Hơn 15.000 lô đất tái định cư bỏ trống, Đà Nẵng lý giải ra sao?
Tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX diễn ra ngày 10/7, Phó Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Ngọc Tuấn đã đưa ra những lý giải về hơn 15.000 lô đất tái định cư đã có hạ tầng nhưng chưa bố trí trên địa bàn thành phố.
Phiên thảo luận đã tập trung vào những vấn đề nổi cộm được nêu trong báo cáo 24/BC-HĐND của HĐND TP. Đà Nẵng về kết quả giám sát chuyên đề “Hoạt động đầu tư công trên địa bàn thành phố trong 15 năm, từ 2003 (được công nhận đô thị loại I trực thuộc TƯ) đến 2017".
Trước đó, việc giám sát chuyên đề nêu trên của HĐND TP. Đà Nẵng cho thấy, việc bố trí tái định cư cho các hộ dân giải tỏa tại nhiều dự án còn bị động, các hộ tái định cư nhiều khi không đồng tình về vị trí được bố trí, gây áp lực tạo quỹ đất tái định cư nên dẫn đến tình trạng quỹ đất tái định cư trên địa bàn hiện nay dôi dư rất nhiều.
Báo cáo 24/BC-HĐND của HĐND TP Đà Nẵng nêu rõ: Tính đến cuối quý I/2018, trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn 14.589 lô đất tái định cư chưa bố trí); số lô đất trống (chưa xây dựng nhà ở) vẫn còn với số lượng rất lớn; hơn 100ha đất nông nghiệp mất khả năng sản xuất do ảnh hưởng bởi các dự án, dẫn tới tình trạng đất bỏ hoang còn nông dân thì mất việc”.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, chính sách giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư được Tp.HCM thực hiện qua rất nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn, theo nhiều văn bản hướng dẫn quy phạm pháp luật. Các hướng dẫn này có sự đổi thay qua nhiều thời kỳ nên cần phải cập nhật. Vì vậy, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư phải được rà soát và thống nhất để tiếp tục thực hiện một cách trơn tru, không ách tắc.
Trên địa bàn Đà Nẵng còn rất nhiều diện tích đất đã xây dựng hạ tầng nhưng lại đang bỏ trống. Ảnh: HC |
Theo ông Tuấn, từ nay đến cuối năm 2018, TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức thống nhất quy trình giải quyết, tháo gỡ những vấn đề kiến nghị của các hộ dân, nhất là trong diện thu hồi đất. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm theo phân cấp. Hiện TP. Đà Nẵng đang tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất và các Chi nhánh để đảm bảo sự phối hợp tổ chức thực hiện trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư đúng theo yêu cầu.
Được biết đến thời điểm này, đất có hạ tầng nhưng chưa bố trí trên địa bàn không chỉ dừng ở 14.589 lô như kết quả giám sát của HĐND TP. Đà Nẵng mà đã lên tới 15.097 lô. Trong 15.097 lô đất tái định cư đã có hạ tầng nhưng chưa bố trí có 2.267 lô đất ở vị trí hai mặt tiền (chiếm 15%); 6.042 lô đất đường quy hoạch từ 10,5m trở lên (chiếm 40%) là quỹ đất rất quan trọng mà TP giữ lại và sẽ tổ chức thực hiện theo quy hoạch; có 373 lô đất có vị trí mà các tim đường ngang đâm vào nên các hộ được bố trí tái định cư không nhận. Vì vậy, TP sẽ chuyển mục đích sử dụng đất đối với các lô này theo phương án hợp thửa, hiện đã tiến hành và hợp thửa được một số khu vực. Khi hợp thửa xong thì dành cho phục vụ mục đích công cộng, đặc biệt là các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng đưa khoảng 8.000 lô đất có vị trí đắc địa vào để sử dụng một phần cho mục đích công cộng. Nhà đất công sản cũng sẽ thực hiện theo hướng như vậy, nghĩa là chúng ta thu hồi và xây dựng các công trình phục vụ công cộng”.
Phần còn lại trong 8.000 lô đất có vị trí đắc địa vừa nêu sẽ được cân nhắc, đưa một số lô ra đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn thu một cách hợp lý. Việc đưa ra các lô đất để đấu giá sẽ được thực hiện một cách cẩn trọng. Ngoài yêu cầu của TP thì phải căn cứ vào thị trường và cân nhắc để xử lý phù hợp cho các giai đoạn.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, với khoảng 100ha đất nông nghiệp mất khả năng sản xuất do ảnh hưởng bởi các dự án, UBND TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu trong năm 2018 phải thu hồi được 20ha, hiện đã thu hồi được 8,3ha và từ nay đến cuối năm sẽ thu hồi đủ 20ha. Các năm sau cũng sẽ thu hồi tiếp số đất nông nghiệp không sản xuất được này để sử dụng vào các mục đích khác, còn nông dân sẽ được bồi thường thỏa đáng để có thể chuyển đổi công ăn việc làm.
Liên quan đến việc trên toàn TP hiện có tới 267 dự án còn dở dang (tính đến tháng 6/2018) do liên quan đến công tác giải tỏa đền bù và giải ngân vốn xây dựng cơ bản, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Trong đó có việc chỉ đạo phối hợp chưa đồng bộ, nhất là vai trò của Hội đồng giải phóng mặt bằng và sự tham gia tổ chức hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: "Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng triển khai công tác giải phóng mặt bằng chậm, kéo theo việc giải ngân vốn xây dựng cơ bản chậm, phải chuyển nguồn. Còn nhiều nguyên nhân khác nhưng tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính cần tập trung giải quyết”.
Theo ông Tuấn, hiện UBND TP. Đà Nẵng đã rà soát, thống kê được tình trạng của 267 dự án dở dang, cần phải có kế hoạch giải quyết một cách rốt ráo trên địa bàn tất cả các quận, huyện và đã phân kỳ thành 3 nhóm. Trong đó, năm 2018 ưu tiên triển khai 120 dự án thuộc nhóm 1; còn lại sẽ được triển khai trong năm 2019 – 2020. Việc phân định nhóm dự án tương đối rõ ràng để làm căn cứ cho thứ tự ưu tiên đầu tư và đôn đốc thực hiện.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet