Khi nào dự án nhà ở phải xin chủ trương đầu tư?
Hỏi: Dự án đã nằm trong chương trình phát triển nhà ở và danh mục thu hồi đất được HĐND tỉnh thông qua thì có phải thực hiện thêm thủ tục xin chấp nhận chủ trương đầu tư hay không?
Doanh nghiệp chúng tôi muốn đăng ký tham gia dự án khu đô thị mới với quy mô 47 ha, trong đó số lượng nhà ở dự kiến 1.000 căn (theo kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh). Khu đất này có 20 ha đất sạch của Nhà nước, còn lại là 27 ha đất của dân (cần thu hồi). Dự án nằm trong chương trình phát triển nhà ở đã được HĐND tỉnh thông qua và kế hoạch phát triển nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Dự án này cũng nằm trong danh mục thu hồi đất được HĐND tỉnh thông qua. UBND tỉnh dự kiến tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó sẽ thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quy hoạch đô thị.
Tuy nhiên, theo Khoản 5, Điều 9 Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì UBND tỉnh phải thông qua HĐND tỉnh trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư và tổ chức đấu thầu dự án.
Vậy xin hỏi, dự án này đã nằm trong chương trình phát triển nhà ở và danh mục thu hồi đất được HĐND tỉnh thông qua thì doanh nghiệp có phải thực hiện thêm thủ tục quy định tại Khoản 5, Điều 9 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hay không?
Doanh nghiệp tư nhân Quang Minh (Sóc Trăng)
Chỉ những dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy mô vốn đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng, đã có đất ở mới phải xin chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở. Ảnh minh họa |
Trả lời:
Luật Đầu tư 2014 và Luật Nhà ở 2014 đã quy định rõ các nội dung về thẩm quyền, trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư.
Điểm c, Khoản 2, Điều 17 Luật Nhà ở 2014 có nêu, dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hoặc dự án sử dụng đất hỗn hợp mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở.
Điều 30, 31 và 32 của Luật Đầu tư 2014 cũng nêu quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư.
Riêng các dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư, doanh nghiệp hoặc cá nhân phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Chính phủ đã được nêu tại Khoản 2, Điều 170 của Luật Nhà ở.
Khoản 4, 5, 6; Điều 9 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ cũng đã nêu quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Theo đó, "chỉ những dự án đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở) có quy mô vốn đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng, đã có đất ở (dự án không phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất) thì mới thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở."
Đối với việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, pháp luật về nhà ở chỉ quy định về hình thức và một số nguyên tắc trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, không quy định về trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án (Điều 22 Luật Nhà ở 2014, Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP).
Trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở) được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu (Luật Đấu thầu, Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan).
Theo các quy định trên, doanh nghiệp tư nhân Quang Minh nếu có các vướng mắc liên quan việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, có thể liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn, giải quyết.
Bộ Xây dựng
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet