Đến năm 2019, Tp.HCM sẽ hoàn chỉnh quy hoạch đô thị dưới lòng đất
Theo thông tin từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM ngày 14/4, thành phố sẽ hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian ngầm trong năm 2019, trong đó khu trung tâm (vùng lõi 930ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) sẽ là những khu vực được ưu tiên tập trung phát triển.
"Việc này giúp mở thêm không gian cho phương tiện giao thông, các loại hình dịch vụ, thương mại dưới lòng đất. Như vậy sẽ giảm áp lực kẹt xe và đáp ứng tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng như hiện nay", một vị lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM nhận xét.
Được biết, các công trình trên mặt đất và đô thị ngầm thuộc hai khu vực nói trên sẽ được đơn vị quy hoạch phân tích địa chất, thủy văn, hiện trạng xây dựng để xác định ranh giới, chức năng sử dụng không gian, trên cơ sở đó triển khai xây dựng các công trình ngầm. Ngoài ra, việc nghiên cứu sẽ giúp đưa ra dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm đô thị cũng như xác định các khu chức năng dưới mặt đất, vị trí và quy mô ga tàu điện ngầm, hầm đường ôtô, bãi đỗ xe...
Bên cạnh hai khu chính, còn có khu vực được nghiên cứu sâu, làm quy hoạch ngầm chi tiết là điểm xung quanh hệ thống nhà ga metro. Diện tích quy hoạch khu này dự kiến khoảng 150ha, nằm trong vùng lõi của khu trung tâm thành phố.
Sau khi tuyến metro số 1 hoàn thành, đây là là không gian ngầm trước chợ Bến Thành.
Lòng đất Tp.HCM đang chằng chịt công trình
Cách đây khoảng một năm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận được yêu cầu từ Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong về việc đề xuất kế hoạch xây dựng không gian ngầm toàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, trong một buổi hội thảo về phát triển không gian ngầm mới tổ chứ gần đây, tính khả thi của dự án là vấn đề khiến nhiều chuyên gia băn khoăn.
Với khu trung tâm, triển khai không gian ngầm sẽ là việc vô cùng khó khăn và phức tạp. Bởi lẽ hiện nay, dưới lòng đất khu vực này đang chằng chịt các công trình ngầm (điện, nước, viễn thông, thoát nước...). Trong khi đó, các công trình tại đây còn thiếu dữ liệu quản lý và chưa được quản lý tập trung.
Chẳng hạn, chỉ riêng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm đã có rất nhiều đơn vị quản lý khác nhau. Trong đó, các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, kể cả đường sắt đô thị và hầm đường bộ, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, mạng lưới cấp nước là do Sở Giao thông Vận tải quản lý; hệ thống lưới điện do Sở Công thương quản lý; hệ thống cáp viễn thông do Sở Thông tin - truyền thông quản lý...
Phản ánh về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Hiệp (nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM) dẫn chứng, cũng do vướng đường ống nước ngầm mà phương án xây dựng đường hầm ngầm kết nối hai tòa nhà Vincom A và Vincom B ở đường Đồng Khởi (quận 1) không thể làm được dù thành phố đã có chủ trương.
Là một chuyên gia phát triển đô thị, ông Hà Ngọc Trường chia sẻ, khi thực hiện nghiên cứu "nguyên nhân hố tử thần ở Tp.HCM", nhóm nghiên cứu của ông đã gặp rất nhiều khó khăn do cùng một khu vực mà có đến 15 đơn vị quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Sở Quy hoạch - kiến trúc cũng cho rằng, để định hướng quản lý và sử dụng đất hiệu quả thì việc lập quy hoạch không gian ngầm đô thị là yêu cầu cấp thiết. Với việc hình thành hệ thống metro cùng các công trình ngầm như hiện nay, Tp.HCM buộc phải quản lý, khai thác hiệu quả không gian ngầm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet