1. Chuyển nhượng đất chưa bị thu hồi

Hiện đất của tôi đã được cấp “giấy đỏ” nhưng trên giấy có ghi chú: “Đất quy hoạch cây xanh”. Nay tôi có thể làm thủ tục chuyển nhượng hợp pháp cho những người mà tôi đã bán đất bằng giấy tay trước đó?

Trần Linh Đan (Gò Vấp)

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Gò Vấp:

Theo điểm 1.2 Điều 1 Chỉ thị 30 ngày 24-12-2003 của UBND TP.HCM, nhà, đất nằm trong khu vực quy hoạch phải thu hồi đất để xây dựng các công trình công cộng hoặc giao, cho thuê để các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền, người sử dụng đất vẫn được thực hiện các quyền về sở hữu nhà, sử dụng đất theo quy định.

Nếu số đất trên chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan thẩm quyền, bà có thể làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

2. Chồng muốn đứng tên giấy tờ nhà

Vợ chồng tôi cùng tạo lập một căn nhà nhưng nay khi làm “giấy hồng” thì chồng tôi muốn đứng tên một mình. Nếu tôi không đồng ý, các cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào?

Diệu Hiền (Quận 11)

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận 11:

Theo Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản chung của vợ chồng gồm có tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Nếu căn nhà trên là tài sản chung của vợ, chồng thì trong “giấy hồng” phải ghi đầy đủ tên của vợ, chồng. Trường hợp người chồng muốn đứng tên một mình thì phải được sự đồng ý của người vợ.

3. Để lại nhà làm nơi thờ cúng

Vợ chồng tôi có một căn nhà nhỏ chỉ muốn cho con sử dụng để ở. Chúng tôi cần phải làm thủ tục gì để sau này khi tôi qua đời, con tôi không được quyền thế chấp, chuyển nhượng nhà cho người ngoài?

Nguyễn Thành Tâm (Đức Trọng, Lâm Đồng)

Luật sư Nguyễn Đình Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM:

Theo Điều 670 Bộ luật Dân sự, vợ chồng ông có thể lập di chúc để lại căn nhà dùng vào việc thờ cúng. Bấy giờ, căn nhà không được chia thừa kế và được giao cho một người được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản đó cho người khác quản lý để thờ cúng.

4. Được gửi “phần vắng”?

Căn nhà mà tôi đang sử dụng là nhà thuộc sở hữu chung của bốn đồng thừa kế, trong đó có một người không rõ ở đâu. Nay ba người còn lại muốn bán nhà nhưng chưa biết phải xử lý sao đối với phần giá trị nhà của người vắng mặt?

Minh Thơ (TP.HCM)

Luật sư Trần Thị Miền, Đoàn luật sư TP.HCM:

Theo Điều 57 NĐ 90 ngày 6-9-2006 của Chính phủ, đối với nhà ở thuộc sở hữu chung, trường hợp có chủ sở hữu chung vắng mặt và không xác định được nơi cư trú của người đó thì các chủ sở hữu chung còn lại phải có đơn yêu cầu tòa án tuyên bố người đó mất tích theo quy định của pháp luật trước khi thực hiện bán nhà ở đó.

Căn cứ vào giá bán nhà ở ghi trong hợp đồng mua bán nhà ở, các chủ sở hữu chung còn lại có trách nhiệm gửi tiền bán nhà tương ứng với phần giá trị quyền sở hữu nhà ở của người mất tích vào ngân hàng thương mại nơi có nhà ở được bán; khi người được tuyên bố đã mất tích trở về và có yêu cầu thì ngân hàng đã nhận tiền gửi có trách nhiệm thanh toán cho họ cả tiền gốc và tiền lãi theo quy định về lãi suất không kỳ hạn tại thời điểm người được tuyên bố mất tích nhận lại tiền. Trường hợp người được tuyên bố mất tích chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết thì phần tiền đã gửi vào ngân hàng được chia lại cho những người thừa kế hợp pháp của họ.

Theo Pháp luật TP

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME