Có nhiều nguyên nhân, song cơ bản nhất vẫn là từ trách nhiệm của các bên liên quan: chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp và các đơn vị tư vấn. Với góc nhìn của một nhà tư vấn địa phương, tôi xin được nêu ý kiến về giải pháp có thể tiếp cận để góp phần giải quyết tồn tại đó, đồng thời cũng là một mô hình hoạt động cho tư vấn xây dựng.

Hiện nay, các mô hình triển khai thực hiện dự án ở Việt Nam là: thiết kế - đấu thầu - thi công (TK-ĐT-TC), thiết kế - tổng thầu xây lắp (TK-TT), tổng thầu EPC, BT, BOT. Nhìn chung, các mô hình này đều hiện đại, đều đã và đang được áp dụng ở các nước phát triển. Tuy nhiên trong khi ở nước ngoài mỗi loại mô hình được áp dụng linh hoạt tùy theo quy mô và loại dự án thì ở trong nước hầu như ta chỉ áp dụng phổ biến mô hình đầu tiên là TK-ĐT-TC, vốn có nhiều nhược điểm. Cụ thể phân tích như sau đây:

Mô hình TK-ĐT-TC là mô hình thực hiện dự án mà thực chất do chủ đầu tư trực tiếp quản lý. Khi dự án đầu tư đã được duyệt, chủ đầu tư thuê tư vấn thiết kế tiến hành thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công. Sau đó tổ chức đấu thầu chọn các nhà thầu thi công và cuối cùng là cho triển khai thi công xây lắp công trình. Ở mô hình này vai trò của các nhà tư vấn thiết kế, quản lý dự án, giám sát là độc lập với nhau và với cả các nhà thầu xây lắp vì họ đều do chủ đầu tư thuê và chỉ làm việc với chủ đầu tư. Đó là chưa nói đến những bất cập trong đấu thầu của chủ đầu tư hiện nay. Mô hình này hiện đang phổ biến nhất ở nước ta; còn ở các nước ASEAN từ trước những năm 1960 cũng phổ biến nhưng sau đó giảm hẳn và đến nay hầu như không áp dụng.

* Ưu điểm của mô hình này:

+ Chủ đầu tư theo dõi và chỉ đạo sát sao tiến trình dự án.

+ Vai trò các bên tham gia dự án hoàn toàn độc lập.

* Nhược điểm:

+ Chủ đầu tư phải tham gia sâu vào dự án và quyết định những vấn đề đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn xây dựng hay thiết bị.

+ Các nhà tư vấn và nhà thầu ký hợp đồng với chủ đầu tư nên chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi hoạt động theo hợp đồng của mình với chủ đầu tư.

+ Khả năng nối kết, hợp tác giữa các bên tư vấn và xây lắp rất thấp.

Các nhược điểm của mô hình này là nguyên nhân chính làm hầu hết các dự án xây dựng hiện nay ở Việt Nam bị chậm tiến độ, kéo dài, đặc biệt là các dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Lý do là hễ có xảy ra bất kỳ một trục trặc nào thì đều xử lý rất chậm, do phải chờ chủ đầu tư quyết định, trong khi chủ đầu tư không có năng lực chuyên môn, mà trục trặc lại là chuyện thường ngày trong xây dựng. Cho dù chủ đầu tư có thuê tư vấn quản lý dự án thì đơn vị này chỉ có thể đóng vai trò trung gian giữa chủ đầu tư và các nhà thầu khác chứ không đóng vai trò quyết định xử lý vụ việc. Chính vì nhược điểm này mà ở các nước ASEAN mô hình này không còn phổ biến từ những năm 1960.
 

Mô hình quan hệ lòng vòng giữa chủ đầu tư và các bên tư vấn xây dựng
khi dự án tiến hành theo mô hình TK-ĐT-TC


Trong mô hình TK-TT, sau khi có thiết kế bản vẽ thi công, chủ đầu tư giao toàn bộ công việc còn lại cho nhà thầu chính. Như vậy nhà thầu chính sẽ trực tiếp quản lý thực hiện dự án bao gồm việc đấu thầu chọn các nhà thầu phụ, tư vấn giám sát, quản lý quá trình thi công xây lắp… Mô hình này phổ biến ở các nước ASEAN trong thời kỳ 1960 – 1980 khi thay thế dần cho mô hình TK-ĐT-TC. Ưu điểm lớn nhất của nó là quy được toàn bộ trách nhiệm thi công, điều hành dự án cho một bên có chuyên môn – nhà thầu chính, do đó cải thiện được tình trạng chậm tiến độ thi công công trình. Trong trường hợp này, trừ bên thiết kế do chủ đầu tư thuê, còn các nhà tư vấn khác do nhà thầu chính thuê và chịu trách nhiệm cùng nhà thầu chính.

* Ưu điểm:

+ Chủ đầu tư vẫn theo dõi tiến trình dự án nhưng không phải tham gia quyết định những vấn đề cụ thể về kinh tế kỹ thuật.

+ Trách nhiệm điều hành dự án tập trung vào một bên là nhà thầu chính nên thuận lợi hơn trong việc bảo đảm chi phí và tiến độ của dự án .

+ Khả năng hợp tác của các bên cao hơn nên giải quyết công việc nhanh chóng.

* Nhược điểm:

+ Tư vấn thiết kế đứng ngoài mối liên kết với nhà thầu chính nên khả năng hợp tác vẫn chưa hoàn toàn.

+ Do thiết kế có sẵn nên nhà thầu chính không chủ động về giải pháp kỹ thuật và biện pháp thi công; tính năng động, sáng tạo của nhà thầu chính bị hạn chế.

 

 

 

 

Mô hình quan hệ giữa chủ đầu tư và các bên tư vấn xây dựng
khi dự án tiến hành theo phương thức EPC


Mô hình thực hiện dự án EPC gần như TK-TT nhưng chủ đầu tư chỉ cần chuẩn bị hồ sơ thiết kế cơ sở hay thiết kế kỹ thuật là đủ. Do vậy, mô hình này giải quyết được những nhược điểm của mô hình trên. Từ những năm 1980 các nước tiên tiến thế giới sử dụng phổ biến mô hình EPC để triển khai thực hiện dự án. Từ đầu thế kỷ 21, Bộ Xây dựng cũng đã xây dựng các qui định về mô hình EPC. Tuy nhiên cho đến nay nó vẫn ít được phổ biến ở Việt Nam.

Còn mô hình BT giống như EPC nhưng nhà thầu tổng thầu bỏ vốn ra thi công xây lắp theo yêu cầu của hồ sơ thiết kế cơ sở. Xây dựng xong thì chuyển giao công trình cho chủ đầu tư. Mô hình BOT thì khi xây dựng xong nhà thầu trực tiếp vận hành một thời gian, có thể thu hồi một phần hoặc toàn bộ vốn, sau đó chuyển giao công trình cho chủ đầu tư. Từ các mô hình trên có thể hiểu ở góc độ nào đó là nhà thầu cũng là chủ đầu tư, do vậy chi phí xây dựng công trình càng cao và tiến độ càng chậm thì nhà thầu càng bị thiệt. Điều này kích thích nhà thầu phải chọn phương án tối ưu cho thiết kế bản vẽ thi công và đẩy nhanh tiến độ. Ở Việt Nam có một số dự án nhà nước được triển khai theo các mô hình này nhưng tỷ lệ còn rất thấp so với số lượng các dự án không theo mô hình này.

Qua phân tích trên, có thể thấy không nên áp dụng mô hình TK-ĐT-TC ở Việt Nam, trừ vài trường hợp hết sức đặc biệt như dự án trùng tu công trình cổ hay nhà máy điện hạt nhân chẳng hạn. Mô hình TK-TT cũng nên hạn chế mà chỉ nên phổ biến mô hình EPC, BT… Chắc chắn rằng làm như vậy thì tình trạng thi công chậm tiến độ ở ta sẽ được giải quyết, góp phần bảo đảm cho kinh tế phát triển.

Một vấn đề nữa cần bàn là ai sẽ được chủ đầu tư giao giữ vai trò chính trong mô hình EPC. Theo quy định hiện hành thì nhà thầu tổng thầu, hay nhà thầu EPC, phải trực tiếp thi công phần lớn khối lượng xây lắp. Tức là chỉ có đơn vị thi công xây lắp mới có thể làm tổng thầu EPC. Điều này khác với thông lệ quốc tế khi nhà thầu chính (main contractor) có thể không trực tiếp thi công mà chỉ quản lý các nhà thầu phụ thi công xây lắp toàn bộ công trình.

Các công ty xây dựng nước ngoài đến Việt Nam, được trúng thầu làm thầu chính nhiều dự án lớn như Deawoo, Samsung (Korea) Transfield, Leighton (Australia) Taisei, Nippon (Japan)… đều thuê thầu phụ Việt Nam thực hiện dự án, bản thân các công ty nước ngoài đó chỉ sử dụng số nhỏ nhân sự của mình làm công tác quản lý điều hành. Căn cứ hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, nhà thầu chính tổ chức thuê thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, chọn các thầu phụ xây lắp và cung cấp thiết bị công trình, sau đó họ điều hành các thầu phụ triển khai thực hiện dự án. Như vậy, tuy mang danh là nhà thầu chính nhưng thực tế họ hoạt động như một tư vấn quản lý dự án trong giai đoạn xây dựng. Vậy nếu một đơn vị tư vấn Việt Nam, chỉ cần đăng ký thêm chức năng thi công, thì có thể đứng ra làm thầu chính mà không cần tăng thêm công nhân hay thiết bị xây lắp? Liệu có thể cho phép một công ty tư vấn đứng ra làm tổng thầu triển khai dự án? Thiết nghĩ đây là mô hình chúng ta cần nghiên cứu. Để thực hiện mô hình này, chỉ cần có những yêu cầu như sau:

+ Về phía chủ đầu tư: sau khi có dự án đầu tư được duyệt và giấy phép xây dựng, chủ đầu tư lựa chọn và ký kết hợp đồng giao thầu cho đơn vị tư vấn có đủ năng lực theo quy định. Quá trình thanh toán có thể từng bước theo giai đoạn nghiệm thu. Chủ đầu tư không cần tham gia quá trình thi công mà chỉ cần sử dụng người hoặc phòng chuyên môn theo dõi và tham gia nghiệm thu giai đoạn thi công, phục vụ cho việc thanh quyết toán. Ở đây vai trò chủ đầu tư giống như trường hợp dự án “chìa khóa trao tay”. Trường hợp cần thiết, chủ đầu tư có thể yêu cầu phía tư vấn bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Vấn đề của chủ đầu tư là chấp nhận mô hình này và chọn đơn vị tư vấn phù hợp.

+ Về phía đơn vị tư vấn: Đơn vị tư vấn đứng ra tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế, giám sát, xây lắp… rồi điều hành bài bản, đúng quy định, sao cho dự án thành công. Vấn đề của đơn vị tư vấn là phải đủ năng lực, kinh nghiệm điều hành triển khai thực hiện dự án và phải chấp nhận bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Nếu cần, đăng ký thêm chức năng hành nghề xây lắp.

+ Về phía Nhà nước: Cần có quy định cho chủ đầu tư và tư vấn hoạt động theo mô hình này. Thực ra chỉ cần Nhà nước cho phép nhà thầu chính không phải là đơn vị trực tiếp thi công công trình.

Hoàng Đôn Dũng (CE, ME)

 

 

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME