Thực trạng lợi nhuận điều hành dự án, dự án điều hành quy hoạch?
Dù sinh sống tại khu đô thị (KĐT) được gọi là kiểu mẫu nhưng nhiều người mua nhà tại bán đảo Linh Đàm đang cảm thấy ngán ngẩm trước tình trạng chung cư xuống cấp, hỏng hóc thang máy, tắc đường, lấn chiếm vỉa hè… thường xuyên xảy ra.
Tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra tại KĐT Linh Đàm
KĐT kiểu mẫu chỉ đúng với thời điểm chục năm về trước với nhiều cây xanh nhiều, hồ nước. Nhưng mật độ dân số đã tăng chóng mặt do chung cư mọc lên quá nhiều, mà đường sá vẫn vậy. Bởi thế, tình trạng tắc đường liên miên xảy ra tại khu vực này.
Riêng tổ hợp nhà ở Linh Đàm đã có tới 12 tòa nhà cao 40 tầng. Cách đó chỉ vài trăm mét là gần chục cao ốc tại KĐT Kim Văn - Kim Lũ và hàng chục cao ốc khác chạy dọc đường Vành đai 3 thuộc phường Hạ Đình, sông Kim Giang thuộc phường Đại Kim. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại KĐT Nam Trung Yên rồi KĐT Xa La, Mỗ Lao (Hà Đông)…
Đáng nói, việc quảng cáo, mua bán căn hộ chung cư trước khi các dự án hoàn thành diễn ra vô cùng sôi động. Và cho đến nay, sự sôi động vẫn còn nguyên nhưng là do người dân muốn chuyển nhượng để “chạy” sang dự án khác tốt hơn.
Theo quy định, các KĐT mới phải quy hoạch không gian công cộng. Nhưng trên thực tế, các chủ đầu tư bỏ quên xây dựng không gian công cộng mà chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận, tăng hệ số sử dụng.
Trước hiện trạng nhiều diện tích mặt hồ bị san lấp, biến thành KĐT nhưng thiếu cây xanh, Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), ông Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, đó là thiếu sót của các nhà đầu tư. Nhà nước giao cho nhà đầu tư vừa xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, vừa trồng mảng xanh.
Thời gian qua, tại nhiều KĐT xây dựng với mục đích kinh doanh, họ hoàn thiện trước phòng ở, hệ thống giao thông, điện nước… còn những vấn đề khác như mảng xanh được làm từng bước.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Liêm cho biết: “Thực tế ở Hà Nội có hiện tượng dự án điều hành quy hoạch, chứ không phải quy hoạch điều hành dự án. Và thực chất là lợi nhuận điều hành dự án. Như vậy thì chỉ tăng áp lực cho giao thông, còn người dân thì lãnh đủ”.
TS. Phạm Sỹ Liêm cũng chỉ ra, khi có quy hoạch, các công trình đã trở nên hài hòa, nhưng nếu một dự án cao tầng khác “chen” vào, buộc điều chỉnh quy hoạch thì coi như việc quy hoạch chung trước đó bị phá vỡ.
TP. Hà Nội đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ di dời các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế tại các quận nội đô theo định hướng quy hoạch chung nhằm tạo động lực phát triển các khu vực ngoài đô thị trung tâm (đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái...) tạo quỹ đất phục vụ đầu tư bổ sung các công trình xã hội còn thiếu, đồng thời giảm sức hút đối với lao động, dân cư ngoại thành, ngoại tỉnh.
Tuy nhiên, đến nay kết quả di dời còn hạn chế. Cần nhiều hơn nữa những giải pháp cụ thể, hiệu quả của thành phố để tránh tình trạng xây dựng ồ ạt, một tuyến phố ngắn có tới hàng chục tòa cao ốc mọc lên, tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, khiến các tuyến phố bị tắc nghẽn. Đó là điều đông đảo người dân chờ đợi.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet