuy vậy, theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, việc các hộ liền kề chuyển nhượng để hợp thửa với nhau rất khó vì khi mở đường mới, diện tích các thửa đất còn lại nhỏ nhưng lại tiếp giáp mặt đường, có giá trị sinh lời rất lớn, giá cả không thỏa thuận được.
Nam Khánh
(Theo Báo Giao thông)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet