>> Hệ lụy từ việc giá thép tăng phi mã 

Thời điểm này các nhà thầu đứng ngồi không yên còn các chủ đầu tư và các cơ quan chức năng cũng phải đau đầu để tính toán chuyện bù giá cho các nhà thầu bớt thiệt thòi và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình.

Tăng chóng mặt nhất trong thời gian vừa qua là giá thép xây dựng. Nếu như trước đây, giá thép chỉ ở mức 12- 13.000 đồng/kg thì trong tháng 4/2010 đã leo thang lên khoảng 15.000- 16.000 đồng/kg.



Nguyên nhân của tình trạng này theo lý giải của các nhà cung ứng là do ảnh hưởng của giá nhập khẩu phôi thép và các chi phí sản xuất khác bởi giá điện, than, xăng dầu tăng cao so với trước đây. Theo nhiều nhà thầu, chi phí thép chiếm 20-25% giá thành đầu tư dự án, trong khi từ đầu năm đến nay giá thép đã tăng 25- 30%, đẩy giá thành công trình đội lên 5-7%.

Song hành cùng giá thép, các loại xi măng cũng đã liên tiếp điều chỉnh tăng giá, với mức tăng khoảng từ 3.000- 5.000 đồng/bao 50kg so với hồi đầu tháng 3/2010. Bên cạnh đó, hầu hết các loại VLXD khác, đặc biệt là cát, đá,... vốn chiếm tỷ trọng lớn trong các công trình xây dựng giao thông trong những tháng gần đây đầu tăng giá ở mức rất cao.

Ông Phạm Quang Vinh, Tổng giám đốc Tổng công ty XDCTGT 4 cho biết, giá thép và các loại VLXD khác diễn biến phức tạp khiến các nhà thầu rất lúng túng. “Hầu hết các gói thầu nhà thầu ký trong năm 2009 thì giá thép chỉ khoảng 10 - 11.000 đồng/kg. Còn hiện nay lên đến 15 - 16.000 đồng/kg là gánh nặng thật sự với nhà thầu.

Mua tích trữ ngay với số lượng lớn thì nhà thầu không đủ vốn bởi đi vay ngân hàng ngoài việc chịu lãi rất cao còn rất khó vay, hơn nữa khâu bảo quản, kho bãi cũng rất khó khăn. Còn nếu không mua, sau này giá tăng cao, việc bù giá hết sức phức tạp, mà có bù cũng không thể bằng với giá thực thị trường nhà thầu phải đi mua”- ông Vinh khẳng định.

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và XDGT cũng chia sẻ, VLXD tăng cao là vấn đề đặc biệt lo ngại đối với các nhà thầu. Để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà thầu phải mua đủ VLXD với giá cao, nhưng sau này thanh toán và bù giá rất khó khăn. Hơn nữa, kể cả bù giá theo phương thức nào, trực tiếp hay theo công thức đều thấp hơn so với giá của thị trường.

Thực tế những lo ngại trên của các nhà thầu là hoàn toàn có cơ sở. Đợt “bão giá” cuối năm 2007 đầu năm 2008 khiến các nhà thầu lao đao, càng làm nhiều càng lỗ, các công trình rơi vào cảnh đình trệ nên các nhà thầu rút ra được nhiều bài học xương máu.

Mặc dù các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đã rất tích cực tìm cơ chế, ban hành các văn bản để tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu nhưng trong một thời gian dài dài vẫn bế tắc. Thông tư 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng và Văn bản 4199/BGTVT-CQLXD của Bộ GTVT về xử lý trượt giá và bù giá VLXD được đánh giá như một chiếc phao của các nhà thầu, nhưng trên thực tế phải đến năm 2009 công tác bù giá mới được vận hành theo kiểu tạm tính.

Hơn nữa, việc điều chỉnh, bù trừ chênh lệch giá này vẫn chỉ bù đắp được phần nào do thông báo giá của các địa phương quá chậm và thấp hơn nhiều thực tế, còn bù theo công thức thì chỉ số rất thấp khiến nhà thầu thiệt đơn, thiệt kép.

Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục QLXD & CLCTGT thuộc Bộ GTVT cho biết, hiện nay vẫn chưa nhận được phản ánh gì của các nhà thầu và các chủ đầu tư, ban QLDA về vấn đề xử lý bù trừ chênh lệch giá do VLXD tăng trong những tháng vừa qua. Bộ GTVT đã phân cấp, phân quyền nhiều cho các chủ đầu tư, ban QLDA nên việc xử lý bù trừ này, các chủ đầu tư, ban QLDA có thể chủ động thực hiện.

Ông Việt cũng cho biết, sau đợt “bão giá” năm 2007- 2008, trong hợp đồng ký kết với các nhà thầu thường có những điều khoản ràng buộc khi có biến động giá. Hầu hết các gói thầu, dự án trong thời gian vừa qua, kể các các dự án dùng vốn ODA hay vốn trong nước đều quy định bù giá theo công thức và chỉ số nên việc xử lý cũng không phức tạp như trước.

Theo GTVT

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME