HoREA kiến nghị giải pháp phát triển officetel
Trong văn bản gửi đi sáng ngày 11/4, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đã đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát triển bền vững loại hình văn phòng lưu trú (officetel), đồng thời đảm bảo lợi ích cho cả CĐT và khách hàng.
Theo đó, về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với officetel, HoREA đề nghị áp dụng diện tích tiêu chuẩn cho loại hình này là từ 25-50m2/phòng. Về thủ tục pháp lý, Hiệp hội kiến nghị cho phép CĐT được bán officetel và người mua được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất có thời hạn theo thời hạn của dự án. Khi hết hạn, người mua sẽ được xem xét gia hạn nếu có yêu cầu. Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị không tính thời gian thi công xây dựng vào thời hạn của dự án để đảm bảo lợi ích chính đáng của CĐT, khách hàng và NĐT thứ cấp.
Đồng thời, trước bối cảnh NĐT nước ngoài có xu hướng tăng mạnh, HoREA cũng kiến nghị cho cá nhân nước ngoài được mua officetel để đầu tư nhằm tăng tính thanh khoản và bổ sung thêm nguồn vốn để phát triển các dự án officetel.
Theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến tháng 09/2017 của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trên địa bàn cả nước có 71 dự án officetel, condotel được cấp phép với tổng cộng 25.639 căn. Trong đó có 10.629 căn officetel (Hà Nội: 3.726 căn; Tp.HCM: 6.424 căn; các tỉnh khác: 479 căn).
Loại hình officetel vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Ảnh minh họa |
Trong thời gian tới, dự báo, thị trường sẽ đón nhận một lượng lớn các dự án officetel do dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào nước ta ngày càng tăng cùng chủ trương thành lập các khu kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, trên thực tế, loại hình officetel vẫn còn tồn tại những bất cập cần sớm được giải quyết. Chẳng hạn như một số dự án officetel bị biến tướng thành căn hộ nhà ở thay vì có chức năng văn phòng làm việc - lưu trú kiểu khách sạn hay chưa có những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, tài chính đất đai… cho loại hình này.
Đặc biệt, cùng là loại hình officetel nhưng nếu officetel nằm trong tòa nhà chung cư thì được công nhận quyền sử dụng đất ở ổn định, lâu dài còn nếu officetel là một tòa nhà độc lập thì vẫn phải áp dụng chế độ đối với đất phi nông nghiệp (đất thương mại, dịch vụ), được giao đất có thời hạn và CĐT phải nộp tiền thuê đất 50 năm (hoặc 70 năm) vào ngân sách.
Một bất cập khác là dự án officetel chỉ được giao đất với thời hạn phổ biến là 50-70 năm, trong khi CĐT phải mất trên dưới 3 năm để hoàn thành dự án trước khi đưa sản phẩm vào kinh doanh. Như vậy, các CĐT, khách hàng và NĐT thứ cấp chỉ được khai thác, kinh doanh sản phẩm trong khoảng 47 năm do không được khấu trừ thời gian xây dựng dự án.
Trên thực tế, trong giai đoạn thị trường BĐS bị đóng băng, có những dự án officetel bị “trùm mền” nhiều năm, đến nay mới có CĐT mới tiếp quản, xây dựng và đưa vào khai thác kinh doanh. Với những trường hợp này, nếu không được khấu trừ thời gian dự án bị “trùm mền” và thời gian thi công xây dựng thì thời hạn khai thác kinh doanh chỉ còn trên dưới 40 năm.
Vì vậy, ông Châu cho rằng, nếu không có sự điều chỉnh, sửa đổi các quy định liên quan thì rất thiệt thòi cho NĐT, đồng thời thị trường sẽ thiếu minh bạch và bền vững.
Phương Nga
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet