Giá thuê tại các khu công nghiệp sẽ tăng từ 2-4% trong năm 2018
Theo nghiên cứu từ CBRE Việt Nam, trong năm 2018, giá thuê kho xưởng tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam có thể sẽ tăng mạnh từ 2% ở thị trường phía Bắc và từ 3,5 - 4% ở thị trường phía Nam.
Theo đó, với nhu cầu nhà kho tiếp tục tăng mạnh nhờ các ngành sản xuất phát triển và người dân gia tăng tiêu dùng, giá thuê tại các KCN trên địa bàn cả nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng mạnh từ nay đến năm 2020 tại cả thị trường phía Bắc và phía Nam. Ở khu vực phía Bắc, với lượng nguồn cung nhà kho hạn chế, giá thuê kỳ vọng sẽ tăng 2% trong năm 2018 và sẽ tăng 1,5% trong năm 2019 và 2020. Tỷ lệ trống được kỳ vọng sẽ giảm từ 22% trong năm 2018 xuống 19% trong năm 2020.
Hà Nội – Hải Phòng – Bắc Ninh được nhận định là 3 trung tâm công nghiệp phát triển mạnh nhất phía Bắc trong các năm tới. Trong quy hoạch mới, Hà Nội sẽ tập trung vào các ngành công nghệ cao bao gồm CNTT, phần mềm, trung tâm dữ liệu, tự động hóa, v.v. và các ngành liên quan bao gồm nhà kho và logistics cho các ngành kể trên. Hải Phòng đang thu hút các ngành công nghiệp như logistics, xe hơi, điện tử, dược, đóng tàu, dầu khí và dệt may. Trong khi đó Bắc Ninh có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp của vùng do các khu công nghiệp, nhà kho và nhà xưởng đang chuyển dần ra khỏi Hà Nội. Dịch vụ logistics là yếu tố kích cầu chính cho thị trường nhà kho tại Bắc Ninh.
Biểu đồ tốc độ tăng giá thuê tại các khu công nghiệp
Biểu đồ tỷ lệ trống tại các khu công nghiệp theo năm
Ở Khu vực phía Nam bao gồm Tp.HCM và các tỉnh lân cận, được kết nối tốt bởi hệ thống đường cao tốc và các cảng thủy nội địa, cảng biển và cảng hàng không quốc tế. Với vị trí thuận lợi, nằm gần trung tâm logistics của vùng như Hồng Kông, khu vực phía Nam luôn dẫn đầu thị trường Việt Nam về mảng công nghiệp. Tại khu vực phía Nam, giá thuê kho được kỳ vọng sẽ tăng 4% trong năm 2018 và 3,5% trong năm 2019 và 2020. Khả năng tăng giá cao hơn tại phía Nam nhờ có nhu cầu cao từ các nhà bán lẻ, 3PLS (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng) và các nhà sản xuất. Đồng thời nguồn cung mới tốt hơn đến từ các công ty lớn như Gemadept, Saigon Newport and Saigon Depot. Tuy nhiên, khu vực phía Nam cũng sẽ có tỷ lệ trống cao hơn, khoảng 20% trong năm 2018 đến 2020.
Tp.HCM là nơi tập trung cảng hàng không và cảng biển chính, chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Điều này dẫn đến nhu cầu cao về nhà kho, nhà máy và đất công nghiệp từ nhà đầu tư nước ngoài. Việc gia tăng thương mại điện tử và tiêu dùng nội địa là yếu tố chính ảnh hường đến nhu cầu hiện nay. Trong khi đó, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu thu hút nhiều hơn các ngành công nghệ cao và các ngành công nghiệp bền vững. Đồng Nai thu hút nhiều các nhà máy sản xuất đồ nội thất và các sản phẩm nông nghiệp trong khi Long An với lợi thế giá nhân công thấp, khoảng cách gần sông và Tp.HCM sẽ tiếp tục thu hút các ngành truyền thống như dệt may, hàng tiêu dùng nhanh và các sản phẩm nông nghiệp.
Phương Uyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet