Giáo sư Michael E. Porter, chiến lược gia hàng đầu thế giới về cạnh tranh đã phải thốt lên rằng: Việt Nam đang có quá nhiều dự án bất động sản (BĐS). Ông nhấn mạnh: Đi đến đâu cũng thấy người ta xây nhà với những chiếc cần cẩu chọc trời. "Liệu có quá dày đặc không?".

Cũng theo Giáo sư Michael E. Porter thì phát triển BĐS không phải là không tốt. Thế nhưng việc BĐS hút quá nhiều tiền, quá nhiều nguồn lực tài chính rất có thể tạo ra sự mất cân bằng. Việc BĐS hút quá nhiều tiền khiến cho các lĩnh vực sản xuất khác khát vốn. Hệ quả là nguồn lực tài chính cho sản xuất bị thiếu hụt, không tạo ra được lượng sản phẩm cần thiết cho nhu cầu xã hội.

Theo các chuyên gia, đây là cảnh báo quan trọng dù không phải là mới, song lại đặc biệt đáng lưu tâm trong bối cảnh hiện nay. Trên thực tế, dù chưa có thống kê cụ thể nào về lượng tiền đổ dồn vào BĐS, thế nhưng con số đó là quá nhiều. Một điểm đáng lưu ý khác là cùng với dòng vốn đầu tư trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ dồn vào BĐS tại VN cũng là quá lớn lên đến hàng chục tỷ USD. Đây cũng là dòng tiền đáng lo ngại. Bởi lẽ được “tiếng” là đầu tư FDI, nhưng dòng tiền này lại không đầu tư vào sản xuất mà đầu tư vào lĩnh vực không tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Thậm chí, đây lại là phương thức đầu cơ dưới góc nhìn của không ít chuyên gia. “Dòng tiền nước ngoài đổ vào BĐS. Họ thậm chí còn huy động vốn trong nước từ những khách hàng, sau đó kết hợp với vốn đầu tư để xây dựng lên những ngôi nhà rồi bán kiếm lời với giá cao ngất ngưởng.

Nếu xem xét thấu đáo thì rõ ràng, NĐT đã lấy một phần “mỡ” là dòng tiền trong nước để “rán” chính dự án BĐS. Sau khi bán hết dự án, họ rút đi cùng với vốn và lợi nhuận - một chuyên gia về BĐS phân tích - Đây chính là lý do lo ngại về dòng tiền này”. Biểu hiện đáng lo ngại đối với nền kinh tế hiện nay là NĐT bơm vốn vào BĐS, sân golf, resort, khu nghỉ dưỡng... trong khi đó, không ít sân golf, khu nghỉ dưỡng... nằm phơi nắng mưa, gây lãng phí nguồn lực, không trực tiếp tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội.

Một điểm đáng lo ngại khác về dòng tiền đổ vào BĐS là cùng với lượng vốn lớn, quay vòng và thu hồi chậm thì việc có quá nhiều dự án BĐS còn tác động đến hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội khác. Đó là hệ luỵ về diện tích đất sản xuất, canh tác; mất cân đối cán cân cung - cầu BĐS; mất cân bằng nguồn lực kinh phí cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác; thậm chí còn khiến cho các nguồn cung nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép... mất cân đối và bị đội giá...

Do đầu cơ, nên ai cũng muốn đẩy giá lên cao để kiếm lời. Đây là lý do giá bất động sản liên tục tăng và vượt xa giá trị thực tạo nên nguy cơ “bong bóng”.

Giải pháp cho vấn đề mất cân đối dòng vốn đổ vào bất động sản là gì? Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra vào đầu tháng 12.2010, ông Lương Văn Lý, đại diện nhóm công tác đất đai của VBF, cho rằng, cần minh bạch trong khâu quy hoạch nhằm bài trừ nạn đầu cơ đất đai. Một cách giải quyết, theo ông, là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng phải sát với giá thị trường.

Còn ông Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thì đề xuất 2 giải pháp. Thứ nhất là định giá bất động sản một cách hợp lý, tăng mạnh lượng cung nhà ở xã hội, cụ thể là sản phẩm bất động sản dành cho những người có thu nhập trung bình và ổn định. Tăng mạnh quỹ nhà ở có giá dưới 1 tỷ đồng, nhất là nhóm sản phẩm có giá khoảng 600-700 triệu đồng. Đồng thời, chú trọng phát triển nhà ở cho những lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Một biện pháp khác là tăng lượng nhà cho thuê. “Đây là sản phẩm dường như bị bỏ ngỏ. Cần tuyên truyền mạnh về tư tưởng để các nhà làm chính sách phát triển dạng sản phẩm này, còn người dân nên xem việc đi thuê nhà ở lâu dài là bình thường”, ông nói. Tại Singapore, khoảng 82% dân cư sống trong các căn hộ công (gọi là HDB flats) dưới hình thức thuê dài hạn 99 năm.

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm nhắm đến tầng lớp thu nhập trung bình lại đòi hỏi có một lượng vốn lớn. Một số ý kiến cho rằng, điều này có nghĩa là phải đầu tư thêm vốn vào bất động sản và vấn đề mất cân đối dòng vốn đổ vào ngành này lại tiếp tục diễn ra. Một số khác lại phản biện rằng, cần hướng sản phẩm nhà ở vào đúng nơi nhu cầu thực của thị trường và hạn chế các dòng sản phẩm ít có nhu cầu. Và về lâu dài, thị trường bất động sản sẽ chuyển biến theo hướng tích cực và khắc phục được tình trạng đầu cơ.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, lại nhấn mạnh đến giải pháp phân bổ lợi ích mang lại từ đầu tư vào bất động sản sao cho tương đương với các lĩnh vực khác. Ông nói: “Cơ quan quản lý phải có cơ chế phân chia địa tô một cách hợp lý và công bằng hơn. Như vậy, nhà đầu tư sẽ đổ vốn vào sản xuất nhiều hơn vào bất động sản”. Để làm được điều này, theo ông, cơ quan chức năng phải rà soát lại toàn bộ thị trường bất động sản, từ đó đưa ra quyết sách hợp lý.

(Theo Tamnhin)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME