Theo RFI (Đài phát thanh quốc tế Pháp), sau nhiều năm phát triển mạnh mẽ, thị trường BĐS Trung Quốc bị chững lại trong những tháng vừa qua. Bắc Kinh đang phải "xốc" lại lĩnh vực kinh doanh được xem là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Đối với thành phần trung lưu người Trung Hoa thì mua được căn hộ ở thành phố là dấu hiệu của sự thăng tiến xã hội. Nhờ sự tăng trưởng của nền kinh tế chung, người có chút tiền đổ xô mua nhà và qua đó đã làm tăng nhiệt thị trường địa ốc tại Hoa lục. Mua nhà cũng là một phương thức đầu tư cho tương lai vì hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ người già chỉ "có tiếng mà không có miếng", người dân buộc phải phòng xa cho tương lai của mình.

Do vậy mà giá nhà đất ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đã tăng đến 4 lần kể từ năm 2003 và gấp đôi ở những nơi khác trong cơn sốt đô thị hóa theo như số liệu của ngân hàng Standard Bank.

Tuy nhiên, thời kỳ vàng son đã sang trang, giá nhà trung bình tại 100 thành phố chính đã giảm xuống chỉ còn độ 1.500 USD mỗi mét vuông. Trong 10 thành phố lớn nhất của Trung Quốc chỉ có Bắc Kinh và Thiên Tân là còn duy trì được giá cao trong khi nhiều thành phố khác giá nhà mới hầu như tuột dốc.

Con tàu mỏi mệt

Cơ quan thẩm định tín nhiệm Moody’s đã hạ điểm viễn cảnh của thị trường địa ốc Trung Quốc, đưa ra một danh sách dài về nhà cửa không bán được, một phần vì tình hình chung rất ảm đạm nhưng mặt khác là do chính sách siết chặt tín dụng.

Các biện pháp hạn chế cho vay của Ngân hàng trung ương ban hành năm 2013 nhằm mục đích chống tệ nạn nợ xấu trong cả hai lãnh vực kinh doanh công và tư đã gây khốn đốn cho người muốn mua nhà lẫn doanh nghiệp địa ốc. Từ tháng 2 đến nay, có ít nhất 6 công ty trung bình đã gặp tình trạng không đủ khả năng thanh toán nợ.

Hậu quả là thị trường BĐS rơi vào vòng luẩn quẩn: công ty xây dựng hạ giá để thu hút khách hàng còn khách hàng thấy xuống giá thì chờ giá xuống thêm. Vòng xoáy này đã đưa đến tình trạng thành phố ma ở Trung Quốc, hàng hàng lớp lớp cao ốc bỏ hoang, từng khu đô thị mới với hàng ngàn căn hộ không người ở.

Tình thế bế tắc này có thể còn kéo dài vì chính quyền Trung Quốc vô kế khả thi. Ý thức giá cả nhà đất lên cao gây bất bình trong dân chúng, chính quyền trung ương tìm cách hạn chế mua bán nhà ở các đô thị lớn. Thế nhưng, chính quyền địa phương thì bằng mọi giá phải xây thật nhiều, bán giá thật cao vì đầu cơ địa ốc là nguồn lợi béo bở của cán bộ.

Nguyên nhân của kiện tụng đất đai

Tình trạng trên, theo RFI, chính là lý do tại sao nảy sinh "chính sách" trưng thu đất đai của nông dân tạo ra hàng triệu dân oan sớm tối tranh đấu đòi bồi thường.

Thật ra, theo AFP trích dẫn các chuyên gia tài chính, thì Bắc Kinh vẫn có khả năng ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng sụp đổ thị trường BĐS mà chấn động sẽ gây tác hại lớn cho cả hệ thống kinh tế và tài chính Trung Quốc. Biện pháp đó là nới lỏng tín dụng và để cho điều tiết số lượng nhà bán.

Vấn đề là khả năng này không nhiều. Nếu giá địa ốc giảm xuống hơn 10% thì sẽ kéo tỷ lệ tăng trưởng GDP sẽ xuống dưới 7% với những hệ quả bất ổn xã hội không thể tránh được theo như thẩm định của chính phủ Trung Quốc.

Trước viễn cảnh không sáng sủa này, một số chuyên gia ngân hàng Trung Quốc tìm cách trấn an với lập luận: thị trường BĐS Trung Quốc còn tương lai tươi sáng trong vài thập niên nữa vì trong thời gian tới ít nhất 200 triệu dân nông thôn sẽ đổ ra thành phố tìm việc làm và… mua nhà.

Vấn đề là các chuyên gia có biết là thành phần "dân công" bị đặt bên lề xã hội vì không có hộ khẩu? Họ phải sống trong những căn nhà ổ chuột, con cái không được đến trường.

Làm cách nào để cơn khủng hoảng BĐS được 200 triệu "dân công" giải quyết giùm nếu quyền sống của người Trung Quốc không được tôn trọng ngay trên đất nước của chính họ?

Bảo Bình (Lược dịch)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME