Kiên Giang: Tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư trên đảo Phú Quốc
Hiện nay, trong điều kiện lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao, việc đầu tư phát triển (ÐTPT) huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, vấn đề thiếu vốn đã ảnh hưởng đến một số công trình trọng điểm và tiến độ triển khai xây dựng các khu TĐC.
Nhiều dự án được triển khai
Theo đánh giá của Ban Quản lý Ðầu tư phát triển đảo Phú Quốc, thời gian qua, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ ÐTPT đảo tiếp tục được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm nên đạt được kết quả. Năng lực chỉ đạo, quản lý, tổ chức và phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ ÐTPT tiếp tục được nâng lên, có chất lượng và hiệu quả hơn.Trong đó, có việc chú trọng cải tiến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ðến cuối tháng 6 năm nay, số dự án được cấp phép đầu tư vào Phú Quốc là 75 dự án, với tổng vốn 48.187 tỷ đồng, có 49 dự án được cấp phép đầu tư trong các khu chức năng theo quy hoạch, 26 dự án đầu tư mở rộng hoặc ngoài các khu chức năng.
Tuy nhiên, trong số 49 dự án đã cấp chứng nhận đầu tư trong các khu chức năng chỉ có tám dự án đi vào hoạt động với diện tích (17,2 ha), vốn (888 tỷ đồng). 11 dự án đang triển khai xây dựng, các dự án còn lại đang tiếp tục triển khai, 180 dự án khác đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Tuy nhiên, việc ÐTPT đảo Phú Quốc hiện đang bộc lộ những bất cập. Theo đồng chí Văn Hà Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Quản lý ÐTPT đảo Phú Quốc, hiện các dự án du lịch đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đã ngốn gần hết quỹ đất quy hoạch cho du lịch - dân cư, chỉ còn quỹ đất dự trữ và một số vùng lõm nằm trong các dự án.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục xin chủ trương đầu tư hoặc đã có chủ trương nay xin mở rộng, trong khi các dự án hiện tại chưa hoặc triển khai rất chậm. Hiện tượng mua bán "chủ trương" đầu tư đã xuất hiện, vượt ngoài tầm kiểm soát của Ban Quản lý ÐTPT đảo Phú Quốc và chính quyền huyện. "Ðề nghị UBND tỉnh ra văn bản ngừng việc cho chủ trương đầu tư dự án mới, để tập trung chỉ đạo thúc đẩy triển khai các dự án đã có chủ trương đầu tư. Mặt khác, UBND tỉnh kịp thời xem xét, tiếp tục thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án do Ban Quản lý ÐTPT đảo Phú Quốc trình" - đồng chí Văn Hà Phong đề nghị.
Các công trình đang thiếu vốn
Một trong những vấn đề nan giải hiện nay cần tập trung tháo gỡ chính là nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ đầu tư vào các công trình giao thông trọng điểm. Phó Ban Quản lý ÐTPT đảo Phú Quốc Nguyễn Văn Sáu cho biết: Năm 2011, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ bố trí cho Phú Quốc là 230 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hết, không còn vốn để thanh toán và ứng cho nhà thầu để thi công tiếp. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng tăng cao, làm cho việc huy động vốn đầu tư vào Phú Quốc của đơn vị thi công, nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ của các công trình.Do không có vốn nên nhiều công trình phải tạm dừng thi công, hoặc phải kéo dài thời gian. Trong đó, có tuyến đường Cửa Lấp - An Thới, cầu Nguyễn Trung Trực dừng thi công từ đầu năm đến nay. Hiện hai dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển sang đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), đang tiến hành đàm phán để ký hợp đồng BT với nhà thầu thi công.
Tuyến đường An Thới - Dương Ðông dài 27 km thuộc dự án đường trục Bắc - Nam đảo cũng do thiếu vốn nên giá trị khối lượng thực hiện mới chỉ đạt 10,87% tổng mức đầu tư. Ðược biết, dự án này chỉ triển khai thi công một số đoạn trên phần đất không phải bồi thường giải tỏa. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho biết: Ðến cuối tháng 7/2011, tỉnh đang nợ các nhà thầu thi công đường giao thông trên địa bàn Phú Quốc khoảng 170 tỷ đồng.
Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, tỉnh sẽ không được tạm ứng trước vốn của năm tiếp theo. "Sang năm 2012, nếu Chính phủ phân bổ cho Phú Quốc khoảng 200 tỷ đồng xây dựng giao thông như năm nay thì chỉ đủ trả nợ cho nhà thầu khối lượng đã hoàn thành năm 2011, không có vốn để thi công tiếp" - đồng chí Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Dự án đầu tư nâng cấp hồ nước cộng với hệ thống cấp nước cho thị trấn Dương Ðông lên 16.500 m3/ngày có vốn đầu tư 12,8 triệu USD (từ nguồn vay ODA của Ngân hàng Thế giới khoảng 10,651 triệu USD (83%), vốn ngân sách đối ứng 2,222 triệu USD). Dự án dự kiến khởi công trong năm 2011 và hoàn thành năm 2015, nhưng đến nay chưa bố trí được vốn đối ứng năm 2011. Ðường ống cấp nước một số đoạn của dự án đi theo các tuyến đường giao thông cũng không thực hiện được do các dự án này chưa giải phóng được mặt bằng vì thiếu vốn bồi thường giải tỏa.
Khó khăn của các dự án tái định cư
Hiện Phú Quốc đã và đang triển khai đầu tư 11 khu tái định cư với diện tích 304,2 ha. Tuy nhiên, ngoài khu tái định cư 10,2 ha ở phía bắc sân bay Phú Quốc cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đã bố trí nền cho các hộ dân, thì các khu còn lại đang thi công rất ì ạch hoặc còn nằm trên giấy. Nguyên nhân không nằm ngoài việc thiếu vốn. Từ đó, kéo theo hàng loạt các dự án đầu tư vào Phú Quốc không thể thực hiện được.Ðể đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, Ban Quản lý ÐTPT đảo Phú Quốc đã kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang cho chủ trương tái định cư tại chỗ đối với một số dự án đầu tư tại các xã Hàm Ninh, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu, kế hoạch triển khai xây dựng từ nay đến năm 2015. Theo đồng chí Văn Hà Phong, trường hợp cần thiết có thể cho chủ dự án tự mở rộng thêm một phần diện tích đất hợp lý so với số hộ cần tái định cư. Chủ dự án sẽ được trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với phần chênh lệch thực tế giữa suất đầu tư với suất đất ở tái định cư do UBND tỉnh quy định và được miễn tiền sử dụng đất của phần diện tích khu đất tái định cư tại chỗ.
Ðối với khu tái định cư và dân cư 57 ha tại thị trấn Dương Ðông, do kinh phí bồi thường, hỗ trợ lớn (hơn 200 tỷ đồng), hiện không có vốn để triển khai đầu tư, đề nghị UBND tỉnh cho phép kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực để giao toàn bộ. Nhà đầu tư trả lại cho Nhà nước số lượng nền tái định cư theo quy hoạch hoặc nhà đầu tư ứng vốn thực hiện bồi thường, hỗ trợ và xây dựng kết cấu hạ tầng, sau đó Nhà nước trả tiền cho nhà đầu tư tương ứng bằng quỹ đất.
Ðối với các khu tái định cư: Suối Lớn (73 ha), An Thới (47 ha), Hàm Ninh (13 ha), Gành Dầu (11ha), Cửa Cạn (37 ha), Bãi Thơm (15 ha), Rạch Vẹm (35 ha), Ban Quản lý ÐTPT đảo Phú Quốc đề nghị cho điều chỉnh mỗi khu 30% diện tích để bố trí khu dân cư, thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường, nhằm tăng thu ngân sách để bù vào phần mất cân đối phần đầu tư kết cấu hạ tầng các khu tái định cư.
(Theo Nhandan)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet