Ngày 20-11 vừa qua, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) - đơn vị được TP cho phép tìm kiếm đối tác đầu tư tiến hành xây dựng khu thương xá Tax - đã đề nghị chấm dứt đàm phán với đối tác nước ngoài là Công ty PT Rajawali Corporation (Indonesia) sau một năm thương lượng. 

Sự kết thúc này đồng nghĩa với việc công trình xây dựng trung tâm thương mại quốc tế trên nền khu vực thương xá Tax (39 Lê Lợi) để trở thành biểu tượng của TP.HCM tiếp tục rơi vào bế tắc. 

Nhọc nhằn xe duyên 

Tháng 12-1994, dự án xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn và giao dịch quốc tế tại khu vực thương xá Tax hiện hữu đã được Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư khi đó cấp giấy phép đầu tư cho liên doanh Noga - Sài Gòn, liên doanh giữa Tập đoàn Noga Hotels International (Thụy Sĩ) và Cửa hàng bách hóa tổng hợp TP (thuộc Satra). Gần hai năm sau, do khó khăn về tài chính của đối tác nước ngoài, dự án không thể triển khai nên năm 1996 Bộ Kế hoạch - đầu tư đã rút giấy phép, “khai tử” liên doanh này. 

Những năm sau đó có hàng loạt tập đoàn lớn của nước ngoài tiếp tục đặt vấn đề xin được đầu tư khai thác “khu đất vàng” này nhưng vẫn không có tiến triển. 

Cuối năm 2004, UBND TP.HCM đồng ý cho Satra được hợp tác đầu tư. Theo đề xuất của Sở KH-ĐT, phần diện tích đất mà Satra sử dụng để phát triển dự án là 9.208,6m2 (bao gồm toàn bộ thương xá Tax hiện hữu và phần diện tích còn lại từ số 135 Nguyễn Huệ kéo dài đến 122A Pasteur). UBND TP.HCM thống nhất xây dựng tòa nhà trung tâm thương mại cao 152m (khoảng 40 tầng, không kể tầng hầm) với nét đặc trưng riêng so với các công trình xung quanh, đặc biệt có bãi đáp trực thăng. 

Thương xá Tax - một trong những vị trí đẹp nhất VN, nhưng 12 năm qua vẫn không tìm được nhà đầu tư (ảnh chụp chiều 10-12)


Tháng 6-2006, Satra đã tiến hành ký biên bản ghi nhớ với bảy công ty, tập đoàn nước ngoài, đồng thời thuê hai công ty tư vấn nước ngoài với hi vọng giúp tìm kiếm được đối tác ưng ý nhất. Tháng 3-2007, đối tác PT Rajawali Corporation đã được chọn để cùng liên doanh với Satra thực hiện dự án. Thế nhưng, cuộc thương lượng giữa hai bên kéo dài đến tháng 11-2007 vẫn chưa có kết quả và Satra đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị chấm dứt đàm phán với đối tác này. 

Đối tác yếu hay tiêu chuẩn quá khó? 

Ông Huỳnh Văn Minh - tổng giám đốc Satra - cho biết nội dung đàm phán vướng chủ yếu vấn đề góp vốn và điều kiện tầng trệt của tòa nhà sau khi đưa vào sử dụng phải giao hết cho Satra kinh doanh, quản lý. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn đầu tư, ngay từ vòng tuyển chọn nếu xét về danh tiếng và tiềm lực tài chính, có một số nhà đầu tư trội hơn hẳn Rajawali, nhưng cuối cùng Rajawali vẫn được chọn vì có phương án thiết kế và được tất cả 15 thành viên Hội đồng kiến trúc - qui hoạch TP.HCM bỏ phiếu. 

Về khả năng tài chính của Rajawali trước thời điểm Satra chấm dứt đàm phán, ông Trần Văn Bắc - phó tổng giám đốc Satra - cho biết đã thẩm định và tin rằng đối tác này đủ năng lực. Tuy nhiên, khi báo cáo với UBND TP để giải thích lý do chấm dứt đàm phán, Satra cho rằng “việc đề xuất của Rajawali về nguồn góp vốn của hai bên quá ít sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính của dự án. Dự án dựa quá nhiều vào vốn vay. Khi nguồn vay từ các ngân hàng này có trở ngại, công trình sẽ đình trệ...”. 

Ngay từ đầu, Satra yêu cầu Rajawali phải góp vốn một lần vào liên doanh, trong khi Rajawali muốn góp theo kiểu làm tới đâu góp tới đó. Theo một chuyên gia tư vấn, với một dự án có tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD mà yêu cầu như vậy là quá sức đối với nhà đầu tư. 

Sao không đấu thầu? 

Một quan chức Bộ KH-ĐT ngạc nhiên khi nghe thông tin về sự thất bại trong đàm phán của dự án này vì ông cho rằng đối với một khu đất đẹp và quí hơn vàng của thương xá Tax, "sẽ có cả trăm nhà đầu tư xếp hàng". Ông so sánh khu đất tại số 164 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM (trụ sở Sở Văn hóa - thông tin hiện nay) không đẹp bằng và hiện nay dù chưa công bố đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà đã có trên 70 nhà đầu tư gửi đơn xin tham gia thì khu thương xá Tax không thể khiến nhà đầu tư thờ ơ.

Mặc dù đã chính thức gửi công văn chấm dứt đàm phán với đối tác nước ngoài nhưng ông Huỳnh Văn Minh khẳng định vẫn tiếp tục tiến hành các bước chuẩn bị để đền bù cho các hộ dân cũng như những pháp nhân có đất liên quan đến dự án. “Satra đã đề xuất với UBND TP để tự mình làm và tin rằng có đủ khả năng tự đầu tư xây dựng và quản lý công trình tầm cỡ này” - ông Minh nói. 

Để có đủ nguồn tài chính tự xây dựng trung tâm thương mại quốc tế cao 40 tầng với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD này, ngoài vốn tự có, Satra dự kiến phát hành trái phiếu và mời gọi các đối tác chiến lược của mình tham gia. Để quản lý và khai thác tòa cao ốc sau khi xây dựng xong, kế hoạch của Satra là thuê các công ty quản lý nước ngoài. 

Trong khi đó, một chuyên gia tư vấn đầu tư cho rằng nếu TP đồng ý với đề xuất của Satra cho phép đơn vị này tự thực hiện dự án đồng nghĩa với việc cho phép dự án xây dựng trung tâm thương mại - một công trình dáng dấp bộ mặt của TP.HCM - được kéo dài thêm một thời gian nữa vì Satra không đủ năng lực. “Cùng với chủ trương chung về lựa chọn nhà đầu tư cho các khu đất vàng của UBND TP.HCM, đề nghị cho đấu thầu công khai đối với khu đất quí có một không hai này” - vị chuyên gia này nói.

Theo Tuổi Trẻ

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME