Có một Tây Tạng giữa lòng Sài Gòn
Nếu bạn muốn trải nghiệm một chút về nền văn hoá vẫn còn tương đối xa lạ đối với chúng ta, thì café Tây Tạng có thể là một khởi đầu.
“Ôi Khanh ơi, Khanh lại đi Tây Tạng đấy à? Sao “máu” thế?”
Tôi đã comment luôn vào một bức ảnh của đứa bạn trên Facebook. Trong ảnh rõ ràng bạn tôi đang ở một nơi rất giống Tây Tạng – vùng đất chúng tôi đã từng đặt chân lên cách đây hai năm. “Máu” là vì mặc dù chúng tôi hẹn sẽ có ngày trở lại vùng đất linh thiêng đó, nhưng mà không thể nhanh đến thế này. Chuyến đi trước đó, chúng tôi đã phải chuẩn bị hơn 8 tháng trời – lên kế hoạch, tìm bạn đồng hành, vẽ hành trình đi, book vé, book tour, v.v. Và tổng chi phí cho 15 ngày cũng phải gần bằng một em máy Nikon D600.
Nhưng hoá ra không phải, bạn tôi đang ngồi ở quán Café Tây Tạng giữa Sài Gòn nóng nực. Những bức ảnh update sau đó của bạn tôi cứ như tái hiện lại những nơi chốn mà chúng tôi đã từng ghé qua khi ở Tây Tạng. Từ màu sơn tường ấm cúng, thảm trang trí, đồ vật sử dụng, hộp đựng giấy, bình hoa, tranh ảnh…..đều khiến tôi bật thốt lên “giống quá, giống ở Tây Tạng quá.” Quả thật, nếu bạn tôi có nói là đang ở Tây Tạng thì tôi cũng tin luôn.
Qua những gì bạn tôi kể và tự tìm hiểu thì quán café này được mở bởi một cô chủ theo đạo Phật và đam mê nền văn hoá Himalaya. Nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Tôn Thất Tùng, quán mang đậm chất văn hoá đặc trưng của các nước vùng Tây Á và triết lý tôn giáo của đạo Phật.
Tầng một, một bên tường được sơn màu cam – màu tượng trưng cho luân xa (chakra) thứ hai của cơ thể con người, một dạng năng lượng của tâm linh, liên kết giữa sáng tạo và năng động. Một bên khác, tường có màu xanh lá cây – màu của hoạt động giác ngộ, của sự nghi kỵ biến thành thông tuệ.
Tầng hai được thiết kế để khơi gợi lên chất thiền với tường sơn màu trắng – màu của sự tinh khiết và giải thoát. Cờ ghi những lời cầu nguyện của phật giáo Tây Tạng được treo dọc trần nhà cùng những bức ảnh của các công chúa Bhutan và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Không gian này phù hợp để đàm đạo phật pháp và đọc sách.
Căn phòng sáng sủa nhất là tầng ba, ít đồ đạc hơn và được dùng làm phòng hoà nhạc piano vào cuối tuần. Phòng có treo những bức tranh và ảnh về các nước ở khu vực Himalaya, những vật dụng từ Rajasthan, Ấn Độ.
Bạn tôi còn kể, quán cũng phục vụ trà bơ nóng mà chúng tôi đã từng thưởng thức vào những buổi sáng lạnh cóng người trên cao nguyên Tây Tạng. Bạn bảo, cái lạnh của điều hoà không đủ để tái hiện lại những buổi sáng ngày xưa. Nhưng tôi vẫn ước mình được uống lại thứ trà đặc biệt ấy – mùi thơm thơm, ngậy ngậy nhưng vị hơi kỳ, bên trên phủ một lớp váng mỡ của bơ. Ban đầu uống có thể thấy ngang ngang, nhưng cái lạnh của cao nguyên sẽ khiến bạn tiếp nhận thứ đồ uống nóng hổi này hào hứng hơn.
Tôi thở dài, ước gì mình đang được ngồi trong quán ôn lại những câu chuyện và ấn tượng của mình về chuyến đi đó với bạn. Và còn có một lý do khác cho điều ước của tôi đó là quán còn bán cả những món đồ lưu niệm, quần áo, phụ kiện do nông dân nghèo vùng Kathmandu sản xuất và các loại hương liệu cúng dường. Tôi nghiện shopping mà. Bay từ Hà Nội vào Sài Gòn thì rõ ràng là nhanh và rẻ hơn rất nhiều so với bay đi Tây Tạng, nên chắc là tôi sẽ ghé thăm nó nhanh thôi.
Còn nếu bạn muốn trải nghiệm một chút về nền văn hoá vẫn còn tương đối xa lạ đối với chúng ta, thì tôi nghĩ café Tây Tạng có thể là một khởi đầu.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet