Một số doanh nghiệp bất động sản bất ngờ báo lỗ
Trong khi nhiều ông lớn bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục trong năm 2017 thì vẫn có không ít doanh nghiệp tiếp tục chìm trong khó khăn, thậm chí thua lỗ kéo dài.
Kết quả kinh doanh năm 2017 của các doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, trong khi 59 doanh nghiệp đạt tổng doanh thu 155.093 tỷ đồng với mức tăng trưởng gần 39% thì cũng có tới hàng chục doanh nghiệp thua lỗ, với dư nợ vay và hàng tồn kho ở mức cao.
Bê bết nhất trong ngành bất động sản niêm yết 2017 chính là PVL, doanh nghiệp vừa đổi tên từ Địa ốc dầu khí sang Đầu tư Nhà đất Việt. Nếu trong năm 2016, doanh thu của PVL chỉ đạt 270 triệu thì năm 2017, tình hình có vẻ khả quan hơn khi đạt gần 549 tỷ đồng, con số cao nhất của PVL nếu tính từ năm 2008.
Tuy nhiên, điều đáng nói là PVL chỉ có doanh thu khởi sắc. Bởi giá vốn của doanh nghiệp lên đến 633 tỷ đồng, nghĩa là công ty lỗ gộp gần 85 tỷ đồng. Tổng kết lại, năm 2017, PVL lỗ ròng tổng cộng 146 tỷ đồng. Theo đó, sở dĩ năm 2017 PVL thua lỗ nặng là do hạch toán lỗ các căn hộ đã được bàn giao của hai dự án quận 2 và Linh Tây, đồng thời trích lập lợi thế thương mại.
Sudico nằm trong danh sách các doanh nghiệp bất động sản giảm lợi nhuận trong năm 2017
Dù đạt doanh thu thuần khoảng 232,5 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ nhưng do gánh nặng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp nên Công ty CP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) cũng lỗ ròng tới 479 tỷ đồng, bết bát hơn năm năm 2016 (báo lãi 2,4 tỷ đồng).
Tính đến thời điểm 31/12/2017 vừa qua, tài sản ngắn hạn của NVT chỉ còn chưa tới 74 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ con số này là 368 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp này chỉ còn 534,8 tỷ đồng, tức giảm quá nửa so với đầu kỳ, lỗ lũy kế tăng lên mức 689 tỷ đồng.
Nhìn chung các doanh nghiệp bất động sản ngành dầu khí vừa trải qua một năm kinh doanh khá khó khăn. Trong đó, có không ít doanh nghiệp thua lỗ triền miền. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng dầu khí lỗ 36 tỷ đồng (năm 2016 lỗ 26 tỷ đồng). Như vậy, 2017 là năm thứ 6 liên tiếp, công ty này bị lỗ thuần.
Công ty CP Dầu khí Nghệ An cũng báo lỗ 10 tỷ đồng (năm 2016 lỗ 20 tỷ đồng). Cùng họ dầu khí còn một số doanh nghiệp bất động sản niêm yết khác cũng báo lỗ như IDJ, SDA, BII…
Tuy không thua lỗ nhưng năm 2017 cũng có nhiều công ty có lợi nhuận sụt giảm mạnh so với năm 2016. Tiêu biểu là ICG với lãi giảm tới 93% xuống chỉ còn 385 triệu đồng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, ICG sụt giảm lợi nhuận. Một doanh nghiệp khác là MCG cũng có doanh thu và lợi nhuận đạt thấp nhất trong 4 năm gần đây với mức giảm dần đều qua các năm.
Đáng chú ý, ông lớn Sudico cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp giảm lợi nhuận với doanh thu âm 22 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ghi nhận giảm doanh thu gần 66 tỷ đồng của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị Nam An Khánh.
Khi dự báo về thị trường năm 2018, Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) đánh giá cao khả năng phục hồi, tăng trưởng tích cực và phát triển ổn định của thị trường. Cơ quan này cũng dự báo các phân khúc thị trường và sản phẩm bất động sản trong năm 2018 sẽ có sự tái cơ cấu lại hợp lý hơn hơn.
Tuy nhiên HoREA cũng không loại trừ khả năng thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về quan hệ cung - cầu. Bên cạnh đó là những khó khăn về tiếp cận quỹ đất đầu tư; thủ tục hành chính; thiếu vốn. Tuy nhiên trước mắt sẽ là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng do động thái siết tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước.
“Áp lực này cũng sẽ là động lực buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các giải pháp phù hợp để vượt qua, vươn lên để phát triển bền vững, thích ứng với môi trường kinh doanh hoàn toàn mới”, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA khẳng định.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet