Nguy cơ... "lên phố" của ngôi làng "Hollywood Việt"
Chẳng ngoa khi nói rằng, Tây Mỗ là kinh đô điện ảnh của Việt Nam hay ngôi làng Hollywood… nông thôn. Giới đạo diễn ta thì khăng khăng rằng, hễ có phim nào dính tới nông thôn là ít nhiều cũng phải về Tây Mỗ quay lấy vài cảnh.
Vậy mà Tây Mỗ giờ đã khác. Nhà cổ rêu phong đang dần bị “gọt” bỏ để thay vào là bê tông cốt thép, xanh đỏ tím vàng. Đến nỗi, có người phải thốt lên rằng, làng Hollywood rồi sẽ chỉ còn lại trong những bộ phim…
Tây Mỗ ơi, ngày ấy…
Tôi tìm về Tây Mỗ vào những ngày giáp tết, khi cái rét như đông đặc tụ bấn trong những con ngõ nhỏ vòng vèo. Đây chẳng phải là phố, nhưng mảnh đất chiêm mùa này ngàn xưa đã được coi là đất lành, đất chật người đông, nhà cửa lấn sát vách vào nhau, đường ngõ nhỏ càng trở nên hun hút.
Thập thò đâu đó dưới lừng lững những bê tông cốt thép, vẫn thẫy những cổng nhà cổ, những ngôi từ đường trong khuôn viên nhà ai đó buồn thiu lặng ngắt. Từ trên cao trông xuống, gam màu trầm rêu phong ấy như bị nuốt chửng mất bởi những mái tôn xanh đỏ, bởi lấp loáng bình nước kim loại Sơn Hà.
“Mái bằng, bằng lại mái bằng
Tôi đi như cá lạc trong đăng
Năm mươi năm về thăm quê mẹ
Cả làng là một cục xi măng”.
Ai đó phiên ra mấy câu thơ thật chí lý đọc quặn xót. Thơ ấy là Tây Mỗ bây giờ, lẫn lộn cổ kim giữa buổi giao thời. Cơn lốc đô thị hóa len lỏi vào tận ngóc ngách của làng quê không chừa một thứ gì. Nó phá vỡ cấu trúc bền chặt ăn sâu tự bao đời của mảnh đất này, nó làm “lũ trẻ thì ào ào sống và người già thì ngẩn ngơ tiếc” - như lời của cụ Đỗ Văn Tịnh.
Góc bình yên hiếm hoi ở làng Tây Mỗ |
Cụ Tịnh đã thượng thọ 90, da đồi mồi, tóc bạc như cước, lẩy bẩy chống gậy ra trước sân gạch, ngửa đầu lên nhìn quanh rồi ngán ngẩm: “Ngày trước, cuộc sống của người dân làng Mỗ bình yên lắm con ơi. Dưới bóng mát tre xanh, bên bờ ao, người già, trẻ con ngồi đan lưới, xe chỉ, quay tơ. Những cụ già trong làng thường ngồi bên nhau dưới gốc đa, sân đình mà bàn chuyện làng quê. Đó mới là hồn cốt làng quê”.
Sử sách còn chép lại, làng Tây Mỗ từ xưa vốn đã nổi tiếng khắp nước về truyền thống khoa bảng. Dưới các triều đại phong kiến, làng Tây Mỗ tự hào có tới 7 vị tiến sĩ là: Nguyễn Am (đỗ năm 1453), Hoàng Thiệu (1475); Nghiêm Hoàng Đạt (Bảng nhãn, 1583), Nguyễn Đương Bao (1673), Nghiêm Bá Đĩnh (1733), Đỗ Huy Điển (Phó bảng, 1875) và Nghiêm Xuân Quảng (1895). Sử làng vẫn chép và tấm bia ngoài đình vẫn khắc rõ tên của những vị danh gia ấy.
Truyền thống khoa bảng là niềm tự hào cả một đời với một người nệ cổ và ham chữ nghĩa như cụ Tịnh. Chẳng biết có phải chữ nghĩa cùng những quy định nghiêm ngặt về lệ làng truyền lại hay không mà người Tây Mỗ từ thưở trước vẫn kiên quyết giữ nếp sống cổ, lối suy nghĩ cổ. Tây Mỗ từng được biết đến là một trong những làng cổ hiếm hoi của Hà Nội còn giữ được không gian cổ kính của làng quê Việt. Một mái đình cổ kính rêu phong, một ngõ nhỏ ngoằn nghèo với những bức tường loang lổ, một hàng rào ôrô được tỉa tót kỹ càng… Tất cả làm nên một không gian rất riêng và rất hiếm.
Các cụ cao niên ở Tây Mỗ kể rằng: Đình làng được xây dựng trên một gò đất trông hình như con ngư long (cá hóa rồng) nằm nghiêng. Đến nay vẫn còn lưu truyền câu ca: “Đình trên lưng cá nằm nghiêng giữa làng/ Voi phục trước phượng hoàng chầu lại...”. Đình thờ thần Long Hải Đại Vương làm Thành hoàng làng. Bởi thế người làng Mỗ thường kiêng tên Long mà đọc chệch là Luông.
Từ bao đời nay, mái đình được coi là “trái tim” của làng bởi từ đây có 5 con đường gạch tỏa về 5 xóm. Đình cũng là nơi thờ cúng thiêng liêng và thường diễn ra các lễ hội, sinh hoạt của làng.
Chính từ những vẻ đẹp đậm nét hồn quê đó, làng Tây Mỗ trở thành một “phim trường” để các đạo diễn phim ảnh Việt Nam lấy cảnh quay cho những đề tài nông thôn. Từ những bộ phim nổi tiếng một thời như “Gió làng Kình”, “Cổng trường thời mở cửa”, “Thế giới nhiều cửa sổ”, “Ma làng”, “Cha và con”… cho tới những đoạn phim quảng cáo và những chương trình tuyền hình như “Góc cười”, “Gặp nhau cuối tuần”, “Gặp nhau cuối năm”… đều tìm đến với làng Tây Mỗ. Có nhiều năm rồi, làng Tây Mỗ thu hút được hàng trăm đoàn làm phim và khách từ xa đến với làng, đưa những hình ảnh giản dị, chân thực nhất về làng quê Bắc Bộ với nếp nhà, góc sân tới gần hơn với khán giả truyền hình. Những ngôi nhà cổ qua hàng chục đời người và hàng trăm năm tuổi, những người dân quê chất phác nhu mì đi vào trong phim và tự nhiên làng Tây Mỗ được gọi với cái tên rất Tây: “Làng Hollywood”.
Ở làng Tây Mỗ bây giờ, bên cạnh những mái vòm cổ kính là ngôi nhà tầng hiện đại |
Thế nhưng, đến giờ, mọi sự đã bắt đầu đổi khác.
Cách đây 4 năm, từ giữa năm 2009, xã Tây Mỗ đã được “nhòm ngó” tới để trở thành một khu đô thị ven đô. Vèo một cái, văn bản được ký, đất đai bỗng chốc sốt giá, hàng trăm dự án công, tư xồng xộc đổ về làng. Tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, khiến những nét cổ kính của Tây Mỗ dần co dúm lại.
Dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ có quy mô tới gần 300ha nằm về phía tây nam thành phố là khu vực có cảnh quan đẹp, vị trí địa lý, vị trí phong thủy rất tốt. Người ta tha hồ cắt xẻo đi những cảnh đẹp thôn dã và nhanh chóng thay vào đó là những tường vôi, sắt thép. Tiếp theo, nhiều dự án đô thị hóa được rầm rộ tiến hành trong khi người dân không hiểu điều gì đang xảy ra. Kèm theo cơn hiệu ứng đô thị hóa, một số người đầu cơ tung tiền mua đất, đập phá nhà cổ, phá cảnh quan rêu phong xây nhà cao tầng. Con đường gạch vồ đỏ lịm bị đè lên bởi lớp bê tông trắng toát vô hồn. Cánh đồng lúa đã xuất hiện nhiều trên các phim ảnh cũng bị ngoạm mất không theo một quy chuẩn nào.
Làng Tây Mỗ có nguy cơ… lên phố!
Cũng cần phải nhắc thêm rằng, ngoài cái tiếng là “làng điện ảnh”, Tây Mỗ cũng từng được coi là vựa lúa của thủ đô. Mảnh đất này bao đời đã chắt chiu ra những hạt gạo ngon nổi tiếng. Câu ca: “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh Cót” nhằm ca ngợi người dân Tây Mỗ khéo trồng lúa, dệt vải giỏi nhất nhì đất Thăng Long xưa là vậy. Cũng từ ngọt thơm hạt gạo, ở làng có một lễ hội đặc sắc mang tên “Lễ rước xôi”, là nghi lễ tôn vinh, thờ phụng hạt gạo vào mỗi dịp năm mới.
Gặp tôi, cụ Nguyễn Thị Thái, 70 tuổi, nhà ở xóm Dộc nghẹn ngào: “Người Tây Mỗ thờ hạt gạo, chú ạ! Hạt gạo do chính người làng mình làm ra. Lễ rước xôi của làng tôi đây là nghi lễ khởi đầu cho một năm mùa vụ, cầu mùa màng tươi tốt, thóc lúa bội thu và gia đình yên ấm. Bao năm rồi vẫn thế mà đến giờ thì…”.
Bà Yên (bên trái) cùng diễn viên Thanh Tùng |
Theo lời cụ Thái, mỗi năm dân làng sẽ chọn ra một gia đình đăng cai lễ hội, có tiêu chí kỹ lưỡng hẳn hoi. Được chọn phải là gia đình nền nếp, gương mẫu, con cái phương trưởng, cha mẹ song toàn. Xôi rước được đựng trong chum đồng đặt trên ba kiệu. Mỗi chum xôi nấu từ 30kg gạo nếp cái hoa vàng loại thượng hạng. Để có gạo ngon, từ trước tết, gia đình đăng cai và người làng đến giúp đã phải chọn gạo, sàng sảy tỉ mỉ trong suốt cả tuần. Lễ hội là nét văn hóa độc đáo riêng của Tây Mỗ, là dịp để người làng tưởng nhớ công ơn tổ tiên và giáo dục cho thế hệ trẻ biết nâng niu, quý trọng cây lúa và hạt gạo cũng như không được quên cội nguồn.
“Nhưng ruộng đã thành bê tông hết rồi, một mai hết gạo, lấy gì đồ xôi”, cụ Thái thở dài đánh thượt và hướng mắt về cánh đồng cũ.
Đó chắc chắn không phải là trăn trở của riêng cụ Thái mà còn của rất nhiều người dân Tây Mỗ. Đến cả Chủ tịch UBND xã Tây Mỗ Nguyễn Văn Giang cũng phải thốt lên: “Tây Mỗ sắp mất chữ làng rồi, anh ạ”.
Theo như lời ông Giang thì toàn xã Tây Mỗ có khoảng 300ha đất sản xuất nông nghiệp, đến nay đã thu hồi gần 170ha, liên quan đến gần 2.000 hộ dân. Số diện tích còn lại cũng đã vào quy hoạch và tới đây, toàn bộ diện tích đất này sẽ phải thu hồi để nhường chỗ cho các dự án khu đô thị, trường học, văn phòng... Vậy là chẳng bao lâu nữa, cây lúa sẽ bị xóa sổ khỏi đất này.
Ai là người giữ làng?
Trong cơn lốc đô thị hóa đang rầm rập về làng thì vẫn còn có những người chậm rãi, kiên định gìn giữ nét xưa. Trong căn nhà cổ có đến hàng trăm năm tuổi, ông Nguyễn Văn Ninh, 64 tuổi kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm của tuổi thơ ông đã gắn bó với căn nhà, với ngôi làng Tây Mỗ này. Sinh sống tại căn nhà này, tính đến ông Ninh đã là đời thứ 5, tính đến đời cháu ông là đời thứ 7.
Đã có vô số những tay trọc phú khắp nước đánh ôtô xuống “gạ” ông bán nhà với cái giá ngất ngưởng nhưng đều bị ông thẳng thừng khước từ. Ông tỉ mỉ chỉ cho chúng tôi xem trên những cây cột, hoành nhà rất nhiều câu đối, nét vẽ, chạm khắc tinh xảo đến từng chi tiết. Từ vườn cây xanh mướt mát tới giếng cổ bao năm rêu phong cổ kính có lẽ là thứ di sản rất riêng của gia đình ông.
Ngôi nhà cổ của bà Yên liệu giữ được bao lâu trước cơn lốc đô thị hóa? |
Trước đây, ông Ninh làm ở Bộ Giao thông Vận tải, trong thời kỳ bao cấp điều kiện kinh tế gia đình ông ở thủ đô chẳng khá giả gì nhưng ông vẫn không hề nghĩ tới bán căn nhà ở quê, bởi theo suy nghĩ của ông, đó là những gì còn lưu giữ lại của dòng họ, tổ tiên. Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, con cái đã thành đạt, lấy vợ, lấy chồng ra ở riêng hết ông bà trở về sum vầy đầm ấm trong căn nhà gỗ ngói vảy cũ kỹ này bên cạnh bà con dân làng mộc mạc, chân thành. Đó là niềm tự hào của gia đình ông mà không phải ai cũng có.
Rời nhà ông Trần Đăng Ninh, chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Yên, chủ ngôi nhà cổ được coi là “nhà Hollywood” của “làng Hollywood bởi nhà bà là nơi tập trung thường xuyên nhất các đoàn làm phim về lấy bối cảnh. Bà Yên tuy là dâu làng Mỗ nhưng cũng gắn bó với ngôi làng này hơn 40 năm nay, kể từ ngày bà rời xa xứ Đoài quê mẹ theo chồng.
Nhìn người phụ nữ đã ở tuổi lục tuần nhưng vẫn phảng phất nhan sắc, tôi ngờ ngợ đã gặp bà ở đâu đó. Khi trò chuyện, mới biết rằng bà đã là “diễn viên quần chúng” cho hàng chục bộ phim truyền hình. Trong số những diễn viên quần chúng quen thuộc của các đoàn phim về quay tại làng, bà Yên là người có nhiều “duyên nợ” nhất. Cứ đến Nhà Văn hóa thôn Lò hỏi thăm nhà bà thì ai cũng biết. Bởi không chỉ làm “diễn viên”, bà Yên còn đảm đương vai trò… cấp dưỡng cho các đoàn từ nhiều năm nay.
Theo bà Yên thì không như ở những nơi khác, mỗi khi có diễn viên về quay phim chen nhau để nhìn “người nổi tiếng” thì ở làng Tây Mỗ này, sự xuất hiện của các đoàn làm phim đã quá đỗi quen thuộc. Không những thế, không ít người ở làng còn được trực tiếp tham gia vào làm diễn viên quần chúng cho các bộ phim. Nói rồi, như sực nhớ ra, bà Yên tỏ vẻ tiếc nuối: “Giờ làng thay đổi nhiều rồi, nhà cổ bị phá gần hết rồi, anh chị nhìn mà xem, “hồn làng Mỗ” bây giờ chẳng khác gì một chiếc áo cũ, được vá chằng, vá đụp bởi những mảnh vải mới, trông mà tức mắt. Vài ba năm nữa, cái tên “làng Hollywood” chắc chỉ còn là ký ức trên những thước phim mà thôi…”.
Bên ấm trà nóng, tôi chợt hỏi ông Ninh: “Đô thị hóa là xu hướng chung của cả đất nước, đô thị hóa là biểu hiện của cuộc sống dân làng ta đang giàu có lên, đầy đủ hơn, khang trang hơn. Tại sao bác vẫn buồn? Nếu cuộc sống vẫn là cuộc sống cũ, kinh tế dậm chân tại chỗ, người nông dân vẫn vất vả một nắng hai sương thì chẳng đáng buồn hơn sao?”. Ông Ninh trả lời ngay: “Không, tôi không buồn mà chỉ tiếc, chú ạ. Đô thị hóa là điều đương nhiên, nhưng nó sẽ làm mai một truyền thống tồn tại hàng ngàn năm, vốn là hồn cốt của làng quê. Với tốc độ đô thị hóa ghê gớm như hiện nay thì chỉ trong vài năm tới, Tây Mỗ liệu còn lại bao nhiêu nhà cổ, còn đâu những ao làng, bờ rào, bờ giậu của một vùng nông thôn truyền thống? Chắc khó mà giữ được. Tôi không tiếc bởi những đoàn đoàn làm phim không lui tới đây nữa mà tiếc rằng, khi làng lên phố thì những thế hệ hậu sinh có còn thờ phụng hạt gạo? Mà không phải đâu xa, đất nông nghiệp bị thu hồi sạch rồi, xôi rước của làng sẽ chẳng còn là hạt gạo do chính tay người làng nắng mưa vất vả làm ra nữa. Điều ấy có đáng tiếc không?”.
Những câu hỏi của ông Ninh thật khó trả lời thỏa đáng. Làng Tây Mỗ hay rất nhiều ngôi làng cổ khác ở khắp miền đất nước đang hàng ngày, hàng giờ bị xóa tên. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa hay nói một cách mĩ miều là “thay da đổi thịt” làng quê là việc đương nhiên nên làm và phải làm. Rõ ràng, nó khác hẳn với việc đô thị hóa cả truyền thống văn hiến ngàn đời. Nhưng, để tách bạch được hai vấn đề này ra không phải là dễ. Phải chăng, đó là cái giá phải cho một quá trình phát triển và trách nhiệm của chúng ta làm cho cái giá phải trả là ít nhất?
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet