Điều đáng nói là dự án được triển khai từ năm 2003 nhưng đến nay mới chỉ có gần chục ngôi nhà "mọc" lên. Nguyên nhân này xuất phát từ đâu?...

Hải Phòng: Cần một quyết định đúng đắn tại dự án nhà ở quận Hải An | ảnh 1

"Lập lờ" quyết định đền bù

Theo phản ánh của các hộ dân tại phường Đông Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng, năm 2003, UBND thành phố Hải Phòng kí Quyết định số 981/QĐ - UBND, thu hồi 67.522,6 m2 đất tại xã Đông Hải (nay là phường Đông Hải I, quận An Hải) giao cho Công ty Cổ phần Vận tải và dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (gọi tắt là PTS) thực hiện dự án xây dựng khu nhà ở bán theo cơ chế kinh doanh.

Sau khi có quyết định giao đất, Công ty PTS lên kế hoạch đền bù, thống nhất giải phóng mặt bằng với các Sở ngành có liên quan. Căn cứ vào Quyết định 1212/QĐ - UB ngày 16/7/1999 ban hành một số nguyên tắc, chế độ chính sách và bảng đơn giá đền bù thiệt hại về đất và tài sản trên đất khi thu hồi, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 thuộc địa phận thành phố Hải Phòng, ngày 25/8/2003, liên Sở Tài chính - Vật giá, Xây dựng và Địa chính Nhà đất đã có Tờ trình số 1559/TT - LS gửi UBND thành phố Hải Phòng về phương án bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất giao cho PTS.

Hơn thế, không biết do "vô tình" hay "nhầm lẫn" mà Quyết định số 810/QĐ - UB ngày 26/4/2001 nêu rõ, về việc đền bù vật, kiến trúc khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư phát triển hạ tầng kĩ thuật Khu đô thị Ngã Năm - Sân bay Cát Bi này lại được chính quyền áp dụng vào dự án của Công ty Petrolimex Hải Phòng làm chủ đầu tư. Điều này cho thấy, ngay từ những văn bản quy định áp giá đền bù chính quyền đã "lập lờ" với người dân. Trong công văn số 815/UBND - VP do ông Phạm Chí Bắc, Phó Chủ tịch UBND quận Hải An kí, cũng không đưa ra được lí do vì sao lại áp giá bồi thường theo QĐ 1212 và QĐ 810.

Cả dân lẫn doanh nghiệp cùng khổ

Khi đất nông nghiệp được thu hồi cho dự án, người dân đã tuân thủ bàn giao chủ đầu tư những tấc đất cuối cùng. Nhưng trong tám năm qua, dự án triển khai chậm chạp, "lèo tèo" với gần chục ngôi nhà ì ạch mọc lên. Tiến độ dự án "rùa" này đã làm ảnh hưởng không ít đến những hộ dân nằm trong vùng. Người dân ở khu vực có dự án này lúc nào cũng canh cánh nỗi lo, nhà có thể sập bất cứ lúc nào nếu gặp mưa bão. Trước khi có dự án, nước mưa theo dòng chảy ra Sông Cấm, bây giờ thì khu vực này trở thành con sông tích trữ nước!!!

Ông Đỗ Hồng Phong, ở ngõ 149, Phủ Thượng Đoạn, phường Đông Hải I đã sửa chỗ tường nứt và làm lại hệ thống rãnh thoát nước, bị UBND phường đình chỉ không cho làm vì lí do... dự án. Một số hộ dân cho biết, giá một lô đất nền ở dự án dao động từ 17 đến 23 triệu đồng/m2. Theo Tờ trình 1559, giá đất đền bù áp dụng cho đất nông nghiệp (đất 03) là 18.200 đồng/ m2, còn đất thổ cư bồi thường về tuyến I là 800.000 đồng/m2; tuyến II là 480.000 đồng/m2; tuyến III là 240.000 đồng/m2. Biểu giá đền bù do chính quyền áp này liệu có gây thiệt hại cho dân và làm giầu cho doanh nghiệp? Trong khi, theo QĐ 981 thì dự án này là "xây nhà bán theo cơ chế kinh doanh". Nhà thì chưa xây, nhưng đất nền đã được rao bán!?

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và dịch vụ Petrolimex cũng thừa nhận dự án bị chậm tiến độ nhiều năm là do chưa bố trí được tái định cư và giá đền bù chưa thỏa đáng với người dân. Nhưng lỗi này không phải do chủ đầu tư mà do thành phố Hải Phòng "ép" phải nhận.

Theo lí giải của ông Nguyễn Văn Hùng thì trong QĐ 981 giao đất cho Công ty không có điều khoản tái định cư tại chỗ, nhưng trong Công văn số 6177/ UBND - ĐC ngày 21/10/2010 của TP Hải Phòng gửi UBND quận Hải An cũng nêu rõ nguyên nhân là do chưa bố trí được đất tái định cư nên người bị thu hồi chưa nhận tiền bồi thường (lỗi của chủ đầu tư). Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Năm 2003 thành phố (Hải Phòng - PV) lên đô thị loại I cấp quốc gia, đã kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư nâng cấp đô thị, nên các doanh nghiệp mới đầu tư. Chứ đô thị loại I cấp quốc gia mà chỉ lem nhem mấy ông xã phường chăn trâu, chăn bò thì làm sao mà thành đô thị được? Chính vì thế tôi mới đầu tư, chứ biết được khó khăn như thế này thì đã không đầu tư". Ngay cả doanh nghiệp cũng kêu chính sách đền bù của chính quyền như vậy liệu người dân có chấp nhận?

Còn nhiều bất cập

Vì sao dự án của PTS triển khai đã tám năm chưa xong lại không được sự nhất trí của người dân khi thu hồi đất thổ cư? Nói như ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty Petrolimex Hải Phòng: "Những người đi tuyên truyền chính sách giải phóng mặt bằng còn chưa hiểu hết luật". Như vậy có lẽ ai cũng thấy vì sao dự án này quá chậm và không được sự đồng thuận của người dân.

Người dân còn băn khoăn về dự án của PTS, bởi nó không thuộc diện Nhà nước thu hồi phục vụ cho lợi ích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng... Cách làm của địa phương cho thấy việc can thiệp quá sâu vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể trong điều 4 của Thông báo số 437/ TB - UBND ngày 10/8/2011 của UBND quận Hải An, UBND quận sẽ tổ chức lực lượng thực hiện quyết định thu hồi đất.

Những văn bản, thông báo "tréo ngoe" của TP Hải Phòng đang làm khốn khổ những hộ dân nằm trong vùng dự án này trong đó có nhiều gia đình chính sách, thương binh, người có công với cách mạng. Họ đang ngày đêm mong mỏi một quyết định đúng đắn hợp lí hợp tình để yên tâm ổn định cuộc sống.

(Theo Nguoicaotuoi)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME