Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: 3 khu vực phải tuân thủ quy hoạch
Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô. KKT này có quy mô 27.108ha, bao gồm thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thuỷ, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế.
Khu vực Lăng Cô sẽ chủ yếu xây dựng thấp tầng.
Theo quy hoạch, sẽ có 3 khu vực bắt buộc tuân thủ quy hoạch là: Khu cảng Chân Mây (bố trí tại mũi Chân Mây Đông có quy mô 370ha); Trung tâm tiếp vận hàng hoá và thương mại dịch vụ đầu mối (quy mô 120ha); Đô thị Chân Mây và các trung tâm chủ yếu (phân bố tại khu vực dọc sông Bu Lu, sông Thừa Lưu và chân núi Phước Tượng, quy mô khoảng 1.545ha).
Mục tiêu mà lãnh đạo tỉnh TT-Huế đặt ra là xây dựng một quy hoạch không gian ổn định lâu dài cho KKT, cụ thể hoá các định hướng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh TT-Huế nói chung và KKT Chân Mây - Lăng Cô nói riêng, phù hợp trong từng giai đoạn phát triển, kết nối hữu cơ với các không gian kinh tế lân cận trong nước và quốc tế. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng một KKT hoàn chỉnh về cơ cấu chức năng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển những chức năng phục vụ dịch vụ cho cảng tổng hợp Chân Mây trong tương lai. Là căn cứ cho việc lập dự án đầu tư xây dựng theo trình tự quản lý đầu tư xây dựng hiện hành và làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý xây dựng theo quy hoạch. Tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn với các tiêu chuẩn hạ tầng hiện đại song vẫn mang sắc thái riêng biệt của vùng sinh thái tự nhiên ven biển.
Sau khi được thực hiện, đây sẽ là TP cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hoá; là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn, hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Là một đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao, kết hợp dịch vụ nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản.
Khu Chân Mây sẽ được tổ chức quy hoạch theo hướng hiện đại, với các toà nhà cao tầng xen lẫn thấp tầng, khai thác không gian đô thị dựa theo địa thế tự nhiên. Tầng cao công trình không nên vượt quá 130m.
Khu vực Lăng Cô chủ yếu xây dựng thấp tầng, kiến trúc công trình đan xen với các không gian cây xanh mặt nước. Công trình chỉ nên cao tối đa 9 tầng. Các công trình xây dựng bố trí thành các lớp theo địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa san gạt làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên.
Ngoài ra, quy hoạch cũng xác định các khu vực cần bảo vệ về kiến trúc và cảnh quan: khu vực ven biển vịnh Chân Mây và Cảnh Dương trồng các dải cây xanh rộng 50 - 100m đóng vai trò rừng phòng hộ của KKT, kết hợp tổ chức các trục không gian mở hướng ra biển. Các khu vực ven đầm và sông trong KKT cần được nạo vét đảm bảo dòng chảy, tôn tạo trồng cây xanh ven bờ. Bảo tồn nguyên trạng các khu vực núi cao trồng cây lâm nghiệp, có thể kết hợp tổ chức các tuyến đường mòn du lịch.
Theo Báo Xây Dựng
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet