Có thể tặng cho có điều kiện phần thừa kế di sản?
* Gia đình tôi gồm 6 anh chị em. Sau khi ba mẹ mất có để lại một ngôi nhà, chúng tôi đã làm giấy đồng thừa kế di sản (6 phần) và ủy quyền cho chị hai đứng tên, giấy tờ đã làm được 1 năm. Nay chị thứ hai và anh thứ ba muốn sang tên phần thừa kế của mình cho em út với điều kiện khi nào cả hai mất thì người em út mới được hưởng.
Hiện tại nhà đó ở quận 4 (TP.HCM). Vậy phải công chứng ở đâu? Chúng tôi phải làm giấy tờ gì? Người em út (tổng cộng được ba phần) có phải chịu đóng thuế gì không? ([email protected] )
- Trả lời của luật sư Nguyễn Văn Hậu:
Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện tại ngôi nhà nêu trên do 6 anh chị em của bạn nhận được do được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ bạn. Hiện tại 6 anh chị em bạn là đồng sở hữu chung đối với ngôi nhà trên và chị thứ hai của bạn chỉ là người đại diện cho 6 người để đứng tên trên giấy chứng nhận QSHNƠ và QSDĐƠ trên.
Nếu chị thứ hai và anh thứ ba của bạn muốn để lại phần tài sản của mình trong khối tài sản chung nêu trên sau khi chết cho người em út, thì có thể lập di chúc để định đoạt phần tài sản của mình trong khối tài sản chung nêu trên, trong đó nêu rõ là sẽ để lại phần tài sản đó cho người em út khi họ chết.
Ngoài ra, chị thứ hai và anh thứ ba của bạn có thể làm hợp đồng tặng cho có điều kiện cho người em út của bạn, theo đó người em út của bạn sẽ được hưởng phần tài sản của họ trong khối tài sản chung là ngôi nhà nêu trên khi chị thứ hai và anh thứ ba của bạn chết đi.
Hiện tại TP.HCM đã xóa bỏ địa hạt công chứng nên bạn có thể liên hệ bất cứ phòng công chứng nào để tiến hành thủ tục.
Trong trường hợp chị thứ hai và anh thứ ba của bạn lập di chúc để lại phần tài sản hoặc tặng cho có điều kiện phần tài sản của họ trong khối tài sản chung của 6 anh chị em là ngôi nhà nêu trên thì khi người em út của bạn nhận phần tài sản trên, em út của bạn không thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Vào thời điểm này, do có sự thay đổi về thông tin đồng sở hữu đối với ngôi nhà trên nên các bạn sẽ phải đóng thuế trước bạ tùy theo tỉ lệ mà các bạn có thể thỏa thuận với nhau về mức lệ phí trước bạ mà mỗi người phải chịu khi đăng ký thay đổi thông tin ngôi nhà trên.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU
(Theo Tuổi Trẻ)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet