Hậu giải tỏa, di dời: 1.001 chuyện... muốn khóc - bài 2: Bỗng dưng... mắc nợ
Chờ có nhà tái định cư đã khổ, nhưng được tái định cư rồi cũng chưa hết vấn nạn. Thực tế cho thấy nhiều hộ dân đang kêu trời bởi nơi ở mới có chất lượng xây dựng kém, nhanh xuống cấp, hư cái này hỏng cái nọ… Đó là chưa kể một số hộ sau khi được tái định cư lại mang thêm gánh nặng trả góp tiền mua căn hộ, nền đất.
Chung cư Bình Trưng Đông (Q.2, TP.HCM) bị người dân phản ảnh xuống cấp và chật chội -Ảnh: Chí Quốc |
Khi mua nhà tái định cư, bà Lâm Thị Quỳnh Liên (nhà số 5004, lô H) trả cho công ty 30% số tiền mua nhà, số còn lại trả trong vòng 10 năm. Nay mới trả được 3-4 năm nhưng nhà của bà Liên phải sửa chữa chống thấm, chống dột 2-3 lần. Đó cũng là tình trạng chung của những căn hộ tái định cư tại chung cư Bình Trưng Đông (Q.2, TP.HCM).
Nhà mới ở đã xuống cấp
Cũng ở chung cư Bình Trưng Đông, căn nhà tầng 1 lô G của chị Quảng Thị Hoa mới ở được vài hôm thì bị kẹt khóa, phải dùng dao để phá khóa. Còn thiết bị nhà vệ sinh của căn hộ số 412 lô G cũng làm rất tạm bợ: bồn rửa mặt “lung lay như răng sắp rụng”, khóa nước cứ nhỏ từng giọt từng giọt suốt ngày. Báo với ban quản lý thì phải chờ người khảo sát mới sửa, chủ nhà phải tự bỏ tiền ra thay.
Toàn bộ chung cư Bình Trưng Đông không có nhà để xe và chỗ phơi áo quần. Hầu hết chân cầu thang của các lô chung cư đều được bố trí thành chỗ để xe cho những hộ ở tầng cao. Những hộ ở tầng trên phơi áo quần ra hành lang, còn hộ tầng dưới đem ra sân chung cư phơi. Chị Nguyễn Thị Kim Lành, nhà số F004, đem cả bếp ra hành lang nấu ăn do trong nhà rất chật và tối.
Theo ông Trần Văn Hoàng - nhân viên tổ quản lý nhà của Công ty Quản lý và phát triển nhà quận 2 (chủ đầu tư dự án), gần như người dân ở đây thường xuyên gửi đơn xin bảo hành nhà. Mỗi lần nhận đơn xin sửa chữa nhà của người dân, ông Hoàng đều báo cáo về tổ quản lý nhà. Được vài chục đơn công ty mới cử người đến khảo sát độ hư hỏng và lên phương án sửa chữa. “Tôi chỉ báo lên tổ quản lý nhà, còn người sửa chữa và chất lượng sửa thì không nắm được” - ông Hoàng nói.
Nỗi khổ mua nhà trả góp
Bà Tô Thị Nhàn - được tái định cư tại chung cư Hiệp Bình Chánh (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) - cho biết bà luôn lo lắng với số tiền nợ mua căn hộ đang ở. Theo hợp đồng, căn hộ khoảng 53m2 có giá hơn 64 triệu đồng, lần đầu trả hơn 24 triệu đồng, số còn lại trả góp bằng vàng trong mười năm.
Bình quân mỗi tháng bà phải trả 0,75 chỉ vàng SJC, cộng 1% chi phí điều hành thu nợ, thời điểm này giá vàng là 448.000 đồng/chỉ. Sau gần chín năm trả nợ, đến nay bà Nhàn vẫn còn nợ hơn 45 triệu đồng. Bà than thở: với tình cảnh hiện nay rất khó có khả năng trả nốt số tiền còn lại vì không thể mưu sinh kiếm tiền như trước, “còn trong trường hợp bên bán xiết quá có lẽ phải bán nhà để trả”.
Thực tế khác lý thuyết Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Tấn Bền cho biết từ năm 1998 đến nay TP.HCM thực hiện khoảng 904 dự án, khoảng 142.000 hộ dân ảnh hưởng, trong đó có yêu cầu tái định cư 30.000 hộ. Ông Bền nhìn nhận lý thuyết là bố trí dân làm sao có chỗ ở mới tốt hơn, làm ăn thuận tiện hơn chỗ cũ, nhưng thực tế có nhiều khu tái định cư chất lượng rất thấp. Có những khu tái định cư hạ tầng làm rất lôm côm, dùng điện tạm... Ông Bền cam kết đến 31-12-2008 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng tạm cư kéo dài. Q.T. |
Chị Quảng Thị Hoa bị giải tỏa ở dự án đại lộ đông - tây được bố trí tái định cư tại một căn hộ tầng trệt thuộc chung cư Bình Trưng Đông với phương thức trả chậm trong vòng 10 năm, mỗi năm góp gần 20 triệu đồng. Trước kia chị Hoa ở Q.5, đi phụ bán hàng, con trai đi làm cũng đủ sống. Khi tái định cư về khu vực này quá xa nên chị nghỉ làm ở chỗ cũ, nơi ở mới lại quá vắng vẻ nên không buôn bán gì được. Do không có tiền trả, sau khi nhận nhà chị phải bán nhà trệt lấy tiền một lần, đóng hết tiền mua nhà cho công ty, còn dư chút ít mua lại được căn hộ tầng 1 để ở.
Mua nhà rồi cũng khổ bởi không được cấp chủ quyền. Theo Công ty Dịch vụ công ích quận 6, có hơn 300 hộ dân liên quan đến dự án đại lộ đông - tây trên địa bàn quận được tái định cư tại các chung cư Tân Hòa Đông, Kinh Dương Vương (quận 6), khu Lý Chiêu Hoàng, khu An Lạc (quận Bình Tân)… Trong đó có hộ được bố trí từ năm 2003, gần nhất cũng 2006. Đến nay nhiều hộ đã trả tiền xong mà vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền nhà đất.
Cụ thể, 96 hộ dân thuộc khu Lý Chiêu Hoàng (Q.Bình Tân) đã trả tiền mua nền đất xong. Công ty Dịch vụ công ích quận 6 cho biết theo quy định dân tái định cư trên địa bàn nào thì nơi đó cấp giấy chủ quyền. Cuối năm 2007, công ty bắt đầu làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho những hộ này.
Theo hướng dẫn của cơ quan chức năng quận, công ty chuyển hồ sơ cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân để đơn vị này chuyển cho Phòng Tài nguyên - môi trường quận cấp giấy. Tuy nhiên, sau đó Phòng Tài nguyên - môi trường lại nói Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận không liên quan đến việc cấp giấy nên trả hồ sơ lại. Trả tới trả lui gần một năm qua số hồ sơ trên vẫn còn nằm tại Công ty Dịch vụ công ích quận 6. Một cán bộ công ty bức xúc: “Mỗi lần sửa chữa hay yêu cầu bổ sung hồ sơ, tôi phải điện thoại liên lạc cả trăm người. Nay bìa hồ sơ muốn nhàu nát hết mà giấy chủ quyền vẫn chưa thấy đâu”.
Cái ăn lo hơn cái ở
Chị Lê Thị Thanh Thúy - một cư dân khu tái định cư Thạnh Mỹ Lợi (Q.2) - nói căn hộ tầng trệt 58m2 mà gia đình chị được bố trí tái định cư kiên cố, tốt hơn căn nhà sàn 120m2 bị giải tỏa ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, chị Thúy nói cả nhà hết thảy 12 người mà chia nhau 58m2 là quá chật chội. Nhưng điều trăn trở với gia đình chị Thúy là công ăn việc làm. Chị bảo vừa rồi UBND phường có thông báo làm thủ tục vay 30 triệu đồng, nhưng khi nghe chỉ một năm phải hoàn trả thì không dám vay. Trong nhà có hai người thất nghiệp, một số người có việc chỉ làm thời vụ, nếu vay không biết lấy tiền đâu trả.
Bà Trần Thị Ngọc - hộ dân ở chung cư Thạnh Mỹ Lợi - cho biết nhà cửa, đường sá ở chung cư này khang trang, tốt hơn chỗ cũ. “Nhưng hồi trước gia đình tôi sống nhờ sông nước ở khu Thủ Thiêm, bây giờ đưa lên cạn thì chịu chết” - bà Ngọc nói.
Đề cập đời sống người dân tái định cư, UBND P.Tân Thới Nhất (Q.12) nhận xét: “Sau tái định cư, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn hơn trước, đời sống tinh thần cũng bị ảnh hưởng”. Phần lớn người dân trước đây sản xuất nông nghiệp nên gặp khó khăn khi tìm việc làm. Theo UBND P.Tân Thới Nhất, một số hộ dân được nhận nền tái định cư nhưng không có khả năng đóng tiền chênh lệch để nhận nền và cũng không đủ khả năng xây nhà để ở nên phải bán nền tái định cư, cuộc sống tiếp tục gặp khó khăn.
Theo Tuổi Trẻ
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet