HN không bán biệt thự khu trung tâm chính trị Ba Đình
Dù vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận, xong cuối giờ chiều nay (10/12), HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố. Đề án này từng bị bác ở phiên họp trước.
Biệt thự Pháp cổ trên đường Phan Đình Phùng. Ảnh: LN |
Trước đó, Hà Nội đã dự kiến sẽ bán 634 biệt thự, trong đó, 588 biệt thự đề nghị tiếp tục bán và 46 biệt thự thành phố quản lý cho DN thuê, sẽ bán theo giá thị trường.
Tiếp thu ý kiến ĐB từ kỳ họp trước, tại đề án này, UBND thành phố Hà Nội nêu rõ tiêu chí xác định biệt thự không bán, gồm: Biệt thự khu trung tâm chính trị Ba Đình; biệt thự đang là nhà công vụ; biệt thự đang cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp thuê làm trụ sở.
Những biệt thự mà các cơ quan và nhà dân đang cùng sử dụng thì sẽ di chuyển hộ dân đi nơi khác; biệt thự đã được thu hồi để lập dự án; biệt thự có giá trị kiến trúc.
Ủy viên thường trực HĐND Lê Văn Hoạt cho hay, UBND thành phố đã lập tổ công tác đi khảo sát từng biệt thự. Thống kê cho thấy, có 173 biệt thự không bán theo các tiêu chí nêu trên.
Giá đất ở Hà Nội: cao nhất 67,5 triệu đồng/m2
Cũng trong chiều nay, sau nhiều tranh cãi về thống nhất giá đất sau sáp nhập, HĐND thành phố đã thông qua khung giá đất năm 2009. ĐB Lê Văn Thành (Hà Tây) nêu ý kiến: "Nếu hội đồng hoãn thông qua phương án này, nhiều dự án treo ở Hà Tây sẽ lâm nguy vì hiện nay vẫn đang "nằm im" đợi giá đất mới".
Theo đó, khung giá đất ở của Hà Nội cũ cơ bản giữ như năm 2008. Thành phố chỉ điều chỉnh và bổ sung giá đất ở các tuyến đường mới được đặt tên, được đầu tư cơ sở hạ tầng. Đất nông nghiệp tại vùng giáp ranh đô thị cũng được điều chỉnh tăng. ĐB Chu Sơn Hà (Ba Vì) kiến nghị giá đất Hà Đông cũng phải tương đương với các quận nội thành Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải
Như vậy, từ 1/1/2009, giá đất ở tại các quận nội thành Hà Nội dao động từ 2,5 đến 67,5 triệu đồng/m2. Giá đất tại các thị trấn và nông thôn cao nhất lần lượt là 16 triệu và 2,25 triệu đồng/m2.
Giá đất tại một số địa bàn thuộc tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình (cũ) được điều chỉnh tăng theo tương quan giá đất giữa các khu vực, tuyến đường giáp ranh.
Cụ thể, giá đất Hà Tây cũ được xây dựng theo từng đường phố, vị trí theo cách phân loại của Hà Nội cũ. Giá đất cao nhất ở Hà Đông, giáp ranh với quận Thanh Xuân là 15 triệu đồng/m2. Giá đất ở Sơn Tây là 10 triệu đồng.
Đất nông nghiệp ở huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc cũ) được điều chỉnh bằng với giá của huyện Đông Anh. Còn giá của Hà Tây được điều chỉnh tương ứng với mặt bằng giá các quận, huyện của Hà Nội.
Sẽ thu phí tham quan Hỏa Lò và thành cổ Sơn Tây
Cùng với giá đất, UBND thành phố cũng trình HĐND đề án thu phí, lệ phí, với việc thống nhất 24 khoản phí và 10 khoản lệ phí. Theo tính toán, tổng thu năm nay từ 100 loại phí trên địa bàn lên tới 3.000 tỷ đồng.
UBND thành phố đề xuất nâng mức thu lệ phí khi tham quan di tích lịch sử, đăng ký cư trú...
Theo đó, sẽ bổ sung mức thu phí tham quan di tích lịch sử tại hai di tích là thành cổ Sơn Tây và nhà tù Hỏa Lò, hiện đang vào cửa tham quan miễn phí.
Mức phí vào di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đền Ngọc Sơn cũng được nâng lên tối đa 20.000 đồng/lượt. Trong khi đó, mức cũ ở hai nơi này lần lượt là 5.000đồng/lượt và 3.000đồng/lượt.
Hiện có nhiều khoản phí đang thất thu là phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp, phí xây dựng. Phí trông giữ xe ô tô, xe máy được xem là vẫn phức tạp do các tổ chức, cá nhân không niêm yết giá, thu tiền khách không dùng vé hoặc chỉ hoạt động nhất thời như mùa bóng đá, lễ hội...
Ngoài ra, nhiều khoản phí Hà Nội đang thu nhưng Hà Tây (cũ) và Mê Linh, 4 xã ở Hòa Bình không thu, như phí vệ sinh, phí xây dựng... HĐND sẽ thảo luận và xem xét để thống nhất các khoản thu này.
Ngày mai, HĐND sẽ tiến hành chất vấn những nội dung "nóng" về kinh tế, xã hội.
Theo Vietnamnet
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet