Chia sẻ kinh nghiệm thiết kế nhà cho người có bệnh lý hô hấp
Có con trai bị viêm xoang và mẹ vợ bị hen mãn tính, vợ chồng anh Phan Quang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) rất chú trọng việc giữ không gian sống thông thoáng, trong lành, dễ thở để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Dưới đây là chia sẻ của anh Quang về kinh nghiệm thiết kế nhà cho người có bệnh đường hô hấp, tạo không gian thông thoáng, trong lành, thân thiện cho cả gia đình.
Trước kia, chúng tôi chọn sống ở chung cư cách xa trung tâm thành phố một chút để được hít thở không khí trong lành và tận dụng các tiện ích của chung cư như hồ bơi, công viên, bến thuyền… Nhưng do tính chất công việc cần tiết kiệm thời gian di chuyển vào trung tâm nên gia đình tôi quyết định về lại nội thành xây nhà sinh sống.
Lúc quyết định dọn xuống ở nhà đất trong nội thành, điều mà vợ chồng tôi băn khoăn nhất là làm sao để có không gian thông thoáng, không khí trong lành như ở ngoại ô thành phố. Con trai tôi bị viêm xoang từ nhỏ, cần hạn chế ngủ trong phòng máy lạnh. Bên cạnh đó, vợ tôi tính xây nhà xong sẽ mời mẹ về sống chung. Mẹ vợ tôi cũng có bệnh về hô hấp, bị viêm mũi dị ứng và hen mãn tính. Vì vậy, việc thiết kế nhà sao cho thông thoáng, dễ thở cho các thành viên được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Cả quá trình xây nhà, từ khi chọn đất đến thiết kế không gian nội thất, vợ chồng tôi đều chú trọng vấn đề này nên nhà xây xong dẫu kiến trúc không quá độc đáo, đặc biệt nhưng công năng hoàn toàn phù hợp với mong muốn của chúng tôi.
Tạo không gian thông thoáng
Chúng tôi may mắn tìm được một miếng đất khá rộng, diện tích 140m2, nằm trong hẻm cụt, một mặt giáp với trường học. Với địa thế này, chúng tôi yên tâm rằng sẽ không có nhà ai xây sát vách, nhà tôi có thể mở cửa sổ ở cả hai mặt nhà, tạo không khí đối lưu. Chúng tôi xây nhà 3 tầng, diện tích xây dựng khoảng 400m2. Hầu hết các phòng ngủ, phòng ăn, bếp, phòng sinh hoạt chung và cả toilet đều có cửa sổ. Tôi cũng lắp cửa lưới chống muỗi và cản bớt bụi nên có thể mở cửa sổ cả ngày cho nhà thông thoáng.
Nhà chúng tôi không có phòng khách, tất cả bạn bè thân thiết sẽ được đón tiếp tại gian bếp mở nối với phòng ăn. Tôi tự thiết kế và sản xuất hệ tủ bếp, đảo bếp và bàn ăn lớn cho 16 người.
Các cửa sổ lớn mở ra ngoài nên chúng tôi chỉ sử dụng máy lọc không khí để khử mùi thức ăn thay vì máy hút mùi ở bếp.
Các phòng ngủ bố trí trên cùng một tầng, xoay xung quanh khu sinh hoạt chung của gia đình để các thành viên có nhiều cơ hội gặp nhau nhất có thể.
Chúng tôi thường để cửa mở cả ngày cho nhà thông thoáng, tạo đối lưu không khí.
Trồng cây xanh
Vợ chồng tôi dành một phần sân thượng và sân trước nhà để trồng cây xanh với mục đích cản bớt bụi từ ngoài vào, làm sạch không khí trong nhà và giải phóng oxy. Khu vực bếp cũng bố trí cây xanh để hấp thụ các nguồn ô nhiễm do máy móc, thiết bị điện tử, bếp từ, lò nướng, lò vi sóng, khói, mùi khi nấu ăn... Tôi biết rằng mặc dù không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng các thiết bị, dụng cụ nấu nướng cũng tạo ra khí thải, gây ô nhiễm không khí trong nhà, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ chúng ta. Nhiều cây xanh có khả năng hấp thụ các loại khí thải này. Vì công việc bận rộn, hay phải vắng nhà nên tôi chọn các loại cây xanh không tốn nhiều công chăm sóc như cây bàng Đài Loan, cây hoa giấy, cây trúc, cây thần tài..., tuỳ vị trí, không gian mà chọn kích thước cây phù hợp. Thỉnh thoảng, tôi cũng luân chuyển vị trí các cây hoặc trồng cây mới để không gian có sự thay đổi, mới lạ.
Bồn trồng cây trên sân thượng đã được xử lí chống thấm nên có thể thoải mái tưới nước, thay đất. Đây cũng là góc tập thiền của vợ chồng tôi.
Phòng tắm luôn có cây xanh, vừa làm đẹp, vừa lọc không khí.
>> Gợi ý 15 cây cảnh tốt cho sức khỏe nên có trong nhà bạn
Không tích trữ đồ đạc
Vợ tôi ghét nhất là kho trữ đồ nên luôn hối thúc dọn dẹp, thanh lí đồ cũ không còn dùng đến. Cô ấy cũng sợ bụi ảnh hưởng đến sức khoẻ của con và bà ngoại nên đặt ra “luật lệ”, yêu cầu cả nhà phải luôn ngăn nắp, gọn gàng, bỏ bớt đồ đạc để thuận tiện cho việc dọn dẹp.
Vợ tôi yêu cầu cả nhà phải ngăn nắp, gọn gàng, bỏ bớt đồ đạc để không gian thông thoáng, tiết kiệm công sức dọn dẹp.
Sử dụng máy lọc không khí
Dù mấy bố con đã nghiêm túc tuân thủ “luật lệ” ngăn nắp, vợ tôi vẫn chưa hết lo lắng. Cô ấy yêu cầu mua thêm máy lọc không khí cho an tâm. Chiều vợ, tôi đồng ý mua 2 chiếc máy lọc không khí chứ trong đầu nghĩ rằng máy chẳng giải quyết được gì. Không ngờ vợ có lý, máy lọc không khí không chỉ lọc sạch bụi, mùi mà cả vi khuẩn nên nhà tôi không bị ẩm mốc ngay cả trong mùa mưa, không khí trong lành thấy rõ.
Theo tôi, có hai nơi nên bố trí máy lọc không khí là khu vực bếp và phòng ngủ. Ở phòng bếp, máy lọc giúp hút mùi và bụi khá hiệu quả nên mùi thức ăn không bay sang phòng ngủ và các khu vực khác. Nếu có khách đến chơi đúng giờ nấu nướng, gia chủ cũng không ngại mùi bám đầy nhà. Máy lọc không khí cũng khử mùi khói nhang và thuốc lá nên các ông chồng nếu đã lỡ hút thuốc thì nên sắm máy này để đỡ bị vợ phàn nàn. Còn trong phòng ngủ, máy giúp lọc sạch các tác nhân gây dị ứng. Mẹ vợ và các con tôi đã giảm hẳn triệu chứng hắt xì, viêm mũi, hen suyễn nhờ máy lọc không khí.
Nhờ máy lọc không khí lọc sạch tác nhân dị ứng trong phòng ngủ, mẹ vợ và các con tôi đã giảm hẳn triệu chứng viêm mũi, hen suyễn.
Loại bỏ hoặc hạn chế sử dụng hoá chất
Về nội thất, tôi không đầu tư cầu kỳ vì ngân sách có hạn. Thay vì sắm mới, tôi tận dụng là những đồ nội thất đã có sẵn từ trước, sắp đặt lại để phù hợp với nhau, còn lại là những món đồ tự thiết kế, tự đóng theo ý thích. Tôi có xưởng làm mộc nên việc này cũng thuận lợi hơn, lại có đồ “độc”, khó “đụng hàng”. Với đồ mộc đóng mới, tôi cũng tìm cách xử lí mùi sơn, mùi hoá chất kỹ càng trước khi mang vào nhà, tránh gây dị ứng. Theo tôi, các gia đình có người bị dị ứng hay bệnh lý hô hấp nên chọn sử dụng đồ nội thất cũ hoặc đặt bên sản xuất xử lí hết mùi rồi mới đưa vào sử dụng. Thời gian trung bình để mùi hoá chất, sơn trên đồ nội thất gỗ bay bớt là khoảng vài tháng.
Bộ đèn trần tôi tự thiết kế từ ý tưởng tận dụng những tấm gỗ thông có nhiều mắt.
Tôi luôn xử lý kỹ mùi sơn, hóa chất ở đồ nội thất mới trước khi đưa vào nhà để hạn chế nguồn ô nhiễm.
Trong quá trình sinh sống, các thiết bị khác như quạt máy, quạt hút, ghế sofa, kệ sách, thành cửa sổ,... là những nơi đóng bụi nhiều nhất. Vợ tôi luôn phải lau chùi, hút bụi thường xuyên nhưng cô ấy chỉ sử dụng các sản phẩm organic (hữu cơ), không sử dụng các chất tẩy rửa có hoá chất. Tôi hoàn toàn ủng hộ vì tin rằng loại bỏ hoặc ít nhất là hạn chế sử dụng hóa chất sẽ tốt cho sức khỏe của cả gia đình.
Tôi nghĩ rằng chăm sóc một ngôi nhà không khó, vì khi chúng ta yêu quý tổ ấm và quan tâm đến sức khoẻ của người thân, tự mỗi người sẽ có cách riêng của mình để giữ không gian sống luôn bình yên, an toàn cho cả nhà.
Lan Chi (ghi)
Ảnh: NVCC
>> Nhà ống lệch tầng hướng Tây vẫn thoáng mát nhờ 2 giếng trời và 7 bồn cây xanh
>> Nhà của Gió – Cái kết đẹp cho chuyện tình 10 năm yêu xa của cặp đôi Đà Nẵng
>> Tiết kiệm năng lượng cho ngôi nhà giữa thời điện tăng giá
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet