Còn nhiều bất cập trong bảo vệ thương hiệu bất động sản

Sáng 21/8, báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức chương trình cà phê doanh nhân với chủ đề “Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản”. Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest chia sẻ câu chuyện gần đây nhất về sự vi phạm bản quyền thương hiệu xảy ra với chính công ty mình. “Cách đây 1 tháng, chúng tôi nhìn thấy tờ phướn rao bán căn hộ một dự án ở Trường Chinh nhưng lại dùng hình ảnh của Tràng An Complex - một dự án do chúng tôi đầu tư ở Nghĩa Đô (Cầu Giấy). Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết công ty môi giới đã tự ý sử dụng hình ảnh để quảng cáo sản phẩm. Rõ ràng đây là sự ăn cắp hình ảnh, là hành vi đánh lừa người tiêu dùng”.

Ông Hiệp cho biết sự vi phạm này đến nay chưa có cơ quan nào xử lý. Phía bên ông đã có động thái yêu cầu công ty môi giới đó gỡ bỏ hình ảnh dự án Tràng An Complex bị sử dụng trái phép ở các trang online.

thương hiệu bất động sản
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest chia sẻ
về câu chuyện vi phạm thương hiệu xảy ra với công ty mình

Trong khi đó, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng Giám đốc Eurowindow cho biết bản thân thương hiệu Eurowindow cũng bị nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất khác “mượn” thương hiệu bằng cách sử dụng từ Euro trong phát triển sản phẩm. “Họ lấy tên gọi của chúng tôi, chỉ thêm các từ viết tắt khác hoặc sử dụng hình ảnh khác. Điều này cũng dẫn đến sự nhầm lẫn về thương hiệu của doanh nghiệp”, ông Hồng chia sẻ.

Dù Luật sở hữu trí tuệ đã ra đời hơn 10 năm nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều bất cập trong việc bảo vệ thương hiệu. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiện nay chưa có một văn bản pháp lý nào đề cập đến việc nhà nước bảo vệ thương hiệu. Các văn bản mới chỉ xoay quanh vấn đề các đối tượng được quyền sở hữu trí tuệ từ sáng chế, bí quyết thương mại, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý đến nhãn hiệu… Ông Bình nhấn mạnh, riêng ở nước ngoài, các nhãn hiệu đã được bảo hộ và bản thân các thương hiệu của họ rất khó để đánh cắp nhưng Việt Nam lại chưa làm được điều này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud cho biết, một hạn chế hiện nay trong việc đăng ký kinh doanh là luật mới chỉ cho đăng ký bằng tên và địa chỉ. Trong khi đó, những yếu tố quan trọng khác như hình ảnh, logo, slogan của doanh nghiệp thì chưa được đăng kí. “Theo tôi, nên bổ sung những yếu tố này vào thủ tục đăng kí thành lập doanh nghiệp”, ông Đính đề xuất.

Doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu bất động sản như thế nào?

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Le Invest (Holdings) Corporation cho rằng những lùm xùm quanh vấn đề tranh chấp, nhầm lẫn thương hiệu đều rơi vào các thương hiệu không có tính biểu trưng cao, không có tính đặc thù và được bảo vệ một cách bài bản. Ông Vinh chia sẻ: “Người ta có cơ hội lấy hình ảnh, tên gọi của anh vì hình ảnh, tên gọi của anh chưa nổi tiếng đến mức công chúng có thể nhận ra. Vấn đề này còn cho thấy các chiến dịch truyền thông cho thương hiệu đó chưa tốt, chưa đủ mạnh nên chưa đạt được hiệu quả”.

vi phạm nhãn hiệu bất động sản
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Le Invest (Holdings) Corporation cho rằng
vấn đề tranh chấp, nhầm lẫn thương hiệu đều rơi vào các thương hiệu không có tính biểu trưng cao

Để tránh bị trùng hoặc bị “ăn cắp” nhãn hiệu, ông Vinh đưa ra 3 cách đặt tên thương hiệu. Cách thứ nhất là đặt tên chung không liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực đang kinh doanh. Rất nhiều ông lớn trong công nghệ như Apple đang vận dụng cách làm này. Cách thứ hai là sử dụng những từ vô nghĩa ghép thành một từ vô nghĩa. Và cuối cùng là lấy tên theo công ty mẹ đã được bảo hộ. Vingroup của Việt Nam là minh chứng tiêu biểu cho cách thứ 3.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Reeco Sông Hồng cho rằng, một điều đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu nên vẫn lơ đãng, thờ ơ với quyền lợi chính đáng của mình trong vấn đề này. Ngoài sự bảo vệ của cơ quan nhà nước, pháp luật thì trước hết doanh nghiệp bất động sản phải tự bảo vệ mình một cách kiên quyết. Việc lơ đãng kéo dài thì chính doanh nghiệp tự gây thiệt hại cho mình, không tự bảo vệ được mình. Ông Điệp nhấn mạnh: “Các dự án bất động sản không được bảo vệ hay bảo vệ dễ dãi sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh bất động sản”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SLAW chia sẻ, nếu doanh nghiệp phát hiện ra trường hợp doanh nghiệp khác vi phạm thương hiệu của mình thì việc cần làm là chụp lại bằng chứng, gửi giám định vi phạm đó. Trên cơ sở kết quả giám định, các văn phòng luật sư được thuê bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp bị xâm phạm sẽ gửi thư cảnh báo doanh nghiệp vi phạm, yêu cầu phải cải chính công khai và xin lỗi trong một khoảng thời gian nhất định. Trong trường hợp, doanh nghiệp xâm phạm không cải chính công khai thì sẽ đưa ra toà để xử lý.

Bình Nguyên

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME